Tăng giá sữa liên tục, doanh nghiệp coi chừng phản ứng ngược

07/08/2018 - 07:00

PNO - Nhận bảng giá mới tăng thêm 5% áp dụng cho hơn 20 mã sản phẩm của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), chị Xuân – chủ cửa hàng sữa Thanh Thảo (Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) thở dài: “Lại tăng giá, người tiêu dùng thêm khổ!”.

Không riêng chị Xuân, nhiều cửa hàng chuyên doanh sữa đều ngao ngán khi các hãng đua nhau… tăng giá, khiến sức mua đã chậm càng thêm chậm khi người tiêu dùng (NTD) phản ứng với việc tăng giá này.

Tăng giá… trong mức cho phép!?

Tang gia sua lien tuc, doanh nghiep coi chung phan ung nguoc
 

Mức cho phép của Bộ Công thương là các hãng được điều chỉnh tăng giá trong phạm vi 5%, đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, theo Thông tư số 08/2017/TT – BCT ngày 26/6/2017 quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Dù không vượt qua ngưỡng này, song các hãng lần lượt đua nhau tăng giá nhiều sản phẩm sữa trong thời gian gần đây, khiến cả NTD lẫn đại lý, cửa hàng đau đầu.

Mới đây nhất, Vinamilk tăng giá 5% đối với 10 sản phẩm Optimum Gold từ 1, 2, 3, 4 loại hộp thiếc 400gr, 900gr, 1500gr; áp dụng từ ngày 1/8/2018 và 12 sản phẩm sữa bột Dielac Alpha Gold IQ 1, 2, 3, 4 loại hộp thiếc 400gr, 900gr, 1500gr; áp dụng từ ngày 10/7/2018.

Theo đó, giá nhà phân phối bán cho điểm bán lẻ (có VAT) dao động từ 166.210 – 579.700 đồng/hộp Optimum Gold; từ 103.180 – 378.950 đồng/hộp Dielac Alpha Gold, tăng bình quân khoảng 20.000 đồng/hộp.

Trước đó, thị trường sữa đón nhận một đợt tăng giá của hai nhãn hàng Friso và Nan Nestle đối với tất cả các sản phẩm sữa dành cho mẹ bầu, trẻ em,… 

Tang gia sua lien tuc, doanh nghiep coi chung phan ung nguoc
Vinamilk vừa điều chỉnh tăng giá sữa 5%.

Với mức tăng 5%, sữa Friso 1, 2, 3 hộp 900gr có giá bán lẻ tại các cửa hàng là 470.000 đồng, 460.000 đồng, 430.000 đồng. Nan Nestle 1, 2 giá lần lượt 350.000, 360.000 đồng/hộp 800gr.

Tại một số hệ thống siêu thị, giá bán lẻ sữa bột Friso Gold 1, 4 hộp 900gr lần lượt là  524.000 đồng, 427.000 đồng; Friso Goldmum vani 466.000 đồng/hộp 900gr; Nan Optipro 2, 4 hộp 900gr giá lần lượt 362.900, 362.000 đồng.

Chị Xuân – chủ cửa hàng sữa Thanh Thảo (Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) cho biết, công ty đưa bảng giá mới xuống và thông báo tăng giá, không nêu lý do vì sao tăng. Trước giờ vẫn vậy, chẳng có công ty nào nói rõ nguyên nhân tăng giá và chỉ cho biết trước một, hai ngày; thậm chí đưa giá mới xuống và áp dụng ngay. 

Thường sau mỗi lần tăng giá sữa, nhiều NTD có xu hướng đổi sang mua sản phẩm sữa khác có giá rẻ hơn, chứ không “bấm bụng” mua tiếp như trước.

Giá sữa hãng nào tăng, sức mua SP của hãng đó sẽ giảm ngay theo, cửa hàng buộc phải bán giá thấp hơn cả giá bán lẻ khuyến nghị, lấy hoa hồng đạt doanh số (3 – 6%), phí trưng bày hàng (10.000 đồng/hộp) bù vào để đẩy hàng nhanh.

Lo nhất là sau khi các công ty lớn tăng giá, các hãng sữa khác cũng té nước tăng theo, khổ NTD”, chị Xuân nói.

Điệp khúc “giá nguyên liệu tăng”

Thông tin từ siêu thị cho hay, một số hãng tăng giá sữa và theo giải thích của nhà cung cấp là “do giá nguyên liệu đầu vào tăng”.

Với cách giải thích chung chung như vậy, giá sữa đua nhau tăng và NTD lãnh đủ. Chị Lan (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Tôi vừa mới đổi sang sữa khác cho con uống vì không thể cầm cự nỗi mức chi tiêu khi giá sữa liên tục tăng”.

Ngoài lý do giá nguyên liệu tăng, nhiều hãng sữa lý giải tăng giá là do sản phẩm mới, bổ sung vi chất mới vào sản phẩm sữa.

Song, nhiều chủ cửa hàng sữa cho rằng “khó thẩm định có bổ sung vi chất mới hay không”, vì nhiều sản phẩm sữa mới, cũ nhìn y chang nhau, chỉ khác là trên vỏ hộp sản phẩm mới có thêm vài dòng chữ hay biểu tượng thể hiện là sản phẩm mới.

Trước thực trạng tăng giá này, nhiều chủ cửa hàng không ngần ngại khuyên NTD nên mua sản phẩm sữa cũ để tiết kiệm tiền hơn, khi hết sản phẩm cũ mới buộc phải mua sản phẩm mới, hoặc đổi sang dùng sản phẩm sữa khác có giá hợp lý hơn.

Vì theo họ, dù hãng sữa tăng giá sản phẩm thì mức lợi nhuận tính trên một sản phẩm sữa cửa hàng được lời vẫn vậy, không tăng hơn. Thậm chí ngược lại, cửa hàng phải tốn nhiều vốn hơn để nhập sản phẩm mới với giá tăng.

Tang gia sua lien tuc, doanh nghiep coi chung phan ung nguoc
Người tiêu dùng đắn đo chọn sản phẩm sữa khi giá liên tục tăng.

“Nhân viên báo giá tăng và khuyên tôi nên nhập thêm sản phẩm cũ để được giá rẻ, nhưng tôi chỉ nhập hàng đủ bán. Vì, tính ra nhập thêm một hộp rẻ được 20.000 đồng, nhưng hàng bán chậm, chôn vốn coi như từ huề tới lỗ. 

Kinh nghiệm mấy chục năm bán sữa, tôi thấy NTD thường quan tâm đến giá sữa có hợp lý hay không hơn là để ý sản phẩm sữa mới, cũ. Vì vậy, nếu các hãng cứ lấy lý do  bổ sung vi chất, ra sản phẩm mới mà tăng giá sữa liên tục, NTD sẽ rất khó chấp nhận và thay đổi thói quen tiêu dùng – chuyển sang chọn SP khác”, chị Nga – chủ cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Kiệm, (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho hay.

Đại diện một siêu thị cũng cho biết, quan sát thói quen NTD trong những năm gần đây cho thấy, khi có nhóm sản phẩm quen dùng tăng giá, NTD sẽ sẵn sàng chuyển qua sử dụng nhóm sản phẩm khác tương tự. Một số sẽ chuyển hẳn để không bị phụ thuộc, trong khi có một số sẽ chuyển tạm thời, đợi sản phẩm bình ổn về giá cũ.

Do vậy, dù giá đô la Mỹ liên tục tăng thời gian gần đây phần nào tác động tới giá nguyên liệu đầu vào tăng, các hãng sữa cũng nên tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng để tránh phản ứng ngược của thị trường.

Thông tư số 08/2017/TT-BCT quy định, doanh nghiệp tăng giá phải gửi hồ sơ Thông báo điều chỉnh giá bán đối với những sản phẩm tăng giá trong phạm vi 5%.

Trường hợp lũy kế các lần thông báo điều chỉnh vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo lần liền kề trước đó, thương nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định; gửi hồ sơ kê khai giá đối với những sản phẩm mới về cho cơ quan quản lý nhà nước theo dõi và giám sát.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI