Thời trang Việt khốn đốn trước sức ép thương hiệu ngoại

13/06/2017 - 00:30

PNO - Hàng loạt thương hiệu ngoại đang tràn ngập tại thị trường Việt Nam thì ngược lại, thương hiệu thời trang trong nước ngày càng bị thu hẹp.

Nỗ lực tìm chỗ đứng

Dù liên tục nhiều năm liền hàng dệt may Việt Nam đứng trong Top 5 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng tại thị trường nội địa, thương hiệu Việt vẫn khá còm cõi với thị phần nhỏ bé.

Nhiều người dùng tại TP.HCM vẫn còn nhớ đến thương hiệu quần áo Foci của Công ty Thời trang Nguyên Tâm ra đời vào năm 1999, được định vị ở phân khúc trung cấp. Đến năm 2007, Foci đã mở đến 60 cửa hàng nhưng kể từ năm 2014, chuỗi cửa hàng đã bị thu hẹp và dần dần đóng cửa. 

Thoi trang Viet khon don truoc suc ep thuong hieu ngoai
Các thương hiệu thời trang Việt vất vả để thu hút khách hàng.

Một số thương hiệu trong nước hiện nay như  Ninomaxx, Blue Exchange, Việt Tiến, An Phước, Nhà Bè, May 10,… vẫn chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn trên thị trường. Ngay bản thân các DN dù đã có tiếng trên thị trường thế giới khi có doanh số xuất khẩu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm như Việt Tiến, An Phước, Nhà Bè thì cũng phải cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa. 

Bản thân các DN nội địa luôn thừa nhận khó “đấu” lại với các thương hiệu ngoại cũng như hàng không có xuất xứ. Điều đó khiến họ e ngại khi tham gia thị trường này.

Cách đây nhiều năm, một DN may mặc trong nước đã từng chia sẻ, nếu như 4 thương hiệu thời trang quốc tế là Zara, Uniqlo, H&M và Forever 21 trực tiếp vào VN thì thị trường sẽ càng trở nên khốc liệt hơn. Bởi đây là các thương hiệu cung cấp đa dạng sản phẩm cho mọi giới, mọi lứa tuổi ở phân khúc phổ thông nên sẽ dễ dàng chiếm được thị phần.

Giờ đây, điều đó đang xảy ra và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn với hàng loạt thương hiệu quốc tế nhảy vào thị trường và liệu có còn chỗ đứng cho DN Việt? Giám đốc một công ty thời trang tại TP.HCM không muốn nêu tên cũng thừa nhận, sự thật kinh doanh hàng thời trang tại Việt Nam quá khó khăn. Họ đồng thời phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn lâu đời trên thế giới nhưng cũng phải cạnh tranh quyết liệt với hàng nhái, hàng giả, hàng không nhãn mác.

Ở phân khúc cao cấp như CK, Ted Bakaer, Gucci, D&G,… thì thương hiệu Việt không thể cạnh tranh được. Còn ở phân khúc hàng trung bình khá như Zara, Mango, Gap và nay lại thêm Old Navy hay sắp đến là H&M thì hàng trong nước cũng thua xa. Đối với hàng nhái hàng không nhãn mác thì bản thân doanh nghiệp cũng đấu không lại.

“Tâm lý chuộng hàng ngoại của nhiều người tiêu dùng Việt Nam là thật sự và khó thay đổi. Nhưng chúng tôi cũng gặp khó khăn thật sự với hàng từ các cơ sở nhỏ lẻ trong nước, từ các hộ may gia đình. Khi đã là doanh nghiệp thì có rất nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, vận hành trong khi các cơ sở may có thể tiết kiệm được nhiều chi phí đó và giá họ đưa ra thì doanh nghiệp không thể cạnh tranh được”, vị nữ giám đốc này thừa nhận.

Thoi trang Viet khon don truoc suc ep thuong hieu ngoai
Hàng may mặc không nhãn hiệu tràn ngập ở chợ An Đông và sẽ về các tỉnh thành.

Trong khi đó, chị Hoa – chủ một cơ sở sản xuất quần áo nữ ở Quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, hàng hóa của chị chuyên bỏ mối cho các sạp ở chợ Tân Bình và An Đông. Từ đó, các sạp này ngoài bán lẻ còn bỏ sỉ về các tỉnh miền Trung và miền Tây.

“Những thương hiệu ngoại hay các thương hiệu trong nước lớn như Việt Tiến, An Phước chỉ bán được ở các thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Còn ở nhiều tỉnh thành khác thì chủ yếu vẫn là hàng may mặc từ các cơ sở nhỏ lẻ với giá rẻ hơn rất nhiều, phù hợp cho thu nhập của người lao động phổ thông. Mẫu mã thì các cơ sở may như mình cũng chủ yếu bắt chước theo hàng có trên thị trường từ nhiều nơi, rồi có gia giảm thêm tí chút…”, chị Hoa cho biết. 

Gia công dễ hơn sản xuất 

Dễ nhận thấy những DN trong nước vừa có may hàng xuất khẩu, vừa làm gia công đồng thời có bán sản phẩm trong nước như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10,… đều là những DN lớn. Nhưng phần trong nước vẫn chỉ chiếm khiêm tốn hơn so với phần xuất khẩu.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, kinh doanh hàng thời trang trong nước cần nhiều vốn, lại có quá nhiều chi phí trong khi sự cạnh tranh luôn quyết liệt. Nhiều công ty đã làm nhưng hàng không bán được khiến hàng tồn kho nhiều. Sau một thời gian thì nản chí. Vì vậy chủ yếu là thực hiện gia công. Quan trọng nhất là đội ngũ thiết kế trong nước không mạnh nên không thể cạnh tranh về mẫu mã, đây là yếu tố sống còn trong ngành thời trang.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, nhận xét bản thân các thương hiệu toàn cầu có lộ trình chuyên nghiệp để đưa hàng hóa thâm nhập vào thị trường VN. Các thương hiệu nước ngoài đã quá chuyên nghiệp và tạo ra quy chuẩn trong thiết kế, từ thiết kế nguyên phụ liệu đến hoàn tất sản phẩm, thiết kế cửa hàng trưng bày… Đây là điểm mà các DN trong nước vẫn bị “tắc”. 

Đặc biệt, khi xu hướng số hóa, bán hàng qua mạng internet hay mạng xã hội, tổ chức marketing số… đang mạnh hơn thay vì chỉ tập trung mở ra những cửa hàng lớn như trước đây thì nhiều DN trong nước vẫn còn chậm, vẫn chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của xu hướng này.

Thoi trang Viet khon don truoc suc ep thuong hieu ngoai
Các thương hiệu toàn cầu có lộ trình chuyên nghiệp để đưa hàng hóa thâm nhập vào thị trường VN.

Hiện nay Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM đang xây dựng một trung tâm thời trang bao gồm thiết  kế, trình diễn, nơi mua bán nguyên phụ liệu, bán hàng lẫn cung cấp các dịch vụ logistics để kết nối các DN, phục vụ cho cả nhu cầu xuất khẩu và phát triển hàng cho nội địa.

Thế nhưng, ông Việt cũng thừa nhận: “Bản thân nhiều DN may mặc, nhiều người Việt vẫn chưa biết phối đồ hoàn chỉnh, phối màu sắc thế nào là đẹp thì không thể chạy kịp hoạt động thiết kế với các thương hiệu nước ngoài. Tất nhiên mỗi DN vẫn có hướng đi riêng, khai thác thị trường ngách nhưng nhìn tổng thể ngành thời trang của Việt Nam vẫn chỉ đi sau thế giới”.

Lê Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI