Ở đâu có người châu Á, ở đó có trà sữa

04/03/2018 - 11:00

PNO - Một chiều thứ Bảy nào đó, dù nỗi buồn gọi tên, ta không thể khóc bên một ly trà sữa phủ đầy topping ngon lành.

Có lẽ với nhiều người, rượu ngon sẽ làm lòng nhẹ nhõm hơn nhưng với các cô gái, một ly trà sữa cũng ngọt ngào không kém mà tác dụng thật tuyệt vời.

Vì sao người ta mê trà?

Trà vối, trà sen, trà lài… các loại trà người lớn tuổi thường nghĩ đến khi tết đến, xuân về không phải là niềm đam mê bất tận của các bạn trẻ 9x, 10x. Trà sữa là một loại trà khác hơn, với sự kết hợp giữa trà và vô vàn loại trân châu, thạch; đủ màu sắc, mùi vị, thưởng thức trong không gian tươi tắn, nơi người ta có thể lướt web thoải mái, tám chuyện suốt ngày và hẹn hò hội bạn.

O dau co nguoi chau A, o do co tra sua
 

Có dạo, Facebook gây xôn xao vì câu hỏi: “Tại sao các bạn trẻ chưa đi làm mà có thể uống một ly trà sữa đến 50.000 – 60.000 đồng?”.

Có lẽ câu trả lời không phải chỉ vì mùi vị quyến rũ của một loại thức uống hội tụ đủ các vị: ngọt, thơm, béo mà còn do cảm giác nó mang đến: đi kịp thời đại, tính sành điệu mà những tấm hình long lanh với món uống này khi chúng ta đăng, được bạn bè nhấn nút like và share trên những trang mạng xã hội.

Tại sao bạn mê trà, hay vị ngọt ngào ấy an ủi cho những giấc mơ tuổi trẻ chưa chạm tới, những nỗi buồn mong manh theo cùng các ước vọng hãy còn xa?

Tên gọi trà sữa là cách nói phổ biến ở Việt Nam, nhưng với bạn bè trên thế giới thì Bubble Tea mới là tên gọi chính xác để chỉ loại trà có nhiều hương vị pha với sữa, kem và nhiều loại topping. Nếu bạn nói Milk Tea thì đơn giản đó chỉ là sữa thêm vào trà, một thức uống không xa lạ gì với các dân tộc trên thế giới từ những ngày xưa rất xưa.

Từ bubble tea Việt Nam

Cách nay mười mấy năm, lứa học sinh trung học thời đó đã bắt đầu làm quen với các loại trà sữa bình dân, là sự kết hợp từ sữa đặc với trà, Milo hay rau câu đủ màu sắc.

Có lẽ cảnh tượng mỗi buổi tan trường bạn bè tụ tập trong quán trà sữa quanh khu vực trường học, tíu tít trò chuyện là ấn tượng đẹp trong ký ức không ít học sinh 8x đời cuối, 9x đời đầu. Giá cả các loại trà này cũng rất mềm, dễ chịu vì với chút tiền quà vặt mỗi ngày, bạn dễ dàng có thức uống hợp khẩu vị, xua tan cái nóng và mệt mỏi cả ngày dài học tập.

Đến khoảng những năm 2000, thị trường trà sữa Việt Nam xuất hiện những thương hiệu trà lớn từ Đài Loan với nhiều sự kết hợp độc đáo. Cũng từ đây, người ta bắt đầu quen dần với hình ảnh các bạn trẻ xếp hàng dài dằng dặc để mua một ly trà với giá cao ngất ngưởng của các thương hiệu G hay K.

Bây giờ, đường đi bộ Nguyễn Huệ đã có thêm cái tên thân mật: Phố trà sữa, khi nhà nhà bán trà sữa, người người bán trà sữa, mà quán sau đẹp hơn, long lanh hơn và khuyến mãi nhiều hơn. Tất nhiên quán nào cũng chật cứng chỗ ngồi mỗi cuối tuần.

Ngược về quê hương của bubble tea - Đài Loan

Có khi nào bạn tự hỏi, ly trà sữa xứ mình có đúng như bản gốc của nó hay không?
Chẳng khó khăn để tìm thấy những nơi bán trà sữa ở tất cả các thành phố lớn của Đài Loan, từ Đài Nam, Đài Bắc đến Đài Trung.

Các siêu thị cũng ngập tràn các loại trà, trà sữa đóng gói bên cạnh các loại trân châu đủ vị. Còn trên những phố đi bộ như Tây Môn Đình - Đài Bắc hay chợ đêm cuối tuần Hoa Viên ở Đài Nam thì từ đầu phố đến cuối phố, mùi trà thơm phức luôn mời gọi. 

Những cửa hiệu đầy ắp các loại trà độc, lạ mời bạn nếm thử làm vị giác của bạn đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Điều này khiến người mê trà hoàn toàn choáng ngợp, thậm chí lạc lối giữa ma trận trà. Thế nhưng, thưởng thức trà ở những cửa hiệu trà nổi tiếng thơm ngon vẫn là lựa chọn sáng suốt và hấp dẫn hơn.

O dau co nguoi chau A, o do co tra sua
 

Vậy những thương hiệu trà nổi tiếng ở Việt Nam có đình đám tại Đài Loan không? Câu trả lời là không. Mùi vị trà ra sao, có giống không? Cũng không. Giá cả thì sao? À, phải nói là rẻ hơn rất nhiều. Nhưng bù lại các tiệm trà ở đây lại không được trang trí bắt mắt, hoành tráng, bạn không thể lướt wifi thỏa thích hay ngồi tán gẫu suốt ngày.

Trà sữa Đài Loan thanh đạm, vị không ngọt, kem sữa cũng không béo ngậy như ở Việt Nam mà đậm đà vị trà. Nhấp một ngụm bạn cảm giác ngay được mùi trà chát nhẹ, kem sữa béo thơm, mà lựa chọn nóng hay đá cũng đáng để trải nghiệm.

Nếu bạn ra về mà vẫn còn nuối tiếc, muốn thưởng thức thêm hoặc muốn đem về làm quà cho người thân, ghé qua chuỗi cửa hàng tiện lợi dày đặc ở Đài Loan, có thể mua về những bình trà đóng chai ngon thơm mùi vị, bao bì cũng thật xinh xắn để làm món quà lưu niệm ngọt ngào.

Nếm trà sữa ở Đông Nam Á

Rhejel - một học sinh 15 tuổi tại thành phố Cagayan de Oro (Philippines) cho biết: “Em nghĩ trà sữa ở đây cũng như mọi nơi khác trên thế giới với rất nhiều thương hiệu khác nhau như Naicha, Chinkee, Sharetea, Tea time...

Giá một ly trà sữa trung bình từ 60-90 PHP (đơn vị tiền tệ của Philippines). Giá cả sẽ thay đổi nếu khách muốn dùng thêm topping như trân châu, thạch cà phê, thạch dừa, các loại pudding, kem hay bánh oreo, thạch sương sáo... Giá mỗi phần topping như vậy từ 5-20 PHP”.

Quả thật, trà sữa cũng là một món giải khát được yêu thích tại quốc gia này. Ba vị trà được ưa chuộng là vị dưa hấu với trân châu, trà sữa đường đen không thêm toppings và trà sữa mật ong với thạch dừa.  

Tại Myanmar, trà sữa thường chỉ dành cho trẻ em nên vị khá ngọt. Giá trà sữa ở Myanmar khá cao: từ 4-6 USD cho các phần combo đầy đủ topping nhưng bù lại, các cửa hiệu trà sữa khá đẹp và dịch vụ wifi đi kèm rất tốt. Các thương hiệu trà sữa thường gặp ở Myanmar là Gong Cha và Chattime.

Ở các quốc gia Đông Nam Á lân cận như Indonesia và Thái Lan, trà sữa cũng xuất hiện tại một số cửa hàng tiện lợi và quán ăn nhanh, nhưng chủng loại không phong phú, không được đầu tư quảng bá nhiều về thương hiệu. 

Châu Âu có uống trà sữa không?

Ở đâu có người châu Á, ở đó có trà sữa.

Tại Đức, trà sữa có trước năm 2017, từng rộ lên như một phong trào thức uống mới từ châu Á, nhưng sau đó vì các nghi vấn về nguồn gốc thực phẩm mà lắng xuống. Hiện nay, trào lưu ngày nào đã nổi trở lại với các quán trà sữa được đầu tư nghiêm túc ở các thành phố lớn như Berlin hay Leipzig.

Tuy nhiên, các quán trà sữa không phổ biến ở tất cả các thành phố. Về mùi vị, trà sữa ở châu Âu không quyến rũ bằng, chủng loại cũng không phong phú lắm và tất nhiên giá cả cao hơn ở Việt Nam.

Thế nhưng, số lượng khách hàng khá đông, kể cả người châu Âu và châu Á, vì trà có vị béo và người phương Tây thích các thức uống như vậy. Một ly trà lớn khoảng 4 Euro (tương đương 112.000 đồng).

Vậy nên giải pháp thường thấy của các du học sinh thèm trà sữa là mua trà đen ở siêu thị rồi về pha với sữa đặc, hoặc mua trà sữa dạng gói nhưng tất nhiên là không hấp dẫn bằng vì thiếu các loại topping.

Các thương hiệu phổ biến ở đây là Bobapop, Comebuy và Teamate. Mỗi thương hiệu đều có những đặc trưng riêng. Ở các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển, trà sữa với topping chưa xuất hiện. Nhưng việc pha trà với sữa, thêm whipping cream (kem béo), phủ kẹo dẻo ăn cùng các loại bánh ngọt là món tráng miệng được yêu thích, vì nguồn năng lượng chúng cung cấp phù hợp để chống chọi với khí hậu lạnh nơi đây.

Ở Mỹ có trà sữa không?
Trà sữa đến Mỹ cùng với những người châu Á và hiện ngày càng phổ biến. Các cửa hiệu bán trà trang trí rất đẹp, chủng loại trà đa dạng và giá từ 4-5 USD/ly.

Qua Canada
Tại xứ sở này, trà sữa vẫn rất phổ biến với du học sinh châu Á. Các loại trà nơi đây phong phú, nhiều hương vị. Ta có thể bắt gặp không ít các cuộc hội họp liên hoan của du học sinh quốc tế tại các quán trà sữa.

Dù khí hậu lạnh, những người châu Á yêu trà sữa vẫn thích trà lạnh (có đá viên). Tuy nhiên, các quán trà sữa ở Canada có quy mô nhỏ hơn tại Việt Nam, vì người mua thường thích mang đi hơn là uống tại chỗ. 

Bây giờ, sau khi theo chân món thức uống thú vị này chu du khắp thế giới, bạn đã mệt chưa, để tôi mời bạn một ly trà sữa nhé!

 Mai Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI