Nồi cơm tách đường tách luôn cả dinh dưỡng trong cơm

15/10/2019 - 06:30

PNO - Chưa biết nồi cơm tách đường có tách đường được hay không nhưng đã có nghiên cứu cho thấy, cơm nấu từ nồi cơm tách đường khiến nhiều chất dinh dưỡng mất gần hết.

Thời gian gần đây, sản phẩm nồi cơm tách đường được quảng cáo khá rầm rộ với công dụng chính là có khả năng tách/chiết đường ra khỏi gạo nên sản phẩm này an toàn cho những bệnh nhân tiểu đường hay những người có nguy cơ mắc tiểu đường, tim mạch, béo phì...

Nhờ cơ chế tách đường, còn hạn chế tác hại từ các loại tinh bột xấu (có tên Amylopectin- loại tinh bột hấp thụ nhanh được cho là nguyên nhân gây ra lượng đường trong máu, insulin và cholesterol) trong gạo, giúp người tiểu đường hạ đường huyết, phòng ngừa các bệnh về béo phì, tim mạch, tai biến… (?). Do số người mắc căn bệnh tiểu đường ngày một nhiều nên khi sản phẩm nồi cơm tách đường xuất hiện, với những quảng cáo về công dụng đánh trúng tâm lý người tiêu dùng khiến sản phẩm này được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và chọn mua.

Noi com tach duong tach luon ca dinh duong trong com
Cơ chế tách đường của một số sản phẩm nồi cơm đang được quảng cáo rầm rộ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản phẩm nồi cơm tách đường trên thị trường hiện nay hầu hết là các sản phẩm nhập khẩu có giá không hề rẻ, loại rẻ nhất cũng phải từ hơn 1 triệu đồng/chiếc, loại tốt hơn giá lên đến 4-5 triệu đồng/chiếc, có loại lên đến chục triệu đồng/sản phẩm. Giá cao hơn rất nhiều các sản phẩm nồi cơm điện thông thường, với đủ các thương hiệu như Tiross, Saiko, Ninosun, Nagakawa…

Khác với nồi cơm điện thông thường, nồi cơm tách đường có thêm một lớp ruột giống như một lớp vỉ có lỗ phía dưới để có thể lắng đọng xuống lớp ruột phía dưới của nồi.

Theo lý giải của các nhà phân phối sản phẩm này, nếu các loại nồi cơm điện thông thường sẽ cho ra cơm có chỉ số đường huyết cao rất cao do amylopectin trong gạo bị giữ lại toàn bộ.

Trong khi đó, nồi cơm tách đường “thông minh” hơn, dựa trên nguyên lý làm chính hạt gạo. Cụ thể, là quá trình gia nhiệt, nhiệt độ tăng dần giúp hạt cơm dần biến đổi từ hạt gạo sống được làm nóng, nở dần, chín… Quá trình tách đường diễn ra ở nhiệt độ sôi, lúc này amylopectin được là hòa tan trong nước cơm, nồi cơm sẽ tách phần nước có chứa amylopectin nhờ… hệ thống thoát nước thông minh và ngăn không cho amylopectin hấp thụ ngược vào cơm. Sau khi tách nước, cơm sẽ được nấu chín, cơm chín lúc này đã được loại bỏ các tinh bột xấu, đường (?).

Một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm thời gian gần đây đã liên tục lên tiếng “bóc mẽ” chiêu quảng cáo không khoa học này. Cụ thể, nếu quá việc tách đường, tách tinh bột xấu được hòa tan trong nước cơm thì đồng thời các chất dinh dưỡng, vitamin, tinh bột có lợi… cũng sẽ được hòa tan và cũng sẽ bị tách khỏi cơm.

Viện Công nghệ sinh học và công nghiệp thực phẩm công bố trên một số phương tiện truyền thông mới đây cho thấy, lượng vitamin B1 trong cơm được nấu trong những nồi cơm tách đường đã bị mất đi tới 83%. Như vậy, đồng nghĩa với việc tác đường thì loại nồi cơm này đã làm tiêu biến rất nhiều các dưỡng chất khác có trong cơm.

Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả mía được xem là loại cây có tỷ lệ đường rất cao nhưng cũng chỉ đến 10-12%, trong khi đó, tỉ lệ đường trong gạo chỉ khoảng 1%, mức này không thực sự đáng lo cho những người có nguy cơ mắc tiểu đường. Trong khi đó, quá trình chắt nước để lọc đường ra khỏi cơm đã đồng thời lọc đi một lượng lớn các chất dinh dưỡng trong gạo.

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI