Phụ gia thực phẩm bán tràn lan, dùng bừa bãi

18/12/2018 - 06:00

PNO - Một chuyên gia thực phẩm cho biết, các tiểu thương đang bán màu thực phẩm lẫn màu công nghiệp, vốn được dùng tạo màu trong dệt nhuộm.

Mới đây chị Ng.T.H. - ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM - phải nhập viện cấp cứu do ăn hủ tíu có bỏ “siêu bột ngọt” lẫn đường hóa học. “Siêu bột ngọt” là phụ gia thực phẩm có hại cho sức khỏe, có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng người dùng. 

Tại TP.HCM, phụ gia thực phẩm không chỉ được bán ở các cửa hàng hóa chất hoặc các sạp chuyên kinh doanh phụ gia, hương liệu tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) mà đang được bán tràn lan tại các tiệm tạp hóa.

Phu gia thuc pham ban tran lan, dung bua bai
Đường siêu ngọt, “siêu bột ngọt” được bán tràn lan tại các chợ, ai cũng có thể mua được

Điều đáng nói là ngay cả người bán cũng không hiểu loại mình đang bán là phụ gia có hại. Tại chợ Thái Bình (Q.1), Bình Tây (Q.6), tiểu thương giới thiệu với chúng tôi loại bột ngọt được cho là nhập từ Thái Lan, bên ngoài chỉ có dòng chữ I+G Fujimori với giá khá đắt 185.000 đồng/kg.

Khi được hỏi, tiểu thương chỉ biết đây là bột ngọt ngoại, vị ngọt y như thịt xương hầm, nếu kinh doanh ăn uống thì nên mua loại này để có lãi. Trong khi đó, đây thực ra là “siêu bột ngọt” - chất điều vị có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, cần được quản lý nghiêm ngặt và dùng với liều lượng cho phép.

Bột màu cũng là một loại phụ gia thực phẩm phổ biến, được bán khắp các cửa hàng tạp hóa. Tại chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM) có 5 điểm bán, chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM) có 3 điểm bán. 

Đa phần các sản phẩm đều không có nhãn mác, một số thì trên bao bì có tờ giấy ghi sơ sài: phụ gia thực phẩm, màu Mỹ Hòa, hạn sử dụng 4 năm. Xem những gói bột màu này, một chuyên gia thực phẩm cho biết, các tiểu thương đang bán màu thực phẩm lẫn màu công nghiệp, vốn được dùng tạo màu trong dệt nhuộm. 

Tại sạp A.H. ở chợ Kim Biên, Q.5, TP.HCM, chúng tôi đang hỏi mua về bột màu, được người bán gợi ý mua “đường siêu ngọt” về nấu nước sâm, mía lau, giá 350.000 đồng/kg. Xem bao bì sản phẩm, chúng tôi chỉ thấy toàn chữ Trung Quốc, không hề có nhãn phụ, trong khi đây là loại đường aspartame, nếu dùng quá liều sẽ gây hại cho gan, thận; hiện một số nước như Mỹ, Nhật đã cấm dùng. 

Không chỉ tại các chợ, cửa hàng mà ngay cả công ty chuyên sản xuất, kinh doanh hóa chất cũng buôn bán phụ gia thực phẩm. Sau khi xem sản phẩm chất bảo quản thực phẩm Nata-MU do chúng tôi mua tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hóa chất Việt Mỹ (Q.8, TP.HCM), Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khẳng định, sản phẩm này chưa đăng ký với Bộ Y tế, cách ghi nhãn hàng hóa gây ngộ nhận cho người sử dụng là “an toàn”, “tự nhiên”, sai về hỗn hợp, thành phần và cũng không ghi thành phần trên nhãn hàng hóa. 

Tình trạng buôn bán phụ gia thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan. Theo ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, các vi phạm xảy ra trong lĩnh vực phụ gia, hóa chất ở TP.HCM hiện nay chủ yếu là buôn bán hàng nhập lậu, kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc, ghi sai nhãn hàng hóa nhập khẩu, trộn phụ gia, hóa chất bán cho khách hàng trái với quy định cho phép.

Việc kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn do tính chất đặc thù của các loại phụ gia này. Nhiều loại có trọng lượng nhỏ, có loại không mùi vị, đa dạng chủng loại, tồn tại nhiều dạng khác nhau nên dễ trà trộn vào các loại hàng hóa khác.

Các điểm bán thường chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa để qua mặt lực lượng chức năng. Có những vụ bắt được đối tượng mang phụ gia thực phẩm độc hại nhưng lực lượng chức năng phải mất nhiều thời gian giám định, xác định nằm trong danh mục chất cấm mới xử lý được. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI