Online Friday có thu hút người tiêu dùng?

05/12/2019 - 06:30

PNO - “Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12, kể từ năm 2014. Năm nay, sự kiện này diễn ra ngày 6/12.

Ngại giảm giá “khủng” nhưng ảo

Nghe thông tin có tới 50.000 mặt hàng giảm giá với mức giảm cao nhất lên đến 70% trong “Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday”, nhiều chị em tỏ ra háo hức, hy vọng sẽ mua được những món hàng giá “hời” vào ngày này, nhưng cũng không ít người lo ngại về giá cả, chất lượng khi mua hàng qua mạng. 

Chị Thanh Hà (Q.5, TP.HCM) cho biết, trong ngày mua sắm trực tuyến năm ngoái, con chị thích một cái ống nhòm, thấy giá bán giảm 50%, chỉ còn 200.000 đồng/cái, chị đã chọn mua. Khi nhận hàng, chị chưng hửng khi chiếc ống nhòm bé tẹo như ngón tay cái, không đúng kích cỡ và tầm nhìn xa như quảng cáo.

“Mua phải chiếc ống nhòm không dùng được, tôi đã bực, lại còn bực hơn khi ra nhà sách, có cái ống nhòm tương tự, giá niêm yết cũng chỉ 210.000 đồng. Như vậy, mức giảm 50% là do nơi bán tự thổi giá lên rồi rao giảm giá. Online Friday năm nay, dù mức giá giảm nhiều đến mấy, tôi cũng không mua hàng qua mạng nữa” - chị Hà nói. 

Ngoài chất lượng, giá cả hàng hóa thì khâu bảo hành, đổi trả sản phẩm (SP) cũng là vấn đề đáng quan tâm. Từng gặp nhiều phiền toái khi mua hàng qua mạng, anh Hiếu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng, không nên thấy giá giảm nhiều mà ham. Theo anh, cần kiểm tra, so sánh giá SP ở nhiều trang bán hàng khác nhau, có khi cùng một SP mà giá chênh nhau gấp đôi. 

Theo anh Hiếu, dù là chương trình mua sắm trực tuyến có quy mô lớn, do cơ quan nhà nước tổ chức, điều quan trọng vẫn là uy tín, sự đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ của nơi bán. Nếu ban tổ chức chương trình không thẩm định, kiểm tra, kiểm soát chặt thì quyền lợi của người tiêu dùng khó đảm bảo khi mua sắm trong ngày này.

Ngoài nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa, người mua cần yêu cầu nơi bán xuất hóa đơn, phiếu bảo hành SP để có cơ sở khiếu nại khi có vấn đề xảy ra. Đặc biệt, khi mua tour du lịch giảm giá, thông tin giới thiệu ghi “bao gồm ba bữa ăn, ở khách sạn 3 sao”, khách hàng phải tìm hiểu rõ chất lượng bữa ăn thế nào, khách sạn ở trung tâm hay ngoại ô và xem mức giá để tránh bị “hớ”. 

Online Friday co thu hut nguoi tieu dung?
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về nguồn gốc, chất lượng, giá cả sản phẩm trước khi quyết định mua hàng

Thông tin từ ban tổ chức chương trình, Online Friday năm nay có sự tham gia của hơn 1.000 thương hiệu với 50.000 mặt hàng giảm giá, trong đó nhiều mặt hàng có mức giá giảm đến 70%. Người tiêu dùng có thể trải nghiệm thương mại điện tử (TMĐT) với các hoạt động diễn ra tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Xét về quy mô, đây là một chương trình mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm và đã diễn ra trong 5 năm liên tiếp. Thế nhưng, khi được hỏi, nhiều người vẫn chưa biết đến chương trình này; một số người có biết nhưng không quan tâm lắm và không có ý định mua gì vì đã chi hầu bao mua sắm trong đợt giảm giá “khủng” dịp Black Friday vừa qua.

Kiểm soát kỹ hơn chất lượng hàng hóa 

Theo ban tổ chức, trong chương trình Online Friday năm nay, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn TMĐT tại Việt Nam sẽ chính thức được khai trương và vận hành. Theo đó, SP Việt sẽ có một gian hàng chung tập trung các mặt hàng tiêu biểu cho Việt Nam. Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - cho biết: “Gian hàng quốc gia Việt Nam hội tụ các mặt hàng tiêu biểu cho Việt Nam, với chất lượng tốt nhất, công nghệ mới nhất và cũng tập trung tất cả dịch vụ tốt nhất cho gian hàng này để tiêu thụ trên kênh TMĐT tốt nhất”.

Cũng trong chương trình, hình thức mua hàng bằng voucher điện tử sẽ được áp dụng, người tiêu dùng có thể săn voucher giảm giá trước và thanh toán tiền mua hàng trên website vào ngày 6/12. Ông Hải nhấn mạnh, một trong những tiêu chí quan trọng là hàng hóa bán trên các trang TMĐT trong “Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2019” phải đảm bảo về chất lượng, là hàng chính hãng, có xuất xứ rõ ràng.

Các doanh nghiệp tham gia Online Friday 2019 sẽ đăng ký online trên website của chương trình, ban tổ chức có quy trình kiểm duyệt website, doanh nghiệp và hàng hóa, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp chứng từ, chứng nhận hàng chính hãng hay hàng nhập khẩu. 

“Doanh nghiệp phải cam kết và tuân thủ mọi quy định của ban tổ chức về kiểm soát chất lượng hàng hóa từ khâu đầu vào cho tới khi đến tay khách hàng. Khi gặp vấn đề gì, người mua hàng có thể gửi phản hồi về ban tổ chức; nếu hàng hóa của doanh nghiệp có vấn đề thì toàn bộ hàng hóa sẽ bị gỡ khỏi chương trình và sàn TMĐT sẽ phải làm việc với đơn vị bán để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Với hình thức săn voucher giảm giá để mua hàng trên các trang TMĐT tham gia chương trình, nếu người tiêu dùng chưa kịp sử dụng voucher mua sắm trong ngày Online Friday, có thể được hoàn trả tiền cọc mà một số nơi yêu cầu đặt cọc trước, hoặc vẫn có thể mua hàng sau đó” - ông Hải giải thích thêm.

Đại diện ban tổ chức thừa nhận, từng phát hiện một số đơn vị bán hàng nhái, giả trong các chương trình Online Friday trước đây và năm nay sẽ quản lý chặt các đơn vị tham gia, buộc các nhà cung cấp hàng hóa phải có trách nhiệm tương tác với khách hàng, giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh. Điểm khác biệt so với năm trước là năm nay, chỉ những đơn vị bán hàng có uy tín mới được tham gia chương trình chứ không cho đăng ký tràn lan, đồng thời yêu cầu nhà cung cấp sau khi giao hàng cho khách, phải theo dõi phản hồi của khách hàng và giải quyết thỏa đáng. 

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - người tiêu dùng thường tham khảo, so sánh giá và mua hàng chính hãng nên Online Friday là dịp để các nhà sản xuất, doanh nghiệp khẳng định thương hiệu của mình. Chương trình này là kênh để khách hàng nhận diện thương hiệu, chất lượng, giá cả SP rõ hơn. Online Friday thường niên là “cú hích” để dần tạo được thị trường mua sắm trực tuyến minh bạch, sôi động với điều kiện hàng hóa chính hãng, giá rẻ thực sự. 

Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu , các đơn vị sản xuất khi tham gia chương trình chắc chắn phải đăng ký giá SP, mức giá khuyến mãi với Sở Công thương và họ không thể nâng giá gốc lên rồi rao giảm, đánh lừa người tiêu dùng. Với trường hợp mua hàng thông qua các đơn vị phân phối, đại lý, cửa hàng tham gia chương trình, người mua cần tìm hiểu kỹ chất lượng SP, dịch vụ, mức giảm giá thực hay ảo. Nếu phát hiện đơn vị nào bán hàng nhái, hàng giảm giá ảo, khách hàng nên báo ngay với nhà sản xuất, ban tổ chức để xử lý kịp thời. Dù không mua hàng dịp này, người tiêu dùng cũng có thể xem Online Friday là kênh để kiểm chứng, so sánh giá cả SP, dịch vụ để tránh bị mua lầm SP ở những dịp khác.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI