Nông sản Việt những lát cắt buồn: Bán tháo… niềm tin VietGAP

04/12/2015 - 06:54

PNO - Rau sạch hay không sạch, "như nhau". Hồ hởi cho lắm với rau sạch để rồi bị bỏ như con rơi ngoài ý muốn, bị o ép đủ đường...

Trong bức tranh xám xịt về đầu ra của nông sản, khi các ngả đường làm ăn tử tế bị chặn, thì đâu chỉ phận rau như rác.

Sáng rau, chiều rác

Mấy ông ngồi trong quán cà phê ngã tư ấp Xoài Đôi (xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) ồ lên cười khi ông Phan Văn Ba trố mắt trả lời tôi: “Kiểm tra rau sạch bằng chi hả? Thì bằng… lưỡi”. Tôi nhớ ông Bộ trưởng Công thương trả lời tại phiên họp lần trước của Quốc hội về kiểm tra phân bón thiệt, giả, cũng nói y chang. “Có ông nào rảnh mà nằm ở vườn rau canh không? - ông Ba nói - Quy trình là bảy ngày trước khi thu hoạch không được phun thuốc, nhưng ví dụ ba ngày còn lại, sâu tấn công, anh phun thuốc không? Không phun thì rau xấu, tụt từ 3.000 xuống 1.000 đồng/ bó, anh chọn cách nào?

Làm rau sạch theo VietGAP, mất 30% vốn đầu tư, lại phải ký hợp đồng, giao kèo này nọ, giá không hơn người ta làm đại làm ẩu. Một tháng làm một tấn được hai triệu, trừ hết công cán, thuốc, giống, còn một triệu. Chưa kể, giá cả thất thường. Hàng xóm không làm rau sạch mà cũng lượm tiền như mình, thì mắc mớ gì mình gánh thêm khổ. Không tin, anh cứ hỏi ông Tư Lâu”.

Nong san Viet nhung lat cat buon: Ban thao… niem tin VietGAP
Biết ra nào "gáp" rau nào không...

Sáng sớm, rau đủ chủng loại được cắt để đưa về các chợ đầu mối TP.HCM. Nhìn màu xanh tươi non ngút ngàn, tôi chào thua, nào biết đâu là rau được làm theo chuẩn kỹ thuật, hay đội đất lên từ phân tăng trưởng, thuốc kích thích vô tội vạ. Ngồi giữa đống rau ngót đang còn đẫm sương, chị hàng xóm ông Tư Lâu trả lời nhát gừng, rằng bỏ làm VietGAP rồi. Phút ừ hử mệt mỏi của chị xem ra không là… đinh rỉ gì so với gương mặt âu sầu của ông Tư Lâu khi khách chạm đến những điều liên quan đến 5 năm ông làm chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Đồng Thuận (xã Long Trạch).

“Trăm sự là ở thị trường không quản được - ông lắc đầu - phát động làm rau sạch tại đây từ năm 2002, lãnh đạo dự phát biểu hứa hẹn đầu ra cho bà con, nhưng trống đánh xong thì liệng dùi. Tụi tôi chạy khắp nơi tìm người mua, được chăng hay chớ. Các siêu thị, công ty lớn đặt mua, thì thủ tục nhiêu khê. Nông dân muốn làm rau sạch thì phải vào HTX, với đầy đủ giấy tờ chứng nhận an toàn, rồi diện tích lớn, dụng cụ sơ chế, bồn rửa… Lúc hàng đắt thì họ mua, ế thì bỏ, bao nhiêu bực dọc, người dân trút hết lên đầu mình”, ông Tư Lâu chán nản nói.

“Tại đây có bao nhiêu hecta (ha) rau sạch?”, tôi hỏi. “Cả xã có 150ha rau, thì chừng 20-30 hộ tham gia với 12ha. Nhưng giờ bà con bỏ rồi. Đầu ra không có, lúc mua lúc không. Làm thứ này cũng ngán lắm, nếu xảy ra ngộ độc rau thì mình chịu hết chi phí cho nơi thu mua lẫn cho người bệnh”.

“Có tình trạng đánh tráo rau sạch và không sạch vào siêu thị không?”. “Có chứ. Ví dụ, hôm nay anh giao người ta một tấn, nhưng thiếu 100kg thì bị phạt vì hợp đồng đã ký, vậy lấy đâu ra mà không tìm nguồn khác bù vô? Kiểm dịch, kiểm tra thì lấy ngẫu nhiên, ba tháng một lần chứ không phải ngày nào cũng kiểm tra”.

“Nghĩa là ngó vô như ma trận, sạch hay không sạch như nhau?”. “Chứ gì nữa - ông dằn giọng - Còn giá bán, so với bên ngoài hơn chừng 5-7%, ràng buộc trong vòng một tuần, trong khi giá thị trường thì thay đổi từng ngày, thời gian sản xuất kéo dài, nên nông dân không ưng, họ còn nói làm chi cho mệt, người ta không trồng rau sạch nhưng bán có ế đâu!

Đơn vị thu mua cũng ăn chặn mình, ví dụ HTX tôi ký hợp đồng với các siêu thị trên thành phố, họ cầm giỏ rau lên phán, cái này đạt 93% thôi, giờ mình không bán thì chở về đổ bỏ. Rau, sáng không bán thì chiều thành rác! Thêm nữa, họ chịu thuế 10% VAT, nhưng thực ra chỉ chịu 5%, bởi ma mãnh bóp cổ mình, bắt phải chịu hỗ trợ phân phối 4% cùng 1% khuyến mãi. Tôi chán quá, vốn không có, đầu ra phập phù, nên bỏ thôi”.

Thăm thẳm, lộ trình từ lúc đặt cuốc xuống ruộng đến khi bày lên mâm ăn đĩa rau sạch của dân mình, chỉ có bóng người nông dân cô độc, chơ vơ đến nghiệt ngã. Đã vậy, đừng xỉa xói la rầy rằng sao miếng ăn ngày càng bất trắc. Ý nghĩ đó đến trong tôi khi đi qua những cánh đồng rau bạt ngàn, nhìn những nón lá nhấp nhô trên đồng nhòa trong gió và rau, như cái nhìn ngơ ngác của mấy bà đi chợ trước rừng rau, phân vân, chọn lựa, cuối cùng chép miệng “đành vậy”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI