Thả nổi giá thực phẩm chức năng: Người tiêu dùng “chịu trận”

13/10/2015 - 06:36

PNO - Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường hiện nay không được kiểm soát về giá, khiến người tiêu dùng chịu quá nhiều thiệt thòi.

Mỗi nơi bán một kiểu

Ghé vào một cửa hàng nằm trong khu chợ dược phẩm Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), hỏi mua sản phẩm Omega-3 Alaska Fish, xuất xứ từ Mỹ, chúng tôi được nhân viên nơi này báo giá 110.000đ/ hộp.

Tuy nhiên, cũng với loại thực phẩm chức năng (TPCN) này, nhà thuốc Phương Châu trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 lại có giá 140.000đ/hộp. Nhân viên của nhà thuốc giải thích "giá rẻ hơn có thể là hàng xách tay, trốn thuế".

Loại TPCN Omega-3 khác, được quảng cáo sản xuất từ Đức rao bán trên mạng sieuthithuc... có giá 870.000đ/hộp chín vỉ. Trong khi đó, ở nhà thuốc Hoàng Hà trên đường Trường Sa, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nhân viên “hét” giá 1.200.000đ/hộp, còn tại Công ty TNHH Thái Đông (TP.HCM), chào giá chỉ 850.000đ/hộp.

“Loạn” nhất phải kể đến các loại TPCN chuyên về hỗ trợ tăng cường chức năng sinh lý cho phái mạnh và giúp "cải thiện" vòng 1 cho chị em. Sau khi nghe lời quảng cáo, TPCN Gogobig xuất xứ từ Nhật Bản là "viên uống nở ngực tự nhiên" rất hiệu nghiệm, chị Nguyễn Thị Hoài An, 37 tuổi ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM gọi điện ra siêu thị TPCN trên đường Tân Mai, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội để mua hai hộp với giá 350.000đ/ hộp 60 viên. Thế nhưng, đến một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM, chị An hỏi giá sản phẩm này, mới hay, chỉ có 230.000đ/hộp.

Tha noi gia thuc pham chuc nang: Nguoi tieu dung “chiu tran”
Thực phẩm chức năng đang bị “loạn” giá do không ai quản - Ảnh: Hồng Lĩnh

Một chuyên gia nghiên cứu về TPCN nói, chỉ có doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, nhập khẩu mới biết được giá trị thực của mặt hàng mình đang kinh doanh

TPCN Protakeca, hộp 60 viên hỗ trợ tăng cường sức đề kháng do một công ty trong nước sản xuất. Giá xuất xưởng chưa tới 500đ/viên. Tuy nhiên, qua tay nhà phân phối, loại TPCN này đội giá lên gần 3.000đ/viên.

Hay như loại TPCN đang được chị em ưa chuộng hiện nay là viên uống nhau thai cừu Rebirth hộp 60 viên, đang được bán đến tay người tiêu dùng với giá từ 1,15 triệu đồng đến gần 1,3 triệu đồng.

Trong khi giá bán lẻ của sản phẩm này tại Úc khoảng 30 đô la Úc, chưa đến 500.000đ. Nếu sản phẩm về Việt Nam, tính các khoản chi phí, giá cũng không đến mức chót vót như thế.

Mới đây, khi Công ty dược Bảo Khang (Q.Gò Vấp, TP.HCM) bị phát hiện làm giả hàng loạt các loại TPCN tên tuổi, người tiêu dùng mới ngỡ ngàng về giá trị thực của sản phẩm mà bấy lâu nay mình sử dụng.

Loại TPCN giảm cân Slimmore công ty này nhập về từ Trung Quốc chỉ có giá 6,5 USD/hộp (tương đương 140.000đ), nhưng sau khi đóng gói và dán nhãn, được bán ra 1,2 triệu đồng/hộp.

Còn thực phẩm Reduce Weight chỉ mua với giá 4 USD (tương đương gần 90.000đ), nhưng công ty này bán ra với giá 1,5 triệu đồng/hộp. Hay như Weight Gain Plus nhái của Mỹ, cũng được công ty này bán ra với giá gần hai triệu đồng/hộp trong khi giá từ đối tác bán lại chỉ 5,5 USD (khoảng 120.000đ).

Hoàn toàn không ai quản

Ông N.T.H., giám đốc một công ty phân phối TPCN ở Q.10, TP.HCM cho biết, cùng một loại sản phẩm, các đơn vị nhập khẩu chịu chi phí giống nhau về giá gốc, tỷ giá ngoại tệ, thuế suất nhập khẩu.

Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ lại niêm yết giá mỗi nơi một kiểu, nhiều khả năng sản phẩm bị bóc mã vạch và giá bán niêm yết để thay giá mới vào nhằm kiếm lời.

Trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, Bộ chỉ quản lý về chất lượng, cấp phép lưu hành và quảng cáo đối với mặt hàng này, còn giá cả là chuyện của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.

Nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, TPCN không phải là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không nằm trong danh mục các mặt hàng mà cơ quan này quản lý. Vì thế Bộ Y tế phải là cơ quan quản lý giá của mặt hàng này.

Do không có cơ chế quản lý giá rõ ràng nên các đơn vị phân phối TPCN đang tự do “hét” giá, móc túi người tiêu dùng.

Quỳnh Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI