Rau hữu cơ: Thật giả lẫn lộn

28/04/2013 - 14:10

PNO - PN - Rau hữu cơ (RHC) dần được nhiều người tiêu dùng (NTD) quan tâm vì yếu tố an toàn đối với sức khỏe do được trồng theo phương pháp tự nhiên; không dùng các loại giống biến đổi gien, phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng...

Hiện nay, RHC chủ yếu được rao bán qua mạng theo phương thức đặt hàng online hoặc gọi điện thoại, giao hàng tận nơi. Một số trang web quảng cáo chuyên cung cấp nông sản “sạch” các loại, ngoài rau VietGap, GlobalGap còn bán RHC với giá cao ngất ngưởng. Ví dụ, cà chua, xà lách “hữu cơ” giá từ 70.000 - 150.000đ/kg, trong khi giá cà chua, xà lách hiện nay chỉ vài chục ngàn mỗi ký. Củ dền “hữu cơ” có giá hơn 80.000đ/kg, cao gấp tám lần so với giá củ dền trồng theo phương pháp thông thường… Người bán cho rằng, vì rau được trồng trong nhà kính, không dùng chất hóa học, năng suất thấp, chi phí cao nên phải bán giá cao.

Tìm hiểu một cửa hàng tại Q.2, TP.HCM - nơi phân phối RHC do một đơn vị tại Đà Lạt sản xuất, chúng tôi được biết, chủng loại RHC dù có nhiều (trên 150 loại), nhưng hiện cửa hàng này có chưa đến 10 sản phẩm bày bán. Người bán hàng cho biết, thời điểm nhiều hàng nhất cũng chỉ có trên 20 loại RHC chứ không có đủ hết các chủng loại, do sâu bệnh, trồng không hiệu quả. Theo nhân viên này, những nơi quảng cáo, chào bán đủ chủng loại RHC thì khả năng rau bị trà trộn là rất cao. Ông Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM khẳng định, tại TP.HCM chưa có đơn vị nào sản xuất RHC. “NTD rất khó phân biệt RHC với loại rau khác, chỉ có thể phân biệt dựa vào dấu xác nhận trên nhãn sản phẩm”, ông Tiến nói.

Rau huu co: That gia lan lon

Rau huu co: That gia lan lon

Các đơn vị sản xuất rau tại Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, nhu cầu sử dụng RHC chủ yếu ở một bộ phận NTD có thu nhập cao. Hiện Việt Nam không có cơ quan chức năng nào xác nhận về RHC mà phải do tổ chức nước ngoài thực hiện nên chi phí chứng nhận rất cao. Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thỏ Việt (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho rằng: “Dù hướng đến sản xuất rau đạt tiêu chuẩn RHC, nhưng HTX cũng chỉ cung ứng theo phương thức bán trực tiếp tại vườn để thăm dò thị trường trước khi đi đến quyết định chứng nhận nhãn sản phẩm RHC phân phối rộng rãi ra thị trường”. Chủ nhiệm một HTX chuyên trồng rau sạch tại huyện Hóc Môn, TP.HCM đánh giá, thông tin về sản phẩm RHC còn hạn chế, NTD chưa phân biệt được RHC với rau thông thường nên dễ bị mua nhầm. Mặt khác, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá RHC chưa được mở rộng và phát triển; mạng lưới kinh doanh RHC còn thiếu, ít đơn vị mạnh dạn đầu tư sản xuất.

 Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI