Startup ‘đuổi’ nhà đầu tư sau khi gọi vốn thành công tại Shark Tank

07/06/2018 - 13:00

PNO - Sau mùa đầu tiên chương trình thực tế cho giới khởi nghiệp - Shark Tank Việt Nam, nhiều Shark đánh giá về việc thiếu trung thực của startup cũng như việc một số startup từ chối nhận đầu tư từ Shark để tự vận hành dự án.

Trong 48 thương vụ phát sóng của Shark Tank mùa đầu tiên, có 22 thương vụ được cam kết đầu tư trên sóng truyền hình với tổng số tiền đầu tư hơn 116 tỷ đồng.

Sau 4 tháng làm việc, đã có 7 công ty trong tổng số 22 thương vụ hoàn thành việc ký kết hợp đồng và nhận giải ngân từ các nhà đầu tư của chương trình. Trong thời gian này, số các công ty còn lại vẫn đang tiếp tục quá trình thẩm định doanh nghiệp và hoàn thiện hồ sơ để có thể tiếp nhận vốn với những quy định và diễn biến khá “ngặt nghèo”.

90,9% thương vụ đầu tư thất bại vì startup… ‘kê khống’ số liệu

Theo Shark Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch HĐQT tập đoàn CEN Group, sau tập cuối cùng của mùa một, các Shark của chương trình đã ngồi lại và phân tạm các startup thành 3 nhóm. Nhóm bị loại - vì không giống những gì trên truyền hình, nhóm thứ hai là tìm hiểu sâu thêm và nhóm thứ 3 là quyết định đầu tư.

“Tuy nhiên, một nhóm nữa tạm gọi nhóm thứ 4 bao gồm các startup… "đuổi" nhà đầu tư, kiểu ‘cầm tiền và cổ tức rồi đi về vì chúng tôi không cần các anh nữa’. Sau vài tháng thì có lẽ họ tự tin về khả năng triển khai tiếp dự án của họ mà không cần nhà đầu tư hỗ trợ”, Shark Hưng chia sẻ.

Theo các Shark, tỷ lệ giữa các nhóm tùy thuộc vào từng Shark, chưa có con số thống kê cụ thể vì nhiều startup cũng đang trong quá trình Due Dil (một hoạt động rà soát, kiểm tra thận trọng của doanh nghiệp với nhà đầu tư – PV). Riêng đối với Shark Hưng, đầu tư vào 5 dự án thì có một dự án bị loại, 3 dự án quyết định đầu tư và một dự án cần phải nghiêm cứu thêm.

Startup ‘duoi’ nha dau tu sau khi goi von thanh cong tai Shark Tank
Dàn "cá mập" của chương trình thực tế khởi nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Thái Nguyễn.

Shark Hưng cũng chia sẻ những kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp và những thiếu sót của các startup về việc trung thực trong kê khai tài sản và biên lợi nhuận. Tất cả các con số phải rõ ràng. Rút kinh nghiệm từ mùa một - chủ đề là “cần cù thôi chưa đủ mà làm chủ phải tinh khôn” thì mùa hai sẽ “làm kinh doanh là phải luôn luôn nói sự thật, nhưng phải làm cho sự thật đó trở nên thần thánh”.

Trong thương vụ bạc tỷ mùa đầu tiên, Shark Phú – Chủ tịch HĐQT tập đoàn SUNHOUSE, được xem là "cá mập đầu đàn" khi bỏ nhiều vốn đầu tư và có nhiều dự án đầu tư nhất, với giá trị khoảng 28,8 tỷ đồng cho 8 startup. Thế nhưng, chia sẻ sau mùa một, ông thấy rằng có nhiều điều phải xem lại ở mùa hai này.

“Hiểu biết của các bạn trẻ về vận hành doanh nghiệp, cũng như tư duy gọi người khác vào hợp tác chung với mình, đầu tư cho mình quá là đơn giản. Vì bản thân chúng tôi khi quyết định đầu tư vào các bạn thì hoàn toàn tin vào số liệu, đánh giá giá trị doanh nghiệp của các bạn thông qua dữ liệu đó, nên tất cả các startup tôi cam kết đầu tư thì không có startup nào trùng với số liệu các bạn đưa ra tại chương trình, mà độ chênh lệch thậm chí lên gấp mấy lần, mấy chục lần, thậm chí cả trăm chứ không phải là 5-10%. Đấy cũng là một cái lỗi mà bản thân tôi, mà cũng là lỗi mà tôi hy vọng các shark mới rút ra bài học trước khi kiểm định”, ông Phú cho hay.

Lấy dẫn chứng, ông Phú cho biết các startup ở đây còn rất non trẻ, thậm chí nhiều người họ không phân biệt được đâu là tài sản cá nhân và tài sản công ty.

“Đây là sự kết hợp giữa những người mới hoàn toàn để gia nhập vào doanh nghiệp do mình sáng lập và vận hành. Vậy thì để đi lâu dài được với nhau, thì lòng tin mang tính quyết định, muốn tin nhau thì mọi thứ nói ra phải trùng khớp. Ít nhiều con số khi nâng lên không quan trọng; tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng, % tăng trưởng hoặc tỷ suất lợi nhuận là những giá trị chúng tôi ước lượng giá trị doanh nghiệp của bạn. Số đó mà sai thì tất cả sai hết, phải gặp nhau thương thảo lại, mà thương thảo lại thì rất là khó khăn”, ông Phú nói.

Cũng theo đánh giá của ông chủ tập đoàn SUNHOUSE, “trong mùa 1 tôi quyết đầu tư vì tôi đang lên sóng truyền hình nhưng tôi tin rằng 90,9% sẽ thất bại”, ông thẳng thắn cho biết.

Chọn start-up cũng như… đi chợ

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình khi là khách mời của mùa một, Shark Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch HĐQT kiêm Người sáng lập Công ty CP Tập đoàn Egroup, Tổng giám đốc Công ty CP Anh ngữ Apax cho biết, riêng đối với việc lựa chọn startup của mình thì không khác nhiều so với việc… đi chợ. 

Trước khi ra chợ ông xác định thứ cần mua và đi đến đúng chỗ bán, mua đúng thứ ông cần xong là đi thẳng về nhà, không bao giờ bị hấp dẫn bởi một thứ gì bày bán bên ngoài. Khi xuất hiện ở Shark Tank, ông định hướng rất rõ sẽ đầu tư như thế nào và biết mình cần gì ở đó. Minh chứng là thương vụ về thức uống đậu nành hữu cơ, một sản phẩm mà hầu hết các Shark khác trong chương trình "chê" vì tính rủi ro thì lại khiến ông cảm thấy hài lòng khi "chi bạo" đến 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, trước khi quyết định "hạ tiền", ông Thủy đánh vào hai chữ "Ng". Chữ "Ng" thứ nhất là "Ngành" vì ông nhìn được khả năng đi xa hơn của sản phẩm khi có thể cạnh tranh được trên thị trường nước hữu cơ đóng chai. Chữ "Ng" thứ hai chính là "Người".

“Trong quá trình diễn ra chương trình thì startup này có một điểm rất không hay - không nhớ được lợi nhuận, doanh thu của mình ở tháng vừa rồi. Nhưng tôi cảm thấy thích vì đó là thật (tất nhiên tôi nghĩ cũng có một khả năng là không thật). Tuy nhiên, thay vì có thể nói bừa một con số 100 hay 200 triệu đồng nhưng bạn lại nói không biết. Sau khi tiếp xúc và làm việc với startup sau chương trình thì hoàn toàn là những sự thật, cái gì biết thì nói biết, không biết thì nhận không”, ông Thủy hóm hỉnh nói.

Có một quan điểm nổi bật mà Shark Thủy chia sẻ về việc vận hành doanh nghiệp của những startup, sẵn sàng hỗ trợ khi họ khi gặp khó khăn khác về tuyển dụng, quản lý tài chính, thay vì như nhiều Shark khác chỉ đầu tư về vốn, mọi vận hành đều để startup "tự bơi'.

“Đương nhiên đầu tư vào khởi nghiệp, startup như thế này rất rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi cũng bị hấp dẫn bởi cơ hội thành công của họ. Bởi chi ra một số tiền rất là nhỏ lúc này nhưng nếu 1-2 năm sau họ lớn mạnh thì phải bỏ ra hàng trăm triệu đô... Cơ hội lớn thì nó luôn luôn có hai mặt như vậy”, ông Thủy cho biết.

Mới đây, nhà sản xuất Shark Tank mùa 2 đã đưa thông tin về những “cá mập” sẽ xuất hiện trong chương trình. Về phía startup, dù vẫn xoay quanh nhiều lĩnh vực nhưng số lượng startup ở lĩnh vực công nghệ đặc biệt chiếm ưu thế nổi trội hơn. Đây cũng là minh chứng cho sự hội nhập xu thế 4.0 của cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.

Shark Tank mùa 2 sẽ có sự tham dự của 4 nhà đầu tư chính:

-  Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT tập đoàn SUNHOUSE.

-  Shark Thái Vân Linh – Giám đốc Vận hành & Chiến lược quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital.

- Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT – Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ CENGROUP - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Thế kỷ CENINVEST.

- Shark Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn) - Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan.

4 nhà đầu tư khách mời gồm:

- Shark Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch HĐQT kiêm Người sáng lập Công ty CP Tập đoàn Egroup - Tổng giám đốc Công ty CP Anh ngữ Apax.

- Shark Louis Nguyễn – Chủ tịch HĐQT & Tổng giám đốc Công ty Quản lý Qũy Đầu tư Saigon Asset Management (SAM).

- Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông Intracom.

- Shark Đặng Hồng Anh – Phó Chủ Tịch tập đoàn TTC, Chủ Tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI