Sự tự vệ thiếu đạo đức trong kinh doanh

29/04/2019 - 08:19

PNO - Với dòng chữ 'Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu' có tính phân biệt này, người tiêu dùng lo ngại là đúng, bởi họ đang dùng một sản phẩm có chất lượng thấp hơn so với sản phẩm cùng chủng loại ở nước khác.

Phân tích về tình trạng phân biệt sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam thông qua dòng chữ in trên sản phẩm, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, vấn đề này liên quan đến chất lượng sản phẩm. Cơ quan quản lý Việt Nam không để ý rằng, thế giới đã không cho dùng nhiều loại hóa chất, trong khi mình vẫn cho dùng. 

Su tu ve thieu dao duc trong kinh doanh
Nhiều sản phẩm có ghi trên nhãn "Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu"

Chuyên gia Võ Văn Quang cũng nhận định, luật Việt Nam còn nhiều kẽ hở, các thương hiệu toàn cầu đã nghiên cứu luật rất kỹ nên sản xuất, kinh doanh đúng luật Việt Nam là được. Song trong kinh doanh, một tiêu chí vượt trên cả pháp luật mà các thương hiệu dẫn đầu luôn coi trọng, đó là tính trượng phu (charismatic), tính đạo đức. Tức là khi nhà sản xuất biết rõ một thành phần hóa chất dù được phép sử dụng theo luật định nhưng nếu không tốt cho sức khỏe người dùng, họ sẽ không sử dụng mà thay bằng chất tốt hơn, dù lợi nhuận ít hơn. 

Theo phân tích của các chuyên gia, nhà sản xuất ghi dòng chữ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu” trên sản phẩm là để né trách nhiệm nếu một đơn vị nào đó xuất khẩu sản phẩm này ra nước ngoài. Nước sở tại không thể truy trách nhiệm nhà sản xuất khi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thực phẩm của nước họ. Nhà sản xuất ghi dòng chữ này không sai, nhưng điều này thể hiện sự khiếm khuyết trong đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. 

Người tiêu dùng lo ngại là đúng, bởi họ đang dùng một sản phẩm có chất lượng thấp hơn so với sản phẩm cùng chủng loại ở nước khác. Dòng chữ có tính phân biệt như trên sẽ làm giảm uy tín thương hiệu và tác động đến hiệu quả kinh doanh.

Các chuyên gia đề đạt, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phải yêu cầu nhà sản xuất cung cấp danh mục thành phần, hóa chất mà họ đang sử dụng để sản xuất sản phẩm cung ứng cho thị trường các nước tiên tiến là gì, các nước cấm chất gì để tiến tới nâng cao tiêu chuẩn, cập nhật chất mới và loại bỏ những hóa chất không còn phù hợp, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng trong nước. 

Nêu vấn đề này với ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - ông cho biết: “Một số chất mà Việt Nam cho phép dùng, nước ngoài không cho dùng là vì họ chưa đăng ký, cập nhật chứ không phải cấm dùng…”. Phóng viên hỏi tiếp: “Vậy tại sao nhà sản xuất ghi dòng chữ "dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu", có phải vì tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam thấp hơn tiêu chuẩn thực phẩm nước ngoài?”. Ông Phong hỏi lại: “Đơn vị nào ghi như vậy?”. Chúng tôi đưa dẫn chứng một số thương hiệu, ông Phong bèn… yêu cầu gửi công văn để trả lời sau. 

Khi tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam thấp hơn tiêu chuẩn của các nước, điều đáng lo ngại là lượng lớn phụ gia ở nước ngoài (chất cũ, nước ngoài không cho phép dùng nữa) bị buộc tiêu hủy có nguy cơ được tuồn về Việt Nam tiêu thụ. Cần lưu ý, các chất cũ thường có khiếm khuyết, nguy cơ gây hại cho sức khỏe nhiều hơn so với chất mới. Chuyển động hành chính của Việt Nam chậm, tạo nguy cơ các chất thải tồn đọng ở các nước tràn về. Tốt nhất, khi có chất mới tiên tiến hơn, cơ quan quản lý phải cập nhật, nâng cao tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam và kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. 

Có một điều bất cập là, trong khi các nước khuyến khích nhà sản xuất dùng chất phụ gia tiên tiến nhất, an toàn nhất thì ở Việt Nam, nhà sản xuất muốn dùng chất phụ gia gì - dù tốt hơn chất có trong danh mục cho phép - mà không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế thì phải gửi đơn xin phép và chờ được xét duyệt, khiến nhà sản xuất nản lòng và hạn chế cho xuất khẩu sản phẩm. Sử dụng phụ gia mà Việt Nam cho phép thì không xuất khẩu được, sử dụng phụ gia thế giới cho phép thì phải “chờ dài cổ” xin phép. Hậu quả là, người tiêu dùng trong nước bị thiệt. 

Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam)

Cẩm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI