Rộ tình trạng bán tài khoản ngân hàng

29/10/2018 - 06:00

PNO - Với lý do cần chạy đủ doanh số cuối năm, nhiều nhân viên ngân hàng đăng quảng cáo mở thẻ ATM miễn phí, nhận ngay 200.000đ vào tài khoản kèm quà tặng hấp dẫn; nếu có nhu cầu bán lại thẻ ATM sẽ có giá 1 triệu đồng/thẻ.

Nhiều người thấy mở thẻ không mất gì, lại được tiền, quà nên đua nhau đăng ký. Kết quả thông tin khách hàng bị lộ, nhiều khách hàng bị đối tượng xấu sử dụng thẻ làm chuyện phi pháp; một số khách hàng mở thẻ để đó, vô tình trở thành “con nợ” của ngân hàng hoặc thậm chí bị dính vào danh sách nợ quá hạn.

Đủ chiêu mời mở thẻ miễn phí

Mới đây, một người dùng Facebook có nickname “Người Vô Tình” đăng tải trong Group “Việc làm thêm sinh viên” mời mở thẻ ATM miễn phí với nội dung: "Mình có đứa bạn hiện đang làm sales mảng mở thẻ ATM miễn phí. Anh chị em nào có nhu cầu mở thẻ ATM thì liên hệ nhé, giúp em ấy chạy đủ doanh số cuối năm để nhận hợp đồng chính thức. Sau khi nhận thẻ và kích hoạt, các bạn có 200.000đ trong tài khoản, cứ thế rút ra xài. Điều kiện: các bạn trên 18 tuổi, có CMND gốc”.

Ngoài nickname này, hiện trên mạng xã hội tràn ngập những người tự xưng là nhân viên ngân hàng rao mời chào làm thẻ ATM miễn phí.

Ro tinh trang ban tai khoan ngan hang
Đủ chiêu mời mở thẻ miễn phí

Trong vai người có nhu cầu mở thẻ, chúng tôi liên hệ đến số điện thoại 0997380… thì một người nữ tên Tuyền bắt máy, tự xưng nhân viên ngân hàng V.. Tuyền tư vấn cho chúng tôi những điều kiện ưu đãi khi mở thẻ ATM của V. gồm không thu phí mở thẻ 50.000đ, không cần nộp số dư tối thiểu 50.000đ, miễn phí SMS Banking 11.000đ/tháng đầu tiên, miễn phí quản lý tài khoản 2.200đ/tháng đầu tiên, miễn phí internetbanking hoặc Mobile Banking 11.000đ/tháng đầu tiên.

Chúng tôi được Tuyền hẹn đến một trung tâm thương mại trên đường Lê Đại Hành để làm thẻ, khi đến chúng tôi cần phải mang theo CMND gốc (không được photo, CMND rõ ràng), bằng lái xe/hoặc thẻ sinh viên. Ngoài tôi ra, còn có một nhóm khoảng 7 người khác nữa, là sinh viên cũng có nhu cầu mở thẻ ATM.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao không đến thẳng phòng giao dịch để mở thẻ, Tuyền cho hay: "Phòng giao dịch gần đây, mọi người cứ nộp đơn mở thẻ, sẽ có người đến lấy đơn chạy về phòng giao dịch mở thẻ liền. Nếu đến phòng giao dịch một người thì không sao, đến một nhóm 8 người cùng lúc, sợ quản lý của Tuyền sẽ biết Tuyền tự bỏ tiền mướn người làm thẻ ATM. Tuyền bảo đang trong thời kỳ thử việc, phải chạy đua doanh số nên năn nỉ mọi người thông cảm".

Sau đó, Tuyền đưa cho chúng tôi một mẫu đơn “Giấy đề nghị mở tài khoản cá nhân” được cho là do ngân hàng V. phát hành và yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin. Nhưng một điều lạ là nơi điền thông tin về số điện thoại và email khách hàng, Tuyền kêu chúng tôi để trống.

Chúng tôi lấy lý do không muốn mở thẻ ATM nữa, Tuyền đóng hồ sơ của chúng tôi và tiếp tục làm hồ sơ mở thẻ ATM cho 7 sinh viên còn lại. Quả thật như Tuyền cam đoan, chỉ 30 phút sau, mỗi bạn sinh viên cầm trên tay một chiếc thẻ ATM.

“Trong mỗi tài khoản đều có 200.000đ, các bạn có thể rút hết số tiền trong đó. Nếu bạn nào muốn mở thẻ miễn phí tại các ngân hàng khác mà được nhận tiền nữa cứ liên hệ với mình”, Tuyền nói với cả nhóm.

Sau khi Tuyền rời khỏi, chúng tôi bắt chuyện với Hân - một bạn sinh viên trong nhóm làm thẻ ATM lúc nãy. Chúng tôi thắc mắc không biết thẻ ATM này có đăng ký Internet Banking hay không, Hân lắc đầu không biết.

Tiếp đó, chúng tôi giả vờ rủ Hân đi rút tiền thử thì đúng là Hân rút được 200.000đ và điện thoại của Hân không hề có thông báo SMS Banking – chứng tỏ thẻ ATM của Hân không được đăng ký Internet Banking hoặc giả sử có đăng ký nhưng lại thông qua một số điện thoại khác.

Tiếp tục trong vai là một khách hàng cần mở thẻ ATM, chúng tôi liên hệ đến một số điện thoại khác thì cũng được giới thiệu quy trình làm thẻ ATM tương tự như trên. Có nơi, người làm thẻ được trả công bằng tiền mặt là 50.000 – 100.000đ; có nơi đề nghị nếu khách hàng không có nhu cầu sử dụng thẻ ATM thì có thể bán lại thẻ với 1 triệu đồng/thẻ.

Ro tinh trang ban tai khoan ngan hang
Những lời chào mời mở thẻ ATM xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội

Hiện trên các trang mạng cũng đầy lời rao nhận mua thẻ ATM, các chủ Facebook này đều khẳng định: mua thẻ ATM dùng làm thẻ game, thẻ banh qua mạng, không dùng mục đích xấu. Bên dưới các lời rao, không ít người ngỏ ý muốn bán.

Nhiều hệ lụy phía sau

Nhiều người, nhất là các bạn sinh viên có suy nghĩ, cứ mở thẻ để đó, không sử dụng cũng chẳng sao, nhưng lại có thêm số tiền vài trăm ngàn đồng.

Nhưng thực tế, việc mở thẻ ATM rồi để đó phát sinh nhiều hệ lụy về sau. Như câu chuyện của bạn Trần Hân Di – cựu sinh viên trường ĐH Mở TP.HCM là một cảnh báo.

Di kể, cách đây bốn năm có nhiều anh chị tự xưng là sale của ngân hàng đến mời làm thẻ ATM Vietcombank và Vietinbank miễn phí, thậm chí miễn phí cả phí thường niên. Di nghĩ cứ làm đi, sau này ra trường sẽ dùng đến nên Di đăng ký. Nhóm người này cho biết khi nào có thẻ sẽ đem đến lớp giao cho Di nhưng bạn chờ hoài không thấy.

Bẵng đi bốn năm sau, khi công việc kinh doanh cần đến dùng thẻ Vietcombank và Vietinbank, Di ra phòng giao dịch đăng ký làm thẻ ATM. Tuy nhiên, phía ngân hàng cho biết bạn đã mở thẻ cách đây khá lâu, không làm tài khoản khác được, phải ra lại chi nhánh mà nhóm người ngày trước làm thẻ cho bạn.

“Tôi phải chạy đi thật xa để làm thẻ và phải mất 4 tiếng đồng hồ mới xong hết thủ tục vì chữ ký hiện tại của tôi không giống lúc xưa khi tôi đăng ký mở thẻ. Sau khi đem thẻ về xài vài ngày, tôi tá hỏa khi ngân hàng gửi tin nhắn trừ tiền phí năm năm qua của tôi. Hai thẻ, mỗi thẻ gần 1 triệu đồng. Lý do vì đó là Visa Dedit Card (thẻ ghi nợ) nên phí cao hơn ATM thông trường. Thời đó tôi cũng không biết rõ về các loại thẻ. Ngân hàng trừ đúng, nhưng trách là trách mấy bạn nhân viên làm thẻ không có tâm, chỉ biết chạy đua doanh số mà bất chấp”, Di ngao ngán nói.

Thậm chí có khách hàng còn vô tình bị nợ quá hạn, dính vào danh sách nợ xấu chỉ vì được thuê mở thẻ. Như trường hợp chị Trần Thị Ngọc Bích (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) bị dính nợ xấu nhóm 4, phải mất năm năm sau thì tên chị mới được loại ra khỏi hệ thống ngân hàng nhà nước.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, mới đây NHNN Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho người khác hoặc cho người khác mượn giấy tờ tùy thân để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

NHNN cũng đã có văn bản gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chi nhánh NHNN các địa phương để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.

Cụ thể, cách đây không lâu, cháu gái chị đang là sinh viên, chạy về nhà mượn giấy CMND của chị Bích nói là mở thẻ ATM để nhận được tiền, một phần là để giúp đứa bạn chạy đủ doanh số. Thấy vậy nên chị Bích cũng để cho cháu làm. Không hiểu người bạn của cháu chị Bích làm bao nhiêu ngân hàng, nhưng có thể mở cho chị Bích cùng lúc 5 thẻ ATM, riêng cháu chị Bích thì nhận được 1 triệu đồng công làm thẻ nên rất vui.

Đầu năm 2018, do công việc làm ăn thua lỗ, chị Bích cầm tài sản đi vay ngân hàng thì không được vay với lý do: đang nợ quá hạn thẻ tín dụng hạn mức 20 triệu đồng, do thanh toán chậm suốt hai năm liền nên được ghi vào nợ xấu nhóm 4. Chị Bích choáng váng vì không hề mở thẻ tín dụng, cũng không rút tiền để sử dụng tại sao lại bị ghi nợ? Chị Bích điều tra thì mới vỡ lẽ: bạn của cháu chị đã mở một lúc 5 thẻ ATM cùng một thẻ tín dụng. Nhưng cháu chị Bích đã giữ lại thẻ tín dụng, tự rút tiền xài, sau đó bỏ thẻ ở đâu… không nhớ.

Theo LS Nguyễn Hà Phong, Đoàn luật sư TP.HCM, có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra với người đồng ý để người khác dùng thông tin cá nhân, thân nhân của mình để làm thẻ.

“Việc nhân viên không ghi số điện thoại, mail người làm thẻ vào hồ sơ đăng ký mở thể ATM là có mục đích. Nếu thông tin thẻ là cả khách mà, mà thẻ lại được đăng ký internetbank bằng số di động, email của bọn tội phạm thì bọn chúng sẽ dùng thẻ này để chuyển tiền, làm chuyện phi pháp. Lúc này, khách mở thẻ vô tình trở thành đồng phạm giúp sức bọn tội phạm thực hiện hành vi phạm pháp, chịu liên đới trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân” – LS Nguyễn Hà Phong cảnh báo.

Mới đây, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố đối tượng Nguyễn Văn Tâm (ngụ Hải Dương) về hành vi sử dụng CMND giả để mở tài khoản tại nhiều ngân hàng.

Vào tháng 11/2017, Tâm sang Trung Quốc và quen với một nam thanh niên tên Dũng là người Việt Nam nhưng thường xuyên làm việc tại Trung Quốc. Biết Tâm đang cần tiền, Dũng rủ Tâm làm giả CMND đi mở các tài khoản ngân hàng, sau đó bán cho người Trung Quốc lấy tiền.

Thẻ rút được 50 triệu đồng/ngày qua cây ATM sẽ có giá 2 triệu đồng, và thẻ rút được 100 triệu đồng/ngày sẽ có giá 2,5 triệu đồng. Tâm đồng ý và rửa 4 ảnh chân dung 3x4 đưa cho Dũng để đối tượng này làm CMND giả mang tên người khác nhưng dán ảnh của Tâm.

Đến giữa tháng 11/2017, Dũng đưa cho Tâm một CMND mang tên Vũ Văn An (29 tuổi, số CMND 154896573 ở Thái Bình) có ảnh dán của Tâm. Sau đó Tâm mang CMND nói trên về TP. Hải Dương đến các ngân hàng Vietcombank, Viettinbank, MBbank, BIDV, Sacombank, Maritimebank, Techcombank, HDbank, Seabank, LienvietPostbank mở tài khoản và lấy 11 thẻ ATM.

Các tài khoản trên đều đăng ký bằng số điện thoại di động do Dũng cung cấp. Sau đó Tâm đưa các thẻ ATM và CMND mang tên Vũ Văn An cho Dũng và được hưởng 16 triệu đồng. Tiếp đó, Tâm mang CMND giả mang tên Đặng Văn Hải đến Hà Nội mở hai tài khoản tại ngân hàng HDbank và ABBank, lấy thẻ ATM và lại chuyển cho Dũng. Ngay sau đó, Công an Hải Dương có thông tin về đối tượng nghi vấn đang thuê người khác làm giả CMND để mở tài khoản ngân hàng và đã bắt giữ Tâm để điều tra.

Hoàng Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI