Sao không thể dẹp 561 chợ tự phát ở Sài Gòn?

10/03/2017 - 11:58

PNO - Chính quyền TP đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp vừa cứng vừa mềm, nhưng không thể một sớm một chiều dẹp ngay được 561 điểm này.

Thống kê sơ bộ của Sở Công thương TP.HCM cho thấy, toàn TP có khoảng 561 điểm kinh doanh tự phát mà người dân hay gọi là chợ tự phát, rải khắp các quận, huyện, hầu hết đều lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Sao khong the dep 561 cho tu phat o Sai Gon?

Chợ tự phát ở đường Thới Hòa gần KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) gây mất an toàn giao thông nhiều năm qua.

 

Với quyết tâm lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, chính quyền TP đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp vừa cứng vừa mềm, nhưng không thể một sớm một chiều dẹp ngay được 561 điểm này.

Đau khổ với chợ tự phát

Chợ tự phát ở đường số 3 và số 1 thuộc P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, tồn tại đã hơn 10 năm, nằm ngay trên đường dẫn vào chợ Bình Long, kéo dài hơn 1km, có gần 100 sạp bán đủ mặt hàng. Người mua hàng chỉ cần dừng xe, mọi giao dịch đều diễn ra ngay tại chỗ. Nhiều người bán còn “vô tư” bày hàng ra giữa lòng đường.

Ngay đầu chợ, những mâm gà, cá làm sẵn để la liệt, nước thải được người bán đổ thẳng ra đường hoặc hất ra các bãi đất trống gần đó, trông rất nhếch nhác. Tấp vào một sạp thịt, thử hỏi nguồn gốc miếng thịt heo, người bán chẳng buồn giải thích, chỉ gọn lỏn: “Thịt đảm bảo không ôi thiu. Ăn vào có gì tôi chịu trách nhiệm”.

Tương phản hoàn toàn với sự tấp nập của chợ tự phát, chỉ cách đó 200m, nhà lồng chợ Bình Long vắng lặng, tiểu thương người ngồi tán chuyện, người ngủ gật, người lau bụi đống hàng hóa trưng bày. Các tiểu thương cho biết, vì buôn bán ế ẩm, không cạnh tranh lại chợ tự phát nên nhiều người đã trả sạp, ra lề đường ngồi bán.

Anh Nguyễn Ảnh Tươi - chủ đầu tư chợ Bình Long, phân trần: chợ tự phát nằm ngay lối ra vào chợ Bình Long nên đã gây khó khăn cho tiểu thương trong nhà lồng chợ. Họ thuê sạp, đăng ký, đóng thuế và chịu trách nhiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của sản phẩm mình bán ra nhưng không cạnh tranh được với hàng trôi nổi ngoài chợ tự phát. Từ năm 2012 đến nay, đã có 113 sạp phải đóng cửa. Để tạo điều kiện cho người bán tiếp cận tối đa với người mua, chúng tôi vừa đập bỏ 1/3 số sạp cho người mua có thể chạy xe máy vào tận trong chợ, nhưng tình hình vẫn không khá hơn. 

“Dẹp chợ tự phát không phải chuyện dễ. Sau nhiều lần đẩy đuổi không hiệu quả, UBND P.Bình Hưng Hòa A đã mời những người bán họp, vận động họ chuyển vào nhà lồng chợ Bình Long buôn bán, thậm chí miễn tiền thuê sạp từ ba-sáu tháng, nhưng chỉ vào chợ chưa đầy một tháng là họ lại nhảy ra ngoài. Lần này, chúng tôi sẽ thống kê lại các hộ kinh doanh, tập trung tuyên truyền, với những hộ thuộc địa phương sẽ có cán bộ đến từng nhà vận động, gợi ý để họ sắp xếp lại việc buôn bán. Với những hộ ở địa phương khác, chúng tôi sẽ gửi thông báo nhờ địa phương đó hỗ trợ”, ông Trần Duy Thông - Phó chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa A cho biết.

Cách chợ tự phát trên không xa là một chợ tự phát khác, nằm trên đường Kênh Nước Đen mà người dân gọi là chợ Bình Thuận (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân). Chợ này “mọc” lên đã khiến chợ Bình Hưng Hòa rơi vào cảnh ế ẩm. Ngay đầu đường Kênh Nước Đen kéo dài đến đường Gò Dầu chỉ 600m nhưng có hàng chục sạp hàng chen chúc, hàng rau hàng cá lẫn lộn, gà vịt sống bày la liệt, mùi xú uế nồng nặc giữa trưa nắng. 

Sao khong the dep 561 cho tu phat o Sai Gon?

 

Tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), nhiều năm qua người dân cũng “khóc ròng” vì điểm nóng kẹt xe ở khu vực đường Quách Điêu-Vĩnh Lộc do chợ tự phát dọc theo hai con đường này luôn tấp nập. Cách đó khoảng 1km còn có hai chợ tự phát trên đường Thới Hòa (KCN Vĩnh Lộc) và đường Nữ Dân Công cũng là điểm nóng kẹt xe, mất an toàn giao thông nhiều năm. Tương tự, gần cổng KCN PouYuen (Q.Bình Tân), Tân Tạo, KCX Linh Trung (Q.Thủ Đức) cũng tồn tại nhiều chợ tự phát mua bán rôm rả vào mỗi buổi chiều công nhân tan ca. Thậm chí, ngay trung tâm TP - tại Q.1, cũng có một số điểm chợ tự phát như hẻm 137 Trần Đình Xu, hẻm bên hông chợ Thái Bình…

Đưa cửa hàng tiện ích thay dần chợ tự phát

Vấn đề dẹp “chợ tự phát” không chỉ mới đặt ra mà từng được TP.HCM triển khai từ lâu nhưng chẳng những không có kết quả mà chợ ngày càng phát triển hơn, gây mất an toàn giao thông, mất ATVSTP, mất lòng tin của tiểu thương chợ truyền thống vào chính quyền. Theo Sở Công thương, hiện sở này đang khẩn trương hoàn thiện đề án quy hoạch thị trường bán lẻ TP.HCM, trong đó có đề cập đến vấn đề chợ tạm.

Là địa phương có đến 33 điểm kinh doanh tự phát, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, giải quyết bài toán chợ tự phát không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian. Trước mắt, những tuyến đường trọng điểm về giao thông như Quốc lộ 50 sẽ ưu tiên tăng cường lập lại trật tự lòng lề đường, một số khu vực khác tạm thời sẽ kẻ vạch sơn để người bán giữ trật tự hơn.

Trong năm nay, huyện sẽ hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể chợ, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trên cơ sở đó sẽ sắp xếp dần các điểm kinh doanh tự phát. Định hướng của huyện là dần phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích (CHTI), siêu thị, điểm bán hàng bình ổn thay cho các chợ tự phát với khoảng 6 CHTI, 6 siêu thị, 44 điểm bán hàng bình ổn và 3 nhà sách có bán hàng tiêu dùng.

Với 19 điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn, ông Lưu Trung Hòa - Phó chủ tịch UBND Q.1 chia sẻ quan điểm cá nhân là nên sắp xếp việc buôn bán tại các điểm này hoặc cho người dân buôn bán theo giờ thay vì dẹp hẳn, vì vấn đề còn là chuyện dân sinh, là cơm áo gạo tiền của người dân nghèo.

“Trước mắt có thể chia thành những khu vực kẻ vạch sơn cho người dân buôn bán trong trật tự; đồng thời vận động, hướng dẫn, buộc họ khám sức khỏe, đảm bảo các tiêu chuẩn ATVSTP… Hiện quận đang kiến nghị TP tháo gỡ các vướng mắc quanh chính sách hỗ trợ cho tiểu thương tại ba chợ tạm Tôn Thất Đạm, hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng và Cô Giang. Dù ba chợ này tính chất khác với các chợ tự phát nhưng quá trình di dời, vận động cũng gặp không ít khó khăn, mất rất nhiều thời gian”, ông Hòa chia sẻ.

Thu Hồng

Chợ tự phát có bảo kê?

Chợ tự phát gắn liền với công tác chấn chỉnh trật tự lòng lề đường mà UBND TP đang nỗ lực thực hiện, trong đó vai trò của địa phương rất quan trọng. Theo tôi, phải quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức đảm trách công việc này; đồng thời mỗi địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt, đeo bám, kiên trì, khó mấy cũng phải làm. Thực tế, các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn đã quy định rất rõ việc xử phạt người bán hàng không rõ nguồn gốc, bán không đúng địa điểm đăng ký kinh doanh, đăng ký một đường bán một nẻo; xử phạt người mua đậu xe lấn chiếm lòng lề đường… Mọi thứ đã rõ nhưng cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm, không đồng bộ nên không thể dẹp được chợ tự phát. Cũng vì thế, nhiều người đặt nghi vấn phải chăng chợ tự phát có bảo kê nên nhùng nhằng không dẹp được?

Đại biểu HĐND TP Cao Thanh Bình

Thói quen xấu dẫn đến làm kinh tế vụn vặt

Từ lâu, TP.HCM đã có nền kinh tế vỉa hè do thói quen tiện mua tiện bán nhanh gọn của cả người mua lẫn người bán; ngay cả việc mua trái bắp, mớ rau hay con cá, người mua cũng lười vận động, chỉ muốn ngồi trên xe mà mua. Đó là thói quen không tốt dẫn đến một nền kinh tế vụn vặt, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Để thay đổi, theo tôi, không chỉ trông chờ vào xử phạt, đẩy đuổi của chính quyền mà mỗi người dân phải tự ý thức về hành vi của mình, ý thức được thì phải quyết tâm thay đổi, không nại lý do “vì tôi thế này, thế nọ…” mà chây ì mãi. Không có quyết tâm thì không thể làm gì được, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Ngoài ra, địa phương cũng cần khảo sát, lấy ý kiến của người dân để có thêm nhiều hướng triển khai.

Nhà báo - nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI