Phép giải cho bài toán kinh tế TP.HCM

05/07/2017 - 15:00

PNO - Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa IX gây sốt nóng nghị trường là bàn về chất lượng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà cốt lõi là tìm phép giải cho bài toán kinh tế TP.HCM.

Trong số nội dung mong đợi đó, những giải pháp mạnh để cải cách cơ chế, huy động nguồn vốn trong dân là những vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cho biết: “Chất lượng tăng trưởng kinh tế TP chưa bền vững”. Chính điều này đã buộc TP phải tiếp tục tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính - thu hút đầu tư tư nhân  

Nếu nói rằng, quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với cán bộ nhà nước (thuế, hải quan, quản lý thị trường…) chủ yếu là quan hệ “dấm dúi”, “bôi trơn”… có lẽ cũng không quá, bởi trên thực tế điều này gần như là vậy.

Các cuộc đối thoại “Hải quan với DN”, “Ngành thuế với DN” vẫn đều đặn diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó nhiều ý kiến, phản ánh của cộng đồng DN TP.HCM đã được ghi nhận và giải đáp trực tiếp tại các cuộc đối thoại. Nhưng rồi, đâu vẫn hoàn đấy!  

Cơ chế nhiều cửa còn tồn tại được cho là “thủ phạm chính” của câu chuyện không có hồi kết này. Tuy nhiên, nói như Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh: “Để có chính phủ liêm chính thì DN cũng phải liêm chính”. Nói cách khác, khi cán bộ nhà nước còn “vòi vĩnh” thì DN khó mà liêm chính. DN cũng có lỗi trong việc này.

Bàn về vấn đề này, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 23/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “TP.HCM phải dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính, cơ chế một cửa. Thành phố phải nằm trong 5 địa phương có chỉ số cạnh tranh tốt nhất, là nơi thu hút đầu tư nước ngoài cao hơn cả nước, cần tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư tư nhân”.

Phep giai cho bai toan kinh te TP.HCM
Thủ tục hải quan cải cách, cơ chế một cửa được doanh nghiêp hưởng ứng. Ảnh minh họa.

Khái niệm “đầu tư tư nhân” được nhắc đi nhắc lại nhiều năm gần đây để muốn tái khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Song nếu thiếu một cơ chế minh bạch, thông suốt thì lực lượng kinh tế này sẽ khó sống sót, như vậy thì còn nói gì đến việc giải phóng nội lực, tạo sự bứt phá cho nền kinh tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Đây cũng là phản ứng dây chuyền: hành chính nhũng nhiễu - môi trường đầu tư kém - DN khó sống sót - đồng vốn không khai thông - nền kinh tế ì ạch. Do đó, giải quyết dứt điểm tình trạng rối rắm, nhũng nhiễu của cơ chế hành chính là một yêu cầu tiên quyết để tạo sức bật cho nền kinh tế TP. Tiếp theo, TP.HCM cần có những chiến lược tiến tới khai thông nguồn vốn trong dân vì một nền kinh tế thị trường phát triển nhanh, mạnh và bền vững không thể thiếu thành tố VỐN, thậm chí cần có rất nhiều vốn. 

Đột phá mới khai thông nguồn vốn tự do 

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng vốn đầu tư trên địa bàn sáu tháng đầu năm ước thực hiện 136.990 tỷ đồng, tăng 9,5%. Đặc biệt, năm này là năm thị trường bất động sản phục hồi, tăng mạnh nên nguồn vốn tập trung vào đây cũng tăng mạnh cả trong và ngoài nước; trong đó nguồn vốn cho vay đầu tư trung và dài hạn trong các ngân hàng thương mại rất lớn…

“Trong suốt nhiều năm qua, để giải bài toán kép vừa ổn định tiền tệ vừa hỗ trợ tăng trưởng quốc gia luôn là vấn đề khó khăn. Bởi vì chính sách tiền tệ của Việt Nam phải gánh vác nhiều mục tiêu như ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát, đồng thời hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng”.

TS. Đinh Thế Hiển

Trong khi đó, kế hoạch vốn vay ODA năm 2017 thấp hơn năm trước, chỉ bằng 6,7%. Cụ thể: kế hoạch vốn (đợt 1) cho 10 dự án có vốn ODA được phân bổ với tổng vốn 258,5 tỷ đồng, tập trung ưu tiên và các dự án cầu, đường, thoát nước, nước sạch. Sáu tháng đầu năm 2017, ước tính khối lượng thực hiện 160,5 tỷ đồng, so với kế hoạch chỉ đạt 62,1%.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia phân tích tài chính và bất động sản TS Đinh Thế Hiển, cho biết: “Trong suốt nhiều năm qua, để giải bài toán kép vừa ổn định tiền tệ vừa hỗ trợ tăng trưởng quốc gia luôn là vấn đề khó khăn. Bởi vì chính sách tiền tệ của Việt Nam phải gánh vác nhiều mục tiêu như ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát, đồng thời hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng”.

Thị trường tài chính Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng có những bước phát triển khá tốt trong các năm gần đây, điển hình là thị trường chứng khoán 2016 đã phát triển khá vững chắc, vượt qua những biến động trên thế giới.

Phep giai cho bai toan kinh te TP.HCM
Nếu thiếu một cơ chế minh bạch, thông suốt thì lực lượng kinh tế tư nhân sẽ khó sống sót. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, thị trường vốn vẫn chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ trong việc thu hút nguồn vốn dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại, các định chế tài chính còn yếu kém mặc dù ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, kể cả ngắn hạn và đầu tư dài hạn. 

Về nguồn vốn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế huy động vốn hiện nay khó đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển TP.HCM. Nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng của TP.HCM là rất lớn, chỉ riêng hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2023 đã cần khoản 1 triệu tỷ đồng, tương đương 44 tỷ USD. 

Còn theo Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM thì từ các năm 2016-2020 nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư vào khoảng 310.000 tỷ đồng; trong đó vốn cho công trình trọng điểm hạ tầng là 215.000 tỷ đồng. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư này, cần có nhiều nguồn vốn từ vốn đầu tư nhà nước cho đến vốn huy động trong ngoài nước. Tuy nhiên với tình hình thị trường tài chính hiện nay sẽ rất khó huy động đủ nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Phương thức hợp tác công tư (PPP) được trông đợi nhưng hiện nay khó thu hút nhà đầu tư đủ năng lực tài chính. PPP được xem là mô hình chính trong việc đầu tư hạ tầng giao thông sắp tới, mà theo Sở KH&ĐT thì vốn đầu tư khoảng 137.000 tỷ, trong đó nhà nước tham gia 38.000 tỷ.

Tuy nhiên, để tham gia các dự án PPP phải là những công ty có vốn lớn và dài hạn, còn nếu tham gia bằng việc vay ngân hàng như công ty CII hay Trung Nam Group hiện nay thì không thật sự phù hợp, vừa tăng áp lực vốn lên các NHTM, vừa tăng chi phí dự án tạo gánh nặng cho DN và người dân.

Trong sáu tháng đầu năm 2017, kinh tế TP.HCM có phần sáng hơn với các chỉ số đều đạt và vượt kế hoạch so cùng kỳ

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,51% (cùng kỳ tăng 6,9%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,2% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 136.990 tỷ đồng, tăng 9,5%. 
Số doanh nghiệp trong nước thành lập mới tăng 11% về số và 71,2% về vốn đăng ký. 
Tổng vốn dự án FDI cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần đạt 2.243,6 triệu USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ. 
Tín dụng tăng 9,14% so cuối năm 2016 (cùng kỳ tăng 5,9%). 
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sáu tháng đầu năm 2017 ước tăng 7,76% (cùng kỳ tăng 7,47%).
Thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 173.369 tỷ đồng, đạt 49,84% dự toán và tăng 17,67% so cùng kỳ.
 

 
Thứ nhất, thành lập quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động theo mô hình “Quỹ đầu tư chuyên nghiệp” với mục đích huy động vốn chuyên đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. 

Thứ hai, giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các công ty BHNT, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ mở tham gia mua trái phiếu dự án đầu tư hạ tầng thành phố. Nguồn vốn từ các định chế tài chính này ngày càng lớn, thu hút vốn của người dân, phù hợp với sự phát triển thị trường vốn.

Thứ ba, miễn giảm thuế TNDN của các định chế tài chính này mà thực chất là miễn giảm cho người dân tham gia vào dự án phát triển hạ tầng thành phố; qua đó sẽ tăng thu hút vốn người dân một cách tự nhiên theo các kênh tài chính hiện đại (theo ước tính nguồn vốn trong dân tại TP.HCM có thể lên đến 50 tỷ USD). 

Cuối cùng, cho phép TP.HCM giữ lại một phần hoặc toàn bộ nguồn thu tăng thêm so với kế hoạch.

Kinh tế TP.HCM - đầu tàu kinh tế cả nước, là tiền đề quan trọng, là “cú hích” thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Để làm được như vậy, TP.HCM cần có nhiều chính sách, chương trình hành động về cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kịp thời thị trường bất động sản, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, định hướng phát triển các ngành dịch vụ đã và đang có sức lan tỏa cao. 

Xuân Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI