Tả heo châu Phi không lây sang người, sao cấm ăn heo bệnh?

11/03/2019 - 06:39

PNO - Rất nhiều thông tin trên mạng xã hội kêu gọi tẩy chay thịt heo vì cho rằng, cơ quan chức năng đã cố tình giấu thông tin về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh tả heo châu Phi (ASF) đối với sức khỏe con người.

Ta heo chau Phi khong lay sang nguoi, sao cam an heo benh?
Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh nạn nhân của các vụ nhiễm liên cầu khuẩn heo được gán ghép là nạn nhân của dịch tả heo châu Phi, rồi kêu gọi ngưng sử dụng thịt heo.

Thông tin ảo, hoang mang thật  

Vài ngày trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý trang Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami vì đăng thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán thịt heo nhiễm ASF và kêu gọi tẩy chay thịt heo vì dịch bệnh này có thể lây sang người. Đây chỉ là một trong rất nhiều trang mạng thông tin xuyên tạc về ASF trên mạng, gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến những người chăn nuôi heo khi vừa phải lo phòng chống dịch, vừa lo giá heo rớt liên tục do người tiêu dùng quay lưng với thịt heo. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trang thông tin kêu gọi tẩy chay thịt heo hầu hết là trang bán hàng hoặc những cá nhân muốn tạo sự kiện để câu like. Trớ trêu là những phát ngôn chính thức từ phía cơ quan chức năng dường như không đủ mạnh bằng những thông tin lan truyền trên mạng.

Chị Phạm Thu Hà - làm trong ngành truyền thông tại Q.3, TP.HCM - cho biết, chồng chị đang làm việc tại Singapore thường xuyên điện về dặn chị tạm ngưng chế biến thịt heo cho con ăn vì lo ngại ảnh hưởng của ASF. Chị giải thích là dịch bệnh này không lây sang người nhưng anh vẫn không chịu vì thấy rất nhiều người chia sẻ hình ảnh về những “nạn nhân” của vi-rút này. Thực tế, những hình ảnh mà anh gửi cho chị đều là nạn nhân của vi-rút liên cầu khuẩn heo do ăn tiết canh.

Chị Lan - bán thịt tại chợ Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, trước đây, trung bình mỗi ngày, chị lấy khoảng 60kg thịt heo từ chợ đầu mối Hóc Môn về bán nhưng nay, do bán chậm, chị chỉ lấy về khoảng 40kg. Rất nhiều khách hàng mua thịt lo sợ, hỏi chị về nguồn thịt và xem miếng thịt kỹ càng hơn. Có khách hàng quen còn mở điện thoại đưa những tấm hình chụp miếng thịt bị bệnh sán gạo hỏi có phải heo bị ASF hay không. Vị khách này nói, thấy một người quen chia sẻ trên Facebook hình ảnh đó và kêu gọi cảnh giác khi mua thịt heo. “Khi mình giải thích, có người nghi mình nói dối để bán được hàng” - chị Lan ngao ngán.

Ta heo chau Phi khong lay sang nguoi, sao cam an heo benh?
Lợn chết vì dịch tả lợn châu P

ASF chỉ nguy hiểm cho heo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần khẳng định, thịt heo nhiễm vi-rút ASF không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc cơ quan chức năng kiểm soát chặt nguồn heo tại những địa phương xuất hiện dịch bệnh là nhằm bảo vệ đàn heo lành và người chăn nuôi, không hề mâu thuẫn như những thông tin ghép nối đang lan truyền trên mạng. Vi-rút ASF không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng người ăn thịt heo bệnh có thể là trung gian phát tán mầm bệnh. Vi-rút ASF có thể bám trên quần áo, vật dụng cá nhân, trong thực phẩm, thậm chí trong phân người, từ đó lây lan dịch bệnh cho đàn heo ở vùng chưa có dịch. Khi đàn heo mắc loại vi-rút này, cả đàn sẽ tử vong do thế giới chưa có thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng ngừa.

Theo bác sĩ thú y Anan Lertwilai - Phó tổng giám đốc Tập đoàn CP (Thái Lan), giới khoa học chăn nuôi đặc biệt lo ngại về khả năng tồn tại của vi-rút ASF. Cụ thể, chúng có thể tồn tại trong sản phẩm thịt có xương, thịt nghiền tới 105 ngày, thịt khô 300 ngày, thịt xông khói 30 ngày, thịt đông lạnh 1.000 ngày. Nhiều sản phẩm như bột thịt, bột xương heo dùng làm thức ăn chăn nuôi, nếu kiểm soát không tốt, để nhiễm ASF, vi-rút này có thể phát tán thành dịch. Bệnh này có thời gian ủ bệnh từ 4-19 ngày, nên nhiều khi bệnh bùng phát tại một trại nhưng vi-rút có thể đã lây lan sang các trại khác qua trung gian (con người, côn trùng, chuột, bọ).

Ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM - cho biết, các nước từng có dịch đã chỉ rõ: dịch tả heo châu Phi lây lan chủ yếu do có yếu tố con người, như việc vận chuyển heo và các sản phẩm của heo bệnh từ nơi này sang nơi khác. Hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị nên phòng bệnh vẫn là giải pháp chính. Theo ông, cần tích cực theo dõi, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; kiểm soát chặt nguồn thịt nhập khẩu, kiểm soát việc vận chuyển và chăn nuôi heo. “Dịch bệnh này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng nó có thể xóa sổ đàn heo cả nước, nếu không kiểm soát tốt” - ông Phát nói. 


Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI