Nông dân không nhúng thuốc, sao rau quả vẫn bị siêu thị phát hiện tồn dư?

23/07/2019 - 06:00

PNO - Khoảng cách giữa trang trại của nông dân đến các siêu thị không lớn nhưng vẫn có quá nhiều vấn đề khiến cả hai chưa có những hợp tác thực sự.

Nông sản bị vạ lây?

Rất nhiều nông dân, hợp tác xã gặp tình trạng là dù có nỗ lực sản xuất an toàn, có được nông sản sạch muốn bán vào những kênh phân phối hiện đại nhưng lại không thể bán trực tiếp mà qua các đại lý, thương lái. Việc phải qua các khâu trung gian khiến chất lượng sản phẩm của họ bị phù phép (nhúng thuốc ép chín, dùng chất bảo quản cho tươi lâu…) và dĩ nhiên không đạt yêu cầu kiểm soát của các siêu thị, cửa hàng.

Ông Nguyễn Hồng Nhanh, Giám đốc HTX Mỹ An (Đồng Tháp) cho hay, hiện tại còn tồn đọng vấn đề rất lớn đang làm đau khổ cho những người nông dân, khi mà các sản phẩm nông sản xuất ra đạt yêu cầu, nhưng khi tới siêu thị lại đánh giá không đạt.

Vấn đề không nằm hoàn toàn từ phía người nông dân mà nằm ở khâu thương lái thu mua. Ví dụ, đối với các loại trái cây như sầu riêng, mít khi trồng xong phân phối qua kênh thương lái mà không thể bán trực tiếp vào siêu thị. Trong quá trình vận chuyển, bảo quản, thương lái, các đại lý, doanh nghiệp đã “hô biến” sản phẩm bằng cách nhúng thuốc các loại rau trái. Đó là lý do vì sao sản phẩm đến siêu thị lại bị đánh rớt vì có dư lượng thuốc. Công lao của người trồng cũng... công cốc.

Nong dan khong nhung thuoc, sao rau qua van bi sieu thi phat hien ton du?
Nông dân, HTX "phủ nhận" việc nhúng thuốc sầu riêng, mít trước khi bán cho thương lái

Theo ông Nhanh, không chỉ riêng nông dân, mà đến lãnh đạo HTX vẫn đang rất mơ hồ về tiêu chuẩn chất lượng, quản lý chất lượng nông sản, hạn chế về việc tiếp cận thông tin về quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hoá đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op cho biết, hiện nay chuỗi bán lẻ của Saigon Co.op mỗi ngày tiêu thụ hơn 200 tấn rau củ quả các loại, nên nhà bán lẻ này rất mong muốn kết nối với các địa phương, HTX đã có vùng sản xuất ổn định, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay đối với các sản phẩm nông sản trong nước là vấn đề chất lượng nông sản không ổn định. Hạ tầng giao thông (logistics) và công nghệ bảo quản hạn chế khiến nông sản giảm chất lượng nhanh.

Ông Toàn cho rằng, việc loại bỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả hiện nay không khó. Chẳng hạn, đối với cây ăn trái khi phun thuốc có thể dùng bao ni lông để bao trái và không được phép phun thuốc ở thời điểm 2-3 tuần trước khi thu hoạch. Rất nhiều nhà vườn đã làm được điều này và rõ ràng sản phẩm được bán phổ biến ở siêu thị.

Tuy nhiên, đối với sầu riêng, hay mít siêu thị muốn bán sản phẩm của nông dân nhưng vấn đề nhúng thuốc vẫn không thể trông chờ vào sự tự giác của người trồng hay đại lý thu mua. Muốn kiểm soát được chất lượng của những loại quả này siêu thị sẽ phải đầu tư một đội ngũ với chi phí rất lớn.

Đối với nguồn hàng rau, một câu chuyện rất “buồn cười” khi nông dân không phun thuốc BVTV trước khi thu hoạch. Nhưng đến siêu thị mẫu test nhanh lại dương tính với thuốc BVTV. Khi làm việc với nông dân mới biết, lỗi không phải do thương lái mà do ruộng của họ nằm dưới gió của một hộ sản xuất khác nên vô tình bị phơi nhiễm thuốc trừ sâu,… Từ đó cho thấy quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ nên có tình trạng nông sản “vạ lây”.

Nong dan khong nhung thuoc, sao rau qua van bi sieu thi phat hien ton du?
Trái cây từ nhà vườn về đến các chợ đầu mối thường qua khá nhiều khâu trung gian

Đồng thời, riêng đối với trái cây trong nước vẫn đang chịu áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà với các quốc gia như: Thái Lan, Trung Quốc,… Để đảm bảo yếu tố đa dạng sản phẩm nên siêu thị không chỉ nhập trái nhiệt đới mà cả các loại trái cây ôn đới,… vì thế giá cả, chất lượng rất đang rất cạnh tranh.

Đại diện Saigon Co.op kiến nghị và kêu gọi người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, trái cây của Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn, đảm bảo việc duy trì cả về số lượng và chất lượng mà nhà phân phối đặt ra.

Muốn doanh nghiệp về ruộng

Ông Lê Minh Hoan, Bí Thư tỉnh uỷ Đồng Tháp cho rằng, để tạo ra chuỗi giá trị liên kết bền vững thì nông dân, HTX nông nghiệp và DN cùng ngồi lại với nhau, hỗ trợ, đầu tư cho nhau. Ngày nay nông dân muốn thay đổi nhưng vẫn gặp khó khăn nhất định về năng lực sản xuất, trình độ,… 

“Nên tôi rất mong muốn các DN đến ngay đồng ruộng để hỗ trợ cho bà con, nói cho bà con về nhu cầu thị trường, thậm chí đầu tư cho bà con, sau đó là nhận hàng hoá của bà con, từ đó nông dân tin rằng việc mình sản xuất sạch sẽ có đầu ra”, ông Hoan nói

Thực tế không phải đợi đến các doanh nghiệp, siêu thị khuyến nghị về kiểm soát chất lượng. Nhiều vùng trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có những hình thức kiểm soát khá độc đáo.

Ông Phạm Minh Cường, Giám đốc HTX chanh xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) chia sẻ, để giải quyết vấn đề đồng bộ chất lượng nông sản, hiện nay đơn vị ông đang áp dụng và khá thành công khi chia nhỏ nông dân trong HTX thành nhiều nhóm từ 4-5 hộ một nhóm, từ đó các hộ kiểm soát chéo chất lượng nông sản của nhau. Khi nông dân là những người sâu xác nhất với ruộng đồng, chất lượng của nông sản,…

 “Các nhóm cam kết với nhau, nếu 1 hộ trong nhóm 3 người, 5 người sản xuất mà có dư lượng thuốc trừ sâu thì cả nhóm đó sẽ bị loại, không lấy hàng nữa. Ngoài ra, khi mình thu vào nông sản của bà con giá tốt hơn thì bà con nông dân sẽ “đu” nhau sản xuất tốt”, ông Cường chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, để có đầu ra cho nông sản, cần phải thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân và HTX nông nghiệp.

Nong dan khong nhung thuoc, sao rau qua van bi sieu thi phat hien ton du?
Nhiều loại nông sản có tiêu chuẩn nhưng khi ra đến chợ đầu mối đều bị đánh đồng với các sản phẩm thông thường

Vấn đề đầu tiên là, nâng cao nhận thức tư duy sản xuất của bà con nông dân, HTX, khi muốn đưa sản phẩm vào siêu thị, hệ thống bán lẻ hoặc đáp ứng yêu cầu thị trường thì chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Phải xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo nhu cầu thường xuyên của thị trường, không để nhu cầu lớn lại thiếu hàng. Đồng thời, phải có bao bì mẫu mã, truy suất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường, muốn làm được điều này thì đòi hỏi tư duy sản xuất của HTX, nông dân phải thay đổi. Đặc biệt, tạo sự uy tín với DN, khách hàng và thị trường.

Theo Bí Thư tỉnh uỷ Đồng Tháp - Lê Minh Hoan,  HTX, nông dân, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất tập trung vào số lượng thay vào đó tập trung vào vấn đề chất lượng. Cụ thể, ông Hoan chỉ ra câu chuyện thực tế của nông sản Đồng Tháp nói riêng, hay ĐBSCL nói chung. Từ trước đến nay, định vị chung ĐBSCL là vựa lúa, vựa cá hay vựa trái cây của cả nước nên hình thành tư duy là giúp cho bà con tiêu thụ nông sản nhiều nhất có thể, bằng việc tăng năng xuất, tăng sản lượng, đồng nhất giữa sản lượng với lợi nhuận. Tuy nhiên, trên thị trường hiện tại chất lượng nông sản đầu ra, nhu cầu của thị trường được coi trọng hơn.

“Và chính vì thế câu chuyện giải cứu nông sản cũng xuất phát từ đó, chúng ta tạo ra nhiều nhưng không hình dung được quy luật cung cầu như thế nào. Chúng ta tập trung hỗ trợ sản xuất đầu vào, mà quên gần đầu ra mới quyết định đầu vào. Nếu chúng ta không tạo sự kết nối đầu ra chặt chẽ bền vũng, thế nên chúng ta sản xuất nhiều phải trả giá nhiều”, ông Hoan cho biết.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI