Thời của gạo dinh dưỡng

08/09/2016 - 08:07

PNO - Ngày càng nhiều loại gạo xuất hiện với những công dụng khác nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để không mua nhầm "hàng thường giá cao".. 

Nếu như trước đây, thị trường gạo thực dưỡng, gạo chức năng chỉ lèo tèo vài sản phẩm (SP) gạo lứt, gạo huyết rồng, gạo tím...Thì hiện ngày càng nhều loại gạo xuất hiện với những công dụng khác nhau nhằm cung cấp dinh dưỡng hay hỗ trợ phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, làm thế nào để không mua nhầm "hàng thường giá cao". Vẫn là băn khoăn của nhiều người tiêu dùng bởi mặt hàng này chưa được quản lý chất lượng.

Linh Chi Nông Lâm, một thành viên của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM có SP gạo tím thảo dược được quảng cáo là loại gạo tím chức năng với dược tính Omega 3, 6, 9 và giàu vitamin, canxi… giúp nâng cao sức khỏe nhờ dinh dưỡng và các chỉ số dược tính có trong hạt gạo. 

Đối tượng tiêu dùng mà SP này hướng đến là những người ăn kiêng, người bị huyết áp, người bệnh tim mạch, tiểu đường. Không những vậy, SP này còn được cho là có tác dụng bổ mắt, bổ máu, gan thận, làm giảm quá trình lão hóa… Những tác dụng kể trên còn được tìm thấy trong loại gạo tím than Sóc Trăng.

Doanh nghiệp Viễn Phú kinh doanh tới hơn mười loại gạo hữu cơ, mỗi loại gạo có màu sắc, chức năng khác nhau dựa trên thành phần dinh dưỡng, có thành phần giúp kiểm soát nồng độ đường trong máu, không tăng lượng mỡ trong máu.  

Thoi cua gao dinh duong

Cũng có những loại gạo như gạo hoang dã hữu cơ tonic được giới thiệu là tốt cho người thiếu máu, tim mạch và mạ n tính… Hầu hết những sản phẩm của Viễn Phú có tên chung là Hoa Sữa và xuất khẩu được vào nhiều thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Đông…Các SP gạo dinh dưỡng có giá bán cao hơn hẳn các loại gạo thông thường, trung bình từ 40.000-70.000đ/kg.

Ông Dương Đình Tuấn, phụ trách kinh doanh thương hiệu gạo Cỏ May, một SP nhiều năm phát triển thương hiệu tại thị trường Singapore cho biết, đang có sự thay đổi rõ ràng trong thị hiếu của tiêu dùng. Những loại gạo canh tác dài ngày (bốn, năm tháng thay vì ba tháng), gạo thực dưỡng, gạo được bảo quản theo cách an toàn như hút chân không, tránh sử dụng các chất chống ẩm mốc hay hương liệu… được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn.

Ông Võ Minh Khải, Giám đốc công ty Viễn Phú (Cà Mau) cho biết, nhiều đơn vị chứng nhận về chất lượng ở Việt Nam hiện rất mất uy tín, nên nếu có làm sạch đến mấy mà... “tự nói tôi sạch” sẽ không ai tin. Nhiều đơn vị phải tìm đến các tổ chức quốc tế chứng nhận để đảm bảo khách quan, bất chấp chi phí lớn hơn rất nhiều để có được “tờ giấy thông hành” để tiếp khách hàng.

Cũng theo ông Khải, xu hướng tiêu dùng tại các nước phát triển trên thế giới hiện nay thực phẩm phải tuyệt đối an toàn (tuyệt đối không chứa hóa chất, chứ không phải hóa chất ít hay nhiều)… Thứ hai, thực phẩm có giúp gì cho sức khỏe, có chất nào giúp cho bộ phận cơ thể. Thứ ba mới tới mùi vị, khẩu vị, thứ tư giá cả…

Thế nhưng, ở nước ta thì xu hướng có vẻ ngược lại, người tiêu dùng bình dân thích thơm, dẻo, rẻ… Chỉ một bộ phận người tiêu dùng đang bắt đầu chuyển qua những SP mang tính thực dưỡng.

Theo một chuyên gia dinh dưỡng tại TP.HCM, nhiều SP gạo chức năng, chẳng hạn như gạo mầm tại Nhật Bản có những thành phần dinh dưỡng có thể giúp xây dựng khẩu phần ăn cho những người ăn kiêng, những người đang điều trị bệnh… nhưng SP này không phải là thuốc. Hay những loại gạo dùng cho người thừa cân, ăn kiêng, tỷ lệ chất béo ít, chất xơ nhiều... để hạn chế tăng cân chứ không phải ăn gạo đó là giảm được cân.

Đồng thời, gạo chức năng cũng phụ thuộc rất lớn vào quá trình canh tác, việc trồng trọt có đảm bảo an toàn hay không, bởi nếu trồng gạo chức năng nhưng lạm dụng hóa chất, phân bón hóa học thì tác dụng sẽ ít mà tác hại lạ i nhiều. Đến nay đa số các nhà sản xuất tự trồng, tự đem SP đi kiểm nghiệm, trong khi cơ chế quản lý những SP đặc biệt này còn hết sức hạn chế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các loại gạo chức năng trên thị trường hiện tự do nhà sản xuất tạo giống, canh tác, thu hoạch, chế biến... và lấy mẫu đi xét nghiệm thành phần dinh dưỡng chức năng, ngành nông nghiệp không quản lý việc công bố chất lượng hay công dụng của các SP này. Như vậy, rõ ràng chất lượng các loại gạo đang bị thả nổi và người tiêu dùng vẫn chỉ mua bán kiểu... hú họa.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI