'Soi' hàng nhái, hàng giả

29/09/2019 - 06:30

PNO - Có nhiều cách để kiểm tra, nhận biệt hàng hiệu thật - giả mà bạn nên biết.

Xuất xứ, nhãn mác, logo thương hiệu

Dựa vào nhãn mác để biết xuất xứ sản phẩm (SP), nhiều thương hiệu ghi nhãn “made in China” hay “made in Cambodia”, tuy nhiên, thường những thương hiệu ở phân khúc trung cấp mới sản xuất SP ở nước thứ ba. Riêng hàng hiệu cao cấp như Louis Vuitton hay Gucci thì không sản xuất tại bất cứ nước thứ ba nào. SP Louis Vuitton chính hãng “made in France” và Gucci “made in Italy”. 

Bên cạnh đó, logo của hàng hiệu chính hãng được in rõ, sắc nét; còn hàng giả, nhái thường có logo in mờ và thay đổi một số chữ, chi tiết hình ảnh, độ đậm nhạt của màu sắc, nét chữ....

'Soi' hang nhai, hang gia
Vị trí của logo cũng là cách để bạn phân biệt áo lacoste thật và giả

Các hãng nổi tiếng thường có sự thống nhất trong cách để logo trên SP và đính thêm nhãn mác bên trong SP. Khi mua hàng, bạn nên chú ý vị trí đặt logo, đường nét, màu sắc của logo trên SP; kiểm tra nhãn bên trong xem được dập chắc chắn hay khâu tay, SP giả thường không có nhãn mác bên trong hoặc có nhưng may sơ sài.

Hàng giả thường có logo không cân xứng, kích thước to quá hoặc nhỏ quá so với SP và không có logo đồng nhất ở cùng một thương hiệu SP. 

Ví dụ, áo Lacoste thật có nhãn mác đầy đủ với hình con cá sấu và tên hãng; hình con cá sấu có đầy đủ chi tiết, đặc biệt là mắt, răng, móng vuốt và không lộ rõ đường chỉ trắng khâu ở xung quanh miếng vá.

Bất kỳ sự thay đổi nào ở con cá sấu như không có răng, không có mắt thì đều là hàng giả. Con cá sấu trên hàng thật có hai mắt rõ ràng, trong khi hàng giả cá sấu chỉ có một mắt. Nếu lộn áo từ trong ra ngoài, áo thật sẽ không xuất hiện hình con cá sấu, còn áo giả thấy con cá sấu may dính vào bên trong.

Đối với áo polo nam, cá sấu được thêu trên một miếng vải vá sau đó được khâu vào áo. Hình con cá sấu nằm ở phía tay trái, chính giữa vết khâu phía dưới và nút cúc thứ hai từ trên xuống. Áo Lacoste giả, logo thường đặt thấp hơn vị trí trên. Đối với áo nữ, logo cá sấu lại được in lên áo. 

Hay với túi xách Louis Vuitton, màu sắc logo được in trên túi có màu vàng nhạt vừa phải, không đậm hay quá nhạt. Logo xịn luôn ở vị trí chính giữa túi, không bao giờ nằm lệch một bên, dịch lên các mép, ngoại trừ các kiểu túi bụi (vintage). Túi xách Louis Vuitton giả có logo thường nằm không cân xứng. 

'Soi' hang nhai, hang gia
Những đường nét tinh xảo của hàng thật và đường may, gia công ẩu của túi giả

SP Louis Vuitton thường đi kèm thẻ nhưng không bao giờ thẻ được gắn lên trên mặt hàng. Nó thường được để trong một cái túi và cất trong một chiếc phong bì kèm theo hóa đơn, nếu thẻ được gắn vào túi thì đó không phải hàng Louis Vuitton thật.

Phần quai xách của túi xách Louis Vuitton được làm bằng da bò tự nhiên nên chất lượng rất tốt, không cần lớp nhựa bọc bảo vệ, trong khi túi giả cần lớp nhựa này để viền ngoài.

Các túi xách Louis Vuitton giả đều sử dụng chất liệu da rẻ tiền làm lớp lót bên trong, trong khi túi thật được dệt bằng da lộn. Khóa kéo của các SP Louis Vuitton luôn được dập chữ “LV”. Túi xách chính hãng chỉ dùng kim loại màu vàng cho khóa kéo, chạm vào thấy mát, nặng và đầm tay. Việc kéo khóa rất dễ dàng và thường chỉ kéo một lần là mở được. Vì vậy, trước khi mua hàng bạn cần thử khóa nhiều lần. Tất cả đường chỉ khâu, đính hay dập trên túi Louis Vuitton đều chắc chắn, cân xứng, thẳng hàng.

 Với các loại túi xách, bạn còn có thể phân tích mũi khâu trên túi. Các nhà thiết kế sử dụng phong cách khâu độc đáo của riêng họ trên chiếc túi xách. Đây sẽ là một tính năng tiêu chuẩn mà khi đó hàng giả thường sẽ không bắt chước được. Nếu đường khâu xuất hiện nút thắt, bị sờn hoặc biến màu, đây thường là một dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn.

Kiểm tra mã số, mã vạch 

Hàng hiệu chính hãng thường có những thông số và mỗi SP đều có một mã khác nhau. Những ký hiệu như: mã ngày, số serie, số hiệu model thể hiện rõ ràng trên từng SP hàng hiệu thật. Ở hàng giả, nhái, các mã số và serie thường bỏ trống hoặc không theo số hiệu model. Bên cạnh đó, đối với túi xách, ví hàng hiệu chính hãng thường kèm theo túi bọc, thẻ chứng nhận và thẻ bảo hành để đảm bảo quyền lợi của người mua.

Bạn nên biết cách kiểm tra mã vạch (barcode) và QR code bằng các phần mềm trên smartphone. Mã vạch gồm các chữ số mang thông tin về SP như: nước sản xuất, tên doanh nghiệp, lô, tiêu chuẩn chất lượng đăng ký, thông tin về kích thước SP, nơi kiểm tra… Mỗi SP chỉ mang một mã vạch duy nhất mà không bao giờ thay đổi.

Xem tra cứu mã số, mã vạch của nước nào thì đọc 3 số đầu tiên của mã vạch sẽ suy ra được quốc gia sản xuất hàng hóa đó. Ví dụ: 000 - 019 GS1 Mỹ, 300 - 379 GS1 Pháp, 400 - 440 GS1 Đức, 450 - 459 & 490 - 499 GS1 Nhật Bản, 760 - 769 GS1 Thụy Sĩ, 930 - 939 GS1 Úc...

Phần mềm ứng dụng Barcode scanner và QR code scanner trên Android và iOS giúp kiểm tra xuất xứ hàng hóa. Đây là phần mềm cho phép các thiết bị iOS có thể quét các loại mã vạch và mã QR (mã phản hồi nhanh), nhằm giúp người dùng tiện hơn trong việc kiểm tra xuất xứ các loại mặt hàng cũng như liên kết đến trang chủ của các hãng sản xuất hàng hóa đó… Cách sử dụng rất đơn giản, bạn chỉ việc mở ứng dụng lên, sau đó đưa camera đến nơi mã vạch và bấm nút “scan” là ứng dụng sẽ tự động tìm kiếm thông tin hoặc trang web tương ứng với loại mã đó.

'Soi' hang nhai, hang gia
 

Sau khi quét một mã code SP, bạn sẽ nhận được các thông số cơ bản về SP, như: tên SP, loại SP (màu sắc, mã màu, mã số SP); tên công ty, thương hiệu; nơi sản xuất, địa chỉ công ty sản xuất, quốc gia; mô tả sản phẩm; hệ thống cửa hàng phân phối và trang thương mại điện tử đang có bán SP, kèm đường dẫn website; hình ảnh demo của SP, thành phần SP; danh mục các SP liên quan; đánh giá của khách hàng về SP đó; Ngày sản xuất, hạn sử dụng… Có nhiều trang web kiểm tra mã code SP trực tuyến được đánh giá là chính xác nhất hiện nay, như: Online Barcode Reader, UPC Index, Scan IT, Check cosmetic, Barcode Lookup, ZXing Decoder Online...

Tùy theo ứng dụng hoặc trang web bạn dùng để check thông tin, có thể chỉ hiển thị các thông tin cơ bản. Mã vạch SP không có tác dụng phân biệt hàng thật, giả cao bởi ngày nay các công nghệ làm hàng giả, nhái tinh vi đã có thể làm giả mã vạch. Tuy nhiên, kiểm tra mã vạch đối với các SP chất lượng, chính hãng vẫn có tác dụng cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về nguồn gốc, hạn sử dụng để bạn hiểu SP mà mình đang sử dụng cũng như yên tâm hơn. 

“Soi” kỹ sản phẩm

Bạn có thể thử bằng cách dùng ngón cái và ấn mạnh lên bề mặt túi, ví; nếu là da thật sẽ để lại vết lõm xung quanh ngón tay cái của bạn nhưng khi bạn bỏ tay ra, vết lõm sẽ mất đi, chứng tỏ độ đàn hồi của bề mặt da thật. Còn với da giả, các chất liệu tổng hợp không có được độ đàn hồi này, vết lõm cũng sẽ còn hằn nguyên bởi các lớp hạt vật chất nhân tạo tạo thành lớp da giả đã bị tách rời ra.

SP hàng hiệu từ da thật không dùng keo, phần lớn là da nguyên miếng. Dây nịt da thường chỉ có một lớp và đính kèm một miếng da nhỏ để khách hàng kiểm tra. Nếu là da thật thì phần này rất sần sùi, nhám; còn SP nhái thường dán bằng keo. Dây nịt làm bằng da tổng hợp thường hai bên hông đường dây có tráng một lớp nhựa. Thực chất, đây là lớp tráng keo để che các lớp dán của simili nhằm đánh lừa mắt người mua. 

Nhiều nơi rao bán hàng hiệu fake 1, 2, 3 hay hàng hiệu sida (second hand) với giá không hề “mềm”, từ 2 - 5 triệu đồng/SP. Nhiều người thích xài hàng hiệu nhưng không rủng rỉnh hầu bao, chọn hàng hiệu cũ, tuy nhiên thực tế hàng nhái, giả trà trộn không ít. 

Tất cả SP hàng hiệu chính hãng luôn có chất lượng đường may tốt, vì đây là một trong những tiêu chuẩn thể hiện danh tiếng của người thiết kế. Đường may cẩu thả, nghiêng và không đều là một dấu hiệu của SP kém chất lượng, hàng nhái, giả.

Đối với quần jeans, quần tây, áo khoác... nếu nhãn vải ghi thông tin đính kèm mỏng dính, có thể nhìn xuyên được đường chỉ may ở phía bên kia thì chắc chắn đó là hàng nhái.

Ngay cả vỏ hộp, bao bì SP hàng hiệu cũng được trau chuốt tỉ mỉ từng chi tiết, không có kiểu bao gói qua loa, sơ sài như hàng nhái, giả. Với nước hoa, bạn cần để ý kỹ thêm về mùi hương và thời gian bay mùi... 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI