Thị trường bán lẻ và cuộc đua món ăn tươi

30/06/2017 - 06:58

PNO - 7-Eleven là một trong những thương hiệu lớn gần đây vào Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) này xác định thực phẩm tươi là một phần quan trọng trong chiến lược thu hút khách hàng bản địa.

7-Eleven là một trong những thương hiệu lớn gần đây vào Việt Nam. Doanh nghiệp (DN) này  xác định thực phẩm tươi là một phần quan trọng trong chiến lược thu hút khách hàng bản địa.

Trước đó đã có nhiều nhà bán lẻ từng kinh doanh thực phẩm tươi, song giờ đây liệu xu hướng này có lên ngôi và trở thành con "át chủ bài" để các DN thắng lợi trong cuộc chiến giành khách hàng? 

Thi truong ban le va cuoc dua mon an tuoi

Cuộc đua món ăn tươi, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng Việt

Ngay ngày 7 - Elevent khai trương tại TP.HCM, tràn ngập trên các kênh mạng xã hội là hình ảnh nhiều người xếp hàng dài chờ tới lượt rinh về bữa ăn sẵn tiện dụng. Cả trăm món ăn tươi hè phố đã vào cửa hàng, được nâng cấp an toàn vệ sinh, đáp ứng nhu cầu về các món ăn tốt cho sức khỏe, phù hợp với thói quen và khẩu vị của người Việt Nam.

Kèm theo đó, những món ăn này được phục vụ nhanh chóng, tiện lợi đáp ứng lối sống ngày càng bận rộn của người tiêu dùng (NTD) ở thành thị với mức giá chỉ khoảng 15.000-50.000đ/món ăn và 15.000-18.000đ/thức uống. Danh mục các món ăn đa dạng, thay đổi theo nhu cầu trong ngày.

Đặc biệt, theo đại diện DN này, tất cả món ăn chế biến từ gạo đều phải dùng gạo Nhật nhằm tạo sự khác biệt. Đồng thời, toàn bộ quá trình chế biến thực phẩm đều không sử dụng bột ngọt, bột nêm… Vị ngon ngọt trong thực phẩm đều là nhờ các nguyên liệu thiên nhiên. Điều này cho thấy,  7 - Elevent đã hiểu rõ mối quan tâm của NTD là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng thật sự của món ăn. Làm tốt được điều này, nhà bán lẻ sẽ lấy lòng được NTD và đây là hướng phát triển bền vững.

Nói về sự đổ bộ các món ăn tươi tại cửa hàng này, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ cũng đánh giá:  “7 - Elevent đã rất nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thích “bữa ăn tươi” của NTD Việt. Và chiến lược công bố 100 món ăn tươi cũng tạo được sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh của cửa hàng này so với các đối thủ khác”.

Thực tế, việc bán món ăn tươi trong các cửa hàng tiện lợi (CHTL) ở TP.HCM đã có từ nhiều năm trước. Vì chưa được đầu tư đúng mức về mặt hàng, khẩu vị nên hầu hết các fan ẩm thực cũng chỉ rỉ tai nhau tìm đến khi thuận tiện như CHTL Circle K (Mỹ), Family Mart (Philippines).

Ngoài ra, Sai Gon Co.op, LOTTE Mart cũng bán đủ các món ăn sẵn như: bánh mì, bánh bao, mì xào, lẩu ly cá viên, xúc xích, bắp, xúp, nước uống, kem các loại thu hút khá đông người mua. Song đến nay hầu như chưa có đơn vị nào mạnh miệng tuyên bố không dùng bột ngọt, bột nêm… để tạo bước đột phá và cũng chưa xem đây như một thế mạnh cạnh tranh để thực hiện chiến lược quảng cáo, thu hút khách để tạo được tiếng vang như 7 - Elevent. Các nhà bán lẻ VN có vẻ chậm chân hơn so với các “ông lớn” nước ngoài khi chưa khai thác hiệu quả thế mạnh của mình.

Thi truong ban le va cuoc dua mon an tuoi
Khu thức ăn của Lotte Mart.

Khi các DN trong nước lơ là, các DN nước ngoài đã ráo riết đa dạng mặt hàng, chú trọng tạo không gian thoải mái cho khách thưởng thức các bữa ăn tươi hấp dẫn. CHTL Circle K (chi nhánh Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, TP.HCM) tạo điều kiện để người mua có thể ngồi ăn ngay tại cửa hàng với những chiếc bàn kê sẵn ở mặt tiền cửa hàng, khách tha hồ “lướt” điện thoại với wifi miễn phí.

Các “đại gia” bán lẻ LOTTE Mart, Emart (Hàn Quốc), Aeon Mall còn đầu tư hẳn một khu vực ăn uống rộng rãi để tạo cảm hứng mua sắm và dùng thức ăn tươi tại chỗ.

Cụ thể như Aeon Mall (Q.Bình Tân) dành khoảng 25m2 cho khu vực này. Trong không gian rộng máy lạnh mát rượi, hai dãy bàn ghế đặt san sát nhau, mỗi dãy có cả chục bàn lúc nào cũng đông khách ăn uống theo kiểu tự phục vụ. Khách tự lấy đũa, muỗng và thu dọn sau khi ăn.

Song mỗi khi khách rời đi, nhân viên vệ sinh lập tức lại đến lau dọn lần nữa. Ngoài Aeon Mall, LOTTE Mart Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng đem đến cho khách hàng sự dễ chịu nhờ vách kính trong suốt để phân chia không gian, mở rộng tầm nhìn. 

Không chỉ thu hút khách bằng món tươi ngon, khu vực thưởng thức thoáng mát, sạch sẽ, nhiều siêu thị còn tung chiêu giảm giá cho khách hàng. Tại LOTTE Mart, Aeon Mall, tất cả các món ăn nấu sẵn đang bán trong toàn hệ thống sẽ giảm giá mạnh 30-50% sau 21 giờ mỗi ngày. Rất đông NTD xếp hàng mua về bảo quản để dành ăn dần trong tuần. Ưu đãi này cũng ngầm cho thấy siêu thị chỉ bán thực phẩm tươi mới mỗi ngày để thu hút khách. 

Thay đổi để bắt kịp xu hướng

Ông Roberto Butragueño - PGĐ, chuyên trách Khối các nhà bán lẻ, Nielsen VN, nhận xét: “Số lượng cửa hàng bán lẻ đang tăng nhanh, dẫn đầu là các chuỗi CHTL, siêu thị mi-ni như Family mart, Shop & Go, Circle K, Mini stop, Vinmart+, B’smart, Satrafood, Co.opFood… và mới đây nhất là 7 - Elevent (Nhật Bản) đang chạy đua giành khách hàng”. 

Điều đặc biệt là các nhà bán lẻ nước ngoài đã tìm hiểu thị trường, đầu tư bài bản, nhanh nhạy nắm bắt sở thích mua sắm, ăn uống, giải trí… của NTD khi gia nhập thị trường bán lẻ VN.

Trong lúc đó, có lợi thế sân nhà hiểu NTD Việt hơn, nhưng các nhà bán lẻ Việt đã không tận dụng cơ hội đổi mới để kéo thêm khách hàng về mình. Một số nhà bán lẻ Việt đã và đang khai thác thị phần này nhưng làm chưa tới nơi tới chốn, Saigon Co.op, Big C cũng bán đầy đủ các món ăn tươi với giá chỉ từ 15.000đ.

Song, tại những địa chỉ này, NTD không có được không gian thật sự thoải mái để thưởng thức bữa ăn tại chỗ. Bên cạnh đó, kênh CHTL của Việt Nam cũng không mở rộng mô hình bữa ăn sẵn tươi ngon, nơi mà nhu cầu về nhóm hàng này có xu hướng ngày càng tăng cao.

Nói về sự chậm chân trên, đại diện một nhà bán lẻ Việt Nam nhìn nhận: “Thực tế, nhiều đơn vị CHTL bán lẻ trong và ngoài nước đang cầm cự, thậm chí thua lỗ và rút khỏi cuộc chơi sau một thời gian bành trướng thị trường. Từ bài học đó, để “chạy đường dài”, chúng tôi định vị phân khúc khách hàng riêng và chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của số đông NTD, chủ yếu là các nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống… chứ không đầu tư dàn trải”.

Báo cáo mới nhất của Nielsen cho thấy, khi người Việt đi mua sắm, 30% người mua những nhu yếu phẩm hàng ngày - những sản phẩm không phải để nấu nướng và 24% đi mua sắm để giải trí, trong khi chỉ có 19% trong số họ mua sắm để dự trữ.

Thông tin này phần nào cho thấy, để trường vốn, phát triển, các đơn vị cần có kế hoạch bài bản. Song thật khó để chiến thắng trong “cuộc đua” giành khách hàng nếu các nhà bán lẻ Việt không bắt kịp xu hướng mới của NTD là ưu tiên mua sắm giải trí và trải nghiệm không gian, tiện ích đi kèm. 

Theo công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel: hơn 1/3 số hộ gia đình Việt chọn mua hàng tại các CHTL và xu hướng này ngày càng tăng. Theo đó, số lượng CHTL cũng  đang gia tăng với tốc độ “chóng mặt”.
 * Vinmart+  sẽ mở hơn 1.000 cửa hàng trong năm 2017-2018.
* FamilyMart có 130 cửa hàng, sẽ mở thêm 50 cửa hàng và sẽ mở hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. 
* 7 - Elevent mở 300 cửa hàng tại VN trong vòng ba năm và phát triển lên 1.000 cửa hàng sau 10 năm.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI