Những nẻo đường gia công

17/08/2013 - 14:20

PNO - PN - Tình trạng các đơn vị đặt hàng gia công hiện khá phổ biến ở những ngành hàng may mặc, tiêu dùng nhanh…Vấn đề đặt ra là việc quản lý, kiểm soát chất lượng cũng như việc liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng sản...

Thương hiệu thời trang - chủ yếu tạo “vệ tinh” gia công

Anh M., chủ một cơ sở sản xuất giày ở Q.4, cho biết: Không có tiệm giày nào có thể tự sản xuất các mẫu được bày bán tại tiệm mà phải qua gia công một số mẫu, thậm chí là tất cả. Anh M. lý giải: “Để thực hiện một mẫu giày mới, sau khi thiết kế mẫu cần phải tạo khuôn. Chỉ riêng tiền khuôn đã tốn trên dưới 20 triệu đồng. Mỗi khuôn như vậy cần phải sản xuất cả ngàn đôi giày mới có lời”. Liệu chỉ với một mẫu giày, cửa hiệu nào có thể tiêu thụ được cỡ 1.000 đôi? Nhu cầu về mẫu mã của người dùng lại thay đổi liên tục, nhà sản xuất phải đổi mới mẫu thường xuyên để đáp ứng. Điều đó đồng nghĩa với việc phải đầu tư nhiều hơn và có lắm rủi ro hơn. Vì thế, các nhãn hiệu chủ yếu tạo “vệ tinh” gia công càng nhiều càng có lợi.

Anh Đ., một “chuyên gia” trong lĩnh vực gia công giày tiết lộ: “Cơ sở tôi từng gia công hoàn thiện không ít mẫu cho rất nhiều thương hiệu giày có tiếng trong thành phố như HT, ĐH, GV, KT, KH…”. Cơ sở gia công sẽ lên mẫu hoàn thiện rồi chào hàng cho những thương hiệu này. Nếu ưng ý về mẫu mã, giá cả, họ sẽ đặt hàng. Đôi khi các thương hiệu chủ động đưa mẫu cho bên gia công, bên gia công sẽ giao sản phẩm (SP) hoàn chỉnh do chính mình thực hiện từ A đến Z nhưng không mang tên của mình, thay vào đó là tên thương hiệu đã đặt hàng. Việc của các cửa hàng chỉ là bán giày, nhận hàng lỗi gửi cho cơ sở gia công sửa chữa. Cũng với cùng một mẫu giày, một loại nguyên liệu như nhau, ngoài gia công cho các nhãn hiệu có tiếng, các cơ sở sản xuất còn bỏ sỉ cho các chợ đầu mối như An Đông, Tân Bình. Giá bán buôn cho chợ đầu mối cũng tương đương giá gia công cho các thương hiệu. Ví dụ, một mẫu giày lười nam được nhân bản trong cùng một lò có giá bỏ sỉ khoảng 250.000đ/đôi. Nếu được bày bán trong các cửa hiệu sang trọng, giá có thể lên khoảng trên 400.000 đến 500.000đ/đôi, nhưng nếu bán cửa hiệu nhỏ hơn giá chỉ khoảng 300.000đ/đôi. Người tiêu dùng không hề biết sự thực đó, vẫn có niềm tin “vào cửa hiệu sang trọng, thương hiệu nổi tiếng, mua với giá đắt hơn thì sẽ được đôi giày tốt hơn.

Trong lĩnh vực thời trang may mặc, tình trạng cũng tương tự. M. - một thương hiệu thời trang nổi tiếng của VN, có hơn 30 hệ thống, nhưng nào ai biết, 90% hàng của thương hiệu này là hàng gia công. M. có khoảng 20 “vệ tinh”, mỗi “vệ tinh” có ưu thế khác nhau như sơ mi, jean, áo pull… Mỗi tháng ông T. chủ của thời trang M. chỉ đi săn lùng mẫu mới ở các nước, mang về gửi các cơ sở gia công, thương hiệu không cần thiết kế mà vẫn ra mẫu mới đều đều. Chị T. Châu, trước đây công tác ở doanh nghiệp dệt may T.L. cho biết, nhiều thương hiệu lớn sống nhờ “vệ tinh” gia công. Có thể gia công từng phần hoặc cả SP. Mỗi “vệ tinh” có quyền đưa mẫu mã ra chợ mà không ai kiểm soát, thậm chí có cơ sở gia công cho ba thương hiệu cùng lúc, cùng mẫu mã, chỉ khác cái thương hiệu gắn lên SP. Theo chị T. Châu, giá gia công bình quân chỉ chiếm khoảng 10% giá bán SP. Theo Hiệp hội Dệt may VN, tuy chưa có con số thống kê rõ ràng, nhưng nhiều SP quần áo, giày dép nội đều “ăn sẵn” qua phương thức gia công, chủ yếu từ các cơ sở nhỏ, lẻ.

Nhung neo duong gia cong

Chất lượng của hàng hóa, sản phẩm gia công vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ 

Theo nhà thiết kế Trương Anh Vũ, những thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng đặt gia công SP, nhưng tất cả nằm trong tầm kiểm soát của họ cả về ý tưởng lẫn chất lượng hàng hóa. Đích cuối cùng của gia công là tạo ra giá trị thặng dư cho ngành dệt may, nhưng không tạo ra thặng dư cho ngành công nghiệp thời trang.

Gia công nhãn hàng riêng

Hiện, nhiều đơn vị sản xuất chấp nhận gia công làm hàng nhãn riêng (HNR) cho siêu thị (ST) để giảm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng. Chỉ tính riêng tại hệ thống ST Co.op Mart hiện đã có trên 200 mặt hàng, 800 mã hàng, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, đồ dùng gia đình, các SP mùa vụ… có giá rẻ hơn từ 5 - 30% so với giá SP của thương hiệu cùng loại. Tại Big C có nhãn hàng riêng Wow giá rẻ hơn so với các mặt hàng cùng chủng loại… Giám đốc một công ty chuyên làm HNR mặt hàng trứng gia cầm cho ST cho biết, tùy vào đơn đặt hàng của ST sẽ cung cấp trứng loại nào. Ví dụ, Co.op Mart đặt trứng gà loại 1 (khoảng 60g/quả), Lotte Mart đặt trứng loại 2 (55g/quả), Big C đặt trứng loại 3 (50g/quả). Trên nhãn SP ghi rõ trứng loại nào và từng loại giá chênh nhau khoảng từ 1.000 - 1.500đ/vỉ, chất lượng như nhau, chỉ khác trọng lượng, tùy người tiêu dùng chọn lựa. Ở nhóm hàng này, sự chênh lệch giá giữa hàng công ty cung cấp và HNR của ST không quá 5%. Ở một số ngành hàng khác, ST buộc nhà cung cấp làm HNR giá rẻ hơn đến 20 - 30% so với hàng mang thương hiệu của công ty. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Saigon Food cho rằng, lợi nhuận 5 - 7% đối với đơn vị sản xuất ở ngành hàng tiêu dùng nhanh là rất khó nên đã từ chối làm HNR cho một ST yêu cầu mức giá HNR phải rẻ hơn 20%. “Giá quá rẻ buộc phải giảm chất lượng SP, sẽ ảnh hưởng đến SP mình đang cung cấp, nhưng không làm thì không được”, bà Lâm chia sẻ.

Kiểm soát ra sao?

Hầu hết các ST đều khẳng định kiểm soát rất chặt chẽ tất cả hàng đưa vào ST, nhưng thực tế không ít cơ sở cung cấp hàng cho ST đặt gia công qua một đơn vị thứ ba. Như công ty M. đặt gia công SP nước tương, nước mắm; công ty H. đặt gia công SP cà phê hòa tan mang thương hiệu của mình… và cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. Nếu nhà phân phối không kiểm soát chặt tình trạng này thì khó kiểm soát được chất lượng SP. Giám đốc một công ty hàng tiêu dùng nhanh tại TP.HCM cho biết, những đơn vị cung cấp hàng cho ST lên đến mấy chục chủng loại SP, chắc chắn là họ đặt gia công từ nhiều cơ sở khác vì năng lực nhà sản xuất chỉ có thể mạnh ở một nhóm chủng loại hàng chứ khó có thể “lấn sân” qua những SP không ăn nhập với nhau. Việc nhà sản xuất đặt gia công hàng qua một cơ sở thứ ba hoàn toàn được chấp nhận, vấn đề là ở chỗ liệu đơn vị trực tiếp phân phối có kiểm soát được chất lượng SP khi qua quá nhiều khâu trung gian hay không?

Nhung neo duong gia cong

Theo tiết lộ của giám đốc một công ty sản xuất hàng đông lạnh thì hiện có tình trạng nhiều cơ sở sản xuất chào hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng để vào được ST, nhưng những lô hàng càng về sau càng giảm chất lượng. Dẫn chứng ở mặt hàng lẩu hải sản đông lạnh, thay vì tự chế biến nước dùng nấu lẩu, họ đặt gia công ở cơ sở chuyên cung cấp nước dùng, nên có tình trạng nhiều SP lẩu thương hiệu khác nhau mà hương vị y chang. Chưa kể, tôm, cá, mực được mua gom từ nhiều cơ sở nên chất lượng không đồng nhất, có vỉ lẩu tôm to, mực ống; có vỉ tôm nhỏ xíu, đầu mực, bạch tuộc… Đáng nói, hải sản còn được mạ băng lên đến 20% (thay vì chỉ được phép 5% và phải trừ ra khi tính trọng lượng SP) hay dùng hóa chất tăng trọng để ăn gian trọng lượng, khi về chế biến, hải sản bị teo tóp. Tình trạng này ST rất khó kiểm soát.

Chọn đối tác dễ dãi

Ông Nguyễn Cát Chinh, Giám đốc Công ty Cát Tường gọi vụ việc mẫu bánh phở dán nhãn Cát Tường nhiễm acid oxalic vừa qua là một “tai nạn nghiêm trọng” xuất phát từ một đơn vị gia công. Ông Chinh thừa nhận, dù giữa công ty với cơ sở gia công có hợp đồng gia công, thể hiện rõ việc kiểm soát chất formol, hàn the nhưng không lường được trong bánh có tồn dư tinopal hay acid oxalic do những chất này dù không được phép sử dụng nhưng cũng không phải chất cấm. Hơn nữa, Cát Tường đã không cử người giám sát quá trình sản xuất tại cơ sở gia công do lượng đặt hàng không nhiều.

Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài dệt may, da giày… hiện dược phẩm và thực phẩm chức năng đang là những SP được chào mời đặt gia công nhiều nhất. Lần theo một số điện thoại quảng cáo nhận gia công thực phẩm chức năng, người bắt máy tên L.T.T.H. không cần hỏi người đặt gia công thuộc đơn vị nào mà đề cập ngay đến việc muốn đặt thuốc dạng nào (viên hay sirop…), tiêu chuẩn kỹ thuật ra sao. Khi đề cập đến chuyện đưa những chất riêng vào thuốc, đơn vị gia công này đồng ý ngay, không cần hỏi có được phép hay không.

Một điểm khác biệt rõ ràng trong các hình thức gia công hiện nay là các đơn vị lựa chọn đối tác gia công một cách khá dễ dãi. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc nhà máy thực phẩm D&F (Đồng Nai) cho biết, để trở thành đối tác gia công một số SP từ thịt heo (ba rọi xông khói, jambon…) cho Công ty Shinshu NT của Nhật Bản, nhà máy D&F phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tất cả những tiêu chuẩn này đều được ràng buộc trong hợp đồng gia công. Dù nguyên liệu, quy trình sản xuất của công ty đều được chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), nhưng trong quá trình chế biến, đóng gói SP đều có người phụ trách kỹ thuật của công ty Nhật kiểm soát. Tất cả các loại phụ gia, hương vị… đưa vào SP do phía đặt gia công quyết định. Trên nhãn mác, bao bì SP cũng ghi rõ SP dù của Shinshu NT nhưng vẫn chú thích là được sản xuất tại nhà máy D&F, “trong trường hợp SP ra thị trường có sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể dễ dàng truy ra lỗi xảy ra ở khâu nào, chứ không phải bên nọ đổ lỗi cho bên kia…”, ông Phương nói.

 Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI