Siêu thị xuất khẩu hàng Việt: Hàng triệu USD nông sản 'đi' nước ngoài

21/07/2017 - 08:38

PNO - Hàng trăm lô hàng Việt Nam (VN) trị giá hàng tỷ USD được xuất khẩu sang Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Myanmar… thông qua kênh siêu thị (ST).

Đây là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ có cơ hội đưa sản phẩm (SP) của mình vươn ra thị trường thế giới. 

“Bà đỡ” cho hàng Việt

Mới đây, Central Group VN đã xuất khẩu thành công lô vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên sang Thái Lan. Bà Jariya Chirathivat - đại diện Central Group VN, cho biết: “Vải thiều tươi Lục Ngạn đã được bày bán tại 14 quầy hàng trong hệ thống ST Tops và Central Food Hall thuộc Tập đoàn Central tại Thái Lan. Được trưng bày ngay dãy đầu lối vào gian hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu, rất nhiều người tiêu dùng (NTD) Thái Lan đã chọn mua vải thiều, thưởng thức ngay tại chỗ và gật gù hài lòng. Đây là một tín hiệu vui”. 

Sieu thi xuat khau hang Viet: Hang trieu USD nong san 'di' nuoc ngoai
Người tiêu dùng chọn mua vải thiều Lục Ngạn tại hệ thống siêu thị Tops và Central Food Hall - Thái Lan

Theo Central Group VN, sức tiêu thụ lô hàng một tấn vải thiều này sẽ là căn cứ để xuất khẩu lượng hàng tiếp theo cho nhiều chuyến sắp tới trong niên vụ này. DN sẽ nỗ lực kết nối để đạt được sản lượng xuất khẩu cao và có mức giá thu mua tốt cho người dân trồng vải. Trước đó, năm 2016, Central Group VN và Big C cũng đã xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy hải sản, hóa mỹ phẩm… VN sang Thái Lan, với doanh số ước đạt 50 triệu USD.

Tương tự, thông qua liên doanh NTUC Fair Price Singapore, mỗi năm Saigon Co.op cũng xuất khẩu khoảng 200 container hàng Việt sang Singapore. Hầu hết là nông sản (khoai lang, bưởi, thanh long…) và một số mặt hàng chế biến từ gạo với thương hiệu Co.opmart (bún khô, bánh tráng, mì…) được đưa vào tiêu thụ trực tiếp tại hệ thống ST và cửa hàng của NTUC Fair Price tại Singapore. 

LOTTE Mart vừa xuất khẩu khoảng 100 mặt hàng chủ lực mang nhãn hàng riêng Choice L sang thị trường Myanmar trị giá hơn 1 tỷ đồng. Chỉ trong năm 2016, tổng giá trị LOTTE Mart Hàn Quốc, LOTTE Mart Indonesia và LOTTE Mart Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1,4 ngàn tỷ đồng hàng Việt. Chủ yếu là các mặt hàng: thủy sản, quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm, dụng cụ nhà bếp… Aeon VN cũng xuất trực tiếp hàng VN vào 14.000 cửa hàng của Aeon tại châu Á và Nhật Bản, với tổng giá trị đạt hơn 200 triệu USD. Riêng mặt hàng cá tra đạt 1.500 tấn với trị giá 9 triệu USD.

Một số DN vừa và nhỏ cho biết, vì thương hiệu SP chưa được nhiều NTD biết đến nên thông qua làm hàng nhãn riêng cho ST, hàng sẽ được xuất đi các nước. Tuy nhiên, vì như vậy, nên ngoài lợi ích bán hàng, DN vẫn chưa tiếp cận được NTD nước ngoài bằng chính thương hiệu của mình. 

Bí quyết để nhiều thanh long, bơ, khoai lang, cá ba sa… “đi” nước ngoài

Nói về việc xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống ST ngoại, ông Nguyễn Quốc Duẩn - GĐ Công ty thanh long Song Nam - nhận xét: “DN bán được hàng vào các ST ngoại ở VN, đã đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng cần thiết thì việc xuất khẩu hàng sang hệ thống ST nước ngoài cũng dễ dàng hơn. Đồng thời, việc xuất khẩu qua kênh ST cũng sẽ giúp DN giảm được chi phí và rủi ro”.

Làm sao để ngày càng nhiều SP VN lên kệ ST ở nước ngoài? Đại diện Aeon VN và Saigon Co.op cho hay sẽ đẩy mạnh hợp tác với các DN VN cung cấp hàng chất lượng, giá cả phù hợp cho toàn hệ thống phân phối của chính ST tại VN và các nước”.

Sieu thi xuat khau hang Viet: Hang trieu USD nong san 'di' nuoc ngoai
DN bán được hàng vào các ST ngoại ở VN, đã đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng cần thiết thì việc xuất khẩu hàng sang hệ thống ST nước ngoài cũng dễ dàng hơn. 

Cũng trong mục tiêu này, ông Hồ Quốc Nguyên - GĐ Bộ phận Quan hệ công chúng Central Group VN và Big C - khẳng định: “Chúng tôi đang tìm thêm SP VN để xuất khẩu. Tháng 8/2017, chúng tôi phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức Tuần hàng Việt tại Thái Lan (lần 2) để DN VN quảng bá SP. Hy vọng ngày càng có nhiều SP VN xuất khẩu sang Thái Lan, từ đó lan tỏa ra các nước khu vực ASEAN, làm bàn đạp để hàng Việt vươn ra thế giới bằng chính thương hiệu của mình”. 

Ông Yoon Byung Soo - GĐ chiến lược SP LOTTE Mart VN cũng lưu ý: “DN VN cần cải thiện tính cạnh tranh về giá cả (giá phải rẻ), chất lượng và đóng gói SP phải tốt hơn. Với chi phí sản xuất rẻ, VN có lợi thế cạnh tranh giá tốt. Tuy nhiên, chất lượng SP VN vẫn chưa đồng nhất, đóng gói SP chưa đẹp mắt”.

Song, nhiều DN Việt cũng đã năng động hơn trong xuất khẩu, như ông Nguyễn Vũ Thuận - GĐ thu mua thực phẩm, Công ty TNHH MM Mega Market VN - đánh giá: “DN VN sản xuất hàng có chất lượng tốt và cam kết hợp đồng tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi tự tin kết nối xuất khẩu hàng Việt, chủ yếu là các mặt hàng đặc sản như: thanh long, bơ, khoai lang giống Nhật, phi lê cá ba sa…”.

Thông qua kênh ST, nhiều hàng Việt được xuất khẩu là một tín hiệu vui. Từ đây, DN VN cần nâng lên một tầm cao hơn nữa. Nói về điều này, chuyên gia Hoàng Trọng - Cố vấn Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao - nói: "Phần lớn SP này mang thương hiệu riêng của ST, DN Việt vẫn chưa có thêm nhiều cơ hội để khẳng định thương hiệu của mình đến NTD nước ngoài. Khi đã vào được kênh ST nước ngoài, chất lượng SP đã đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu, nếu đầu tư bài bản về bao bì, đảm bảo năng lực sản xuất và quảng bá… thì DN Việt sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu trực tiếp SP mang thương hiệu của mình". 

Rõ ràng, đây là một chiến lược dài hơi mà DN rất cần nỗ lực để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế toàn cầu hóa. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI