Tăng mức khuyến mại đến 100%, người tiêu dùng hưởng lợi tới đâu?

30/05/2018 - 11:40

PNO - Nghị định 81/2018 vừa được Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ ngày 15/7) cho phép mức khuyến mại (KM) lên đến 100% thay vì 50% như trước đây.

Để áp dụng hạn mức KM tối đa này, doanh nghiệp phải tổ chức chương trình KM tập trung trong một khoảng thời gian xác định.

Bên cạnh đó, hạn mức này còn được áp dụng với hàng hóa trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định và các đợt KM trong thời gian nghỉ lễ, tết. Đối với sản phẩm được KM nằm ngoài các trường hợp này, mức giảm tối đa vẫn không được vượt quá 50% giá trị hàng hóa ngay trước thời gian KM.

Tang muc khuyen mai den 100%, nguoi tieu dung huong loi toi dau?
Doanh nghiệp đề nghị nên để cho doanh nghiệp tự quyết định mức KM sao cho hiệu quả, miễn đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng. 

Với nghị định mới này, nhiều ý kiến cho rằng, không xóa trần KM 50% nếu doanh nghiệp tự tổ chức, nhưng cho phép mức giảm giá đến 100% trong trường hợp chương trình KM tập trung do cơ quan cấp trung ương hay tỉnh, thành tổ chức là chưa thực sự “cởi trói” cho doanh nghiệp. 

Lâu nay, không ít đơn vị kinh doanh lách luật, KM vượt trần bằng cách tặng thêm quà, phiếu mua hàng sau khi đã áp mức giảm 50% giá sản phẩm, hoặc sau khi được giảm giá 50%, khách có thể được giảm thêm 10-20% nếu hóa đơn mua hàng có trị giá trên 1 triệu đồng.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho rằng, trong một số ngành như thực phẩm, quần áo thời trang, có thời điểm, doanh nghiệp phải xả hàng bán bằng hoặc dưới giá thành sản xuất để thu hồi kịp vốn cho đợt hàng mới, do thực phẩm gần hết hạn sử dụng hoặc quần áo lỗi mốt. Theo vị này, nên để cho doanh nghiệp tự quyết định mức KM sao cho hiệu quả, miễn đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng. 

Các chương trình KM được đánh giá là “lợi kép”, giúp đơn vị kinh doanh đẩy được hàng tồn, thu hồi vốn nhanh và giúp người tiêu dùng mua được hàng với giá rẻ.

Song, người tiêu dùng chỉ được hưởng lợi thực sự nếu đơn vị kinh doanh KM đúng quy định và đúng như công bố. Vì thực tế, nhiều nơi rao giảm giá đến 50% nhưng thực tế lại nâng giá gốc rồi giảm, hoặc trà trộn hàng kém chất lượng. 

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - cho rằng, KM chủ yếu là có lợi cho doanh nghiệp; doanh nghiệp giảm giá, tặng quà để bán hàng nhanh, đẩy hàng tồn, hàng bán chậm và thu hồi vốn nhanh. Người tiêu dùng được hưởng quyền lợi bao nhiêu từ KM còn tùy vào độ trung thực, uy tín của doanh nghiệp.

“Cần phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các đối tượng dùng chiêu KM ảo, rao một đằng, làm một nẻo nhằm “móc túi” người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị làm ăn chân chính. Người tiêu dùng cũng cần sáng suốt nắm được chất lượng sản phẩm, giá thực của sản phẩm và đánh giá KM có đúng hay không, mình được hưởng lợi bao nhiêu, mới quyết định mua hay không” - luật gia Việt Thu khuyến nghị. 

Ông Hà Ngọc Sơn - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công thương TP.HCM - cho rằng, TP.HCM có đặc thù riêng nên sẽ rất khó nếu áp dụng nghị định 81 giống như các tỉnh. Bởi trung bình mỗi ngày, sở tiếp nhận, xử lý từ 300-400 hồ sơ trong khi nhân sự ít.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, ước tính đã có 32.000 hồ sơ thủ tục hành chính về KM từ các doanh nghiệp được duyệt qua cổng thông tin trực tuyến. Việc rút ngắn thủ tục đăng ký hồ sơ thông báo về chương trình KM như nghị định sẽ khiến áp lực công việc càng tăng.

“Chúng tôi cần phải có thời gian nâng cấp phần mềm điện tử quản lý, việc này không thể ngày một, ngày hai mà có khi phải mất vài năm. Quan trọng hơn, nếu không kiểm soát tốt hoạt động KM, rất dễ dẫn đến tình trạng vỡ trận, KM ảo gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng” - ông Sơn lo ngại. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI