Nước tẩy rửa - coi chừng tẩy cả… da!

17/11/2017 - 10:30

PNO - Ham giá rẻ, nhiều người đang chuộng mua nước tẩy rửa không nhãn mác hoặc gắn mác “nhà làm” có tính tẩy rửa mạnh và hậu quả là “được” tẩy đến… bỏng nặng!

Ham giá rẻ, nhiều người đang chuộng mua  nước tẩy rửa không nhãn mác hoặc gắn mác “nhà làm”(?) có tính tẩy rửa mạnh và hậu quả là “được” tẩy đến… bỏng nặng! 

Mới đây, anh Phạm Văn V. (31 tuổi, TP.HCM) sử dụng nước tẩy rửa không nhãn mác, sơ ý bị bắn vào cằm, ngực và tay khiến anh bị bỏng sâu, phải vào Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu. 

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Trưng Vương, bệnh viện từng tiếp nhận không ít trường hợp bị bỏng tương tự, có trường hợp bỏng trọn phần mông do không dội rửa sạch nước tẩy rửa bám trên thành bồn cầu. 

Nuoc tay rua - coi chung tay ca… da!
Nước tẩy rửa không nhãn mác bán tràn lan

Vô tư sản xuất, buôn bán 

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chuộng sử dụng các loại nước tẩy rửa trôi nổi vì “giá chỉ bằng phân nửa loại có thương hiệu nhưng rất mạnh. Khách mua nhiều nhất là các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, nhà vệ sinh công cộng… dùng để tẩy bồn cầu, nhà vệ sinh, quần áo…” - một người bán cho biết. 

Đến bất kỳ chợ nào ở TP.HCM,  người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được các loại chai/thùng nhựa nước tẩy rửa đủ loại từ 1 đến 5 lít… có màu xanh nhạt, chỉ dán một mẩu giấy nhỏ xíu ghi “nước tẩy rửa”. 

Mặt hàng này hiện bán rất chạy, giá chỉ 7.000 đồng/lít, 22.000 đồng/5lít, trong khi giá của nước tẩy rửa có thương hiệu phải đến 14.500 đồng/lít. 

Từ thông tin của những người bán, chúng tôi tìm đến Công ty Phương Trâm, một đầu mối chuyên sản xuất, cung cấp các loại nước tẩy rửa tại chân cầu vượt đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM. Trước cửa cơ sở này treo tấm bảng quảng cáo: nước rửa chén 5.000 đồng/lít, nước tẩy 6.000 đồng/lít. 

Luật sư Lê Minh Trường - Giám đốc Công ty luật Minh Khuê, cho biết: người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh nước tẩy rửa phải có bằng đại học các ngành hóa chất. Nơi sản xuất phải có cán bộ chuyên trách quản lý an toàn hóa chất, lực lượng ứng phó tại chỗ và các trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; có giấy chứng nhận đăng ký sử dụng hóa chất độc hại; có đủ trang thiết bị kiểm tra chất lượng…

Tại đây sản xuất đủ loại nước tẩy rửa như tẩy quần áo, tẩy bồn cầu, nước lau sàn, nước lau bếp, nước giặt quần áo, nước lau kiếng, nước rửa xe hơi… Nơi sản xuất được bố trí phía sau nhà, cửa luôn đóng kín. 

Chốc chốc, một người phụ nữ từ khu sản xuất đi ra, chất lên kệ các bình loại 2-5 lít, có dán giấy phân loại, nhưng không có nhãn mác cho thấy sản phẩm đã được kiểm định và cho phép lưu thông trên thị trường. 

Ông chủ cơ sở này cho biết: “Tôi mua nguyên liệu tại chợ Kim Biên. Người bán hóa chất luôn sẵn sàng hướng dẫn công thức làm các loại nước tẩy rửa... Tôi phân phối sỉ khắp các chợ, muốn số lượng bao nhiêu cũng có nhưng phải đặt hàng trước”. 

Thực tế, nước tẩy rửa là hóa chất độc hại nên sản phẩm phải ghi rõ thành phần, lưu ý hoặc cảnh báo sử dụng; việc tự pha chế rồi rao bán là vi phạm quy định hiện hành; nhưng chẳng hiểu sao Công ty Phương Trâm vẫn công khai sản xuất - buôn bán… thoải mái. 

Nguy cơ rình rập

Các loại nước tẩy rửa này có nguy cơ gây hại rất lớn cho sức khỏe người dùng. TS Huỳnh Khánh Duy - khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách Khoa TP.HCM - cho biết, tùy thành phần sản xuất mà nước tẩy rửa có nguy cơ gây bỏng khác nhau. 

Cụ thể, nếu dùng sodium hydroxide để pha chế, nước tẩy rửa có thể gây bỏng da vì đây là chất ăn da rất mạnh. Nếu dùng chất ô-xy hóa thì chất khí chlorine sẽ gây ngạt thở, kích ứng niêm mạc hô hấp, đặc biệt nguy hiểm với những người có cơ địa mẫn cảm, bệnh tim mạch, hen suyễn…

Nước tẩy rửa còn chứa nhiều thành phần tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh khác như nếu dùng amoniac, thì chất này kết hợp với chlorine sẽ sinh ra chloramine, là một chất có nguy cơ gây ung thư. Chất tạo hương là hóa chất tổng hợp (các hợp chất thơm ngưng tụ đa vòng, chlorophenols, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi)… có thể gây kích ứng hô hấp hoặc ung thư. 

Một số chất hoạt động bề mặt có trong nước tẩy rửa cũng gây hại cho cơ thể, như alkylphenol ethoxylates có thể gây rối loạn nội tiết (đặc biệt nội tiết sinh dục). Các chất phụ gia, chất ổn định, chất giữ ẩm… như diethanolamine (DEA) và triethanolamine (TEA), 1,4-dioxane, butyl cellosolve (còn có tên ethylene glycol monobutyl ether) có thể gây ung thư, tổn thương não.

Sử dụng nước tẩy rửa trôi nổi trước mắt có thể gây bỏng hoặc để lại tác hại lâu dài cho cơ thể; người tiêu dùng phải cẩn trọng. 

Không chỉ mua nước tẩy rửa không nhãn mác về sử dụng, một số người còn mua hóa chất về nhà để tự pha chế nước tẩy rửa theo hướng dẫn trên các trang mạng. 

Hậu quả là đã có trường hợp bồn cầu tự phát nổ vì người dùng pha các loại nước tẩy rửa với nhau để tẩy bồn cầu. 

Trong các loại nước tẩy rửa kính thường chứa amoniac, khi kết hợp với nước tẩy, sẽ tạo ra chất chloramine, có thể tương tác với một số chất hóa học khác gây nổ. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI