Cảnh giác thương lái Trung Quốc tận thu cau non giá cao...

25/08/2015 - 10:30

PNO - Vài tháng sau không còn cau để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày hoặc mùa cưới sẽ hiếm cau.

Việc thương lái Trung Quốc thu mua sản phẩm lạ đời đã trở thành một kịch bản được lặp đi lặp lại. Chiêu bài cũ của những thương lái này vẫn là thu mua với giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất làm nông dân điêu đứng.

Ồ ạt hái cau non bán

Mặc dù phải đến giữa tháng 9 mới vào vụ thu hoạch nhưng mấy ngày gần đây, hàng trăm thương lái đã đổ về các huyện vùng cao Quảng Ngãi, thu mua cau non với giá cao gấp ba lần năm ngoái để bán sang Trung Quốc.

Thời điểm này, giá thu mua cau với giá dao động từ 14.000 đến 16.000 đồng một kg cao gấp ba lần so với giá cau chính mùa năm trước. Giống như công thức của các thương lái Trung Quốc, họ thuê các thương lái ở Việt Nam đi xe máy về tận các bản, làng vùng cao Quảng Ngãi thu mua cau non.

Nhưng chính các thương lái ở Việt Nam này cũng chưa lý giải được vì sao phía Trung Quốc mua trái cau non với giá cao bất thường so với các năm trước.

Canh giac thuong lai Trung Quoc tan thu cau non gia cao... 
Cau non

Ông Bùi Đức Thạch - Chủ tịch UBND xã Sơn Dung (Sơn Tây, Quảng Ngãi), một trong những xã đã được ví là "vương quốc cau", cho biết, những năm trước do giá cau rẻ bèo, nhiều hộ dân nơi đây chặt bỏ bớt để trồng cây keo, mì. Giờ đây, giá cau tăng vọt trở lại, nhiều gia đình thấy tiếc vì thất thu lớn.

Về mặt thực vật, trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM Online, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Đình Hà cho biết, việc hái cau non không có ảnh hưởng gì đến sinh trưởng của cây. Nhiều người còn hái bẹ hoa cau để trang trí và tạo mùi hương trong nhà.

Cách đó không lâu, vào tháng 5/2015, tình trạng thu mua cau non cũng xảy ra tại các tỉnh miền Tây. Cau non được thương lái tới thu mua cao với giá 30.000 đồng/kg trong khi cau đẹp bán tại vườn có giá khá rẻ là 4.000 đồng/kg đối với loại 12-13 quả/kg, rẻ hơn tới 4 lần so với bán cau non.

Theo đánh giá của ông Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, Sóc Trăng, việc mua bán cau non là hiện tượng mua bán bất thường, tương tự như đợt mua lá mãng cầu gai vừa qua trên địa bàn tỉnh này.

Theo ông Vũ Bá Quan phân tích, tình trạng mua tận thu cau non nếu xét về trước mắt thì nhà vườn có lợi nhưng về lâu dài sẽ xảy ra tình trạng vài tháng sau không còn cau để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày hoặc mùa cưới sẽ hiếm cau.

Ngoài ra, một số nhà vườn trồng ổi bị thua lỗ vì ổi rớt giá chỉ còn 600 – 700 đồng/kg bị hấp dẫn bởi giá cau có thể sẽ chặt ổi, trồng cau.

Dở khóc dở cười vì thương lái Trung Quốc bặt vô âm tín

Trước đó, khoảng đầu năm 2015, người dân Đồng Nai đổ xô đi thu gom và đem bán lá điều khô với giá khoảng 1.200 đồng/kg.

Canh giac thuong lai Trung Quoc tan thu cau non gia cao... 

Việc thu mua lá điều khô khiến nhiều người hám lợi mà tận diệt lá điều, có người còn phun hóa chất để lá điều rụng hàng loạt.

Năm 2014, hàng trăm người dân tại Khánh Hòa đã bỏ công vào rừng khai thác và thu gom trắc dây bán cho thương lái Trung Quốc bất chấp sự truy quét của lực lượng kiểm lâm. Khi nhiều người đi khai thác và một lượng lớn trắc dây được mua gom thì thương nhân Trung Quốc lại không mua nữa.

Vào tháng 9/2012, nhiều người dân huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đổ xô lên rừng đào rễ cây sim về bán với giá cao cho thương lái Trung Quốc. Việc thu mua rễ sim đã khiến nhiều cánh rừng bị cày bới tan hoang và hàng vạn cây sim bị tận diệt.

Đặc biệt, vào khoảng tháng 5/2012, thương lái Trung Quốc lại ào ào sang Việt Nam thu mua đỉa giá lên tới 1-2 triệu đồng/kg đỉa khô khiến người dân đổ xô ra các cánh đồng để bắt đỉa.

Năm 2013, cơn sốt đỉa lan tới cả Hà Nội. Người dân ở các địa phương bỏ bê công việc đi săn bắt đỉa đem bán. Nhiều người dân tại Quế Phong (Nghệ An) còn bỏ bê ruộng vườn quay sang nuôi đỉa khắp ao hồ, đồng ruộng để bán cho thương lái Trung Quốc.

Canh giac thuong lai Trung Quoc tan thu cau non gia cao... 

Ban đầu, các thương lái bỏ tiền ra tạo nên cơn sốt bằng những lần tăng giá đỉa. Sau khi thu mua với giá cũ, các thương lái đã nhập lại hàng cho đầu nậu người Việt bằng giá mới. Khi giá thu mua lên tới đỉnh điểm cũng là lúc các thương lái này đã bán lại hết số đỉa thu mua rồi biến mất khiến người dân không biết xử lý thế nào với hàng tấn đỉa đã gom hàng trước đó.

  • Trần Kháng
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI