Những chiếc TV ‘hồn Trung Quốc, da hàng Nhật’

23/11/2017 - 00:05

PNO - Thị trường máy thu hình TV bây giờ không còn như xưa. Ngày càng có thêm những thương hiệu TV nổi tiếng của Nhật Bản rơi vào tay những ông chủ mới ở Trung Quốc. Như Sharp và mới nhất là Toshiba lần lượt là của hãng Hisense.

Vào cái thời hoàng kim của ngành sản xuất TV Nhật Bản, trên thị trường thế giới nhìn đâu cũng thấy những thương hiệu chói sáng như Sony, JVC, Panasonic, Sharp, Toshiba,… Hàng Nhật Bản đồng nghĩa là hàng sang, hàng đỉnh.

Nhưng rồi sau đó là thời nổi lên của những thương hiệu TV của đất nước láng giềng là Hàn Quốc, với 2 thương hiệu nổi nhất là Samsung và LG. Ai cũng biết là các hãng Hàn Quốc đã học hỏi từ công nghệ TV của Nhật Bản để về cải tiến rồi qua mặt ông thầy của mình không thèm bóp kèn.

Nhung chiec TV ‘hon Trung Quoc, da hang Nhat’

Vài ba năm trở lại đây, cái nôi của TV thế giới vẫn còn nằm ở Đông Á, nhưng giờ đã dịch chuyển sang Trung Quốc. 

Từ chỗ với lợi thế nhân công rẻ, trở thành trung tâm gia công sản xuất cho nhiều thương hiệu Nhật Bản và cả Hàn Quốc nữa, Trung Quốc đã nhanh chóng "học" được các bí kíp, ngón nghề của khách hàng để cho ra đời những sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. 

Không chỉ có nhân công rẻ, chi phí thấp, Trung Quốc còn là thị trường lớn nhất thế giới với gần 1,4 tỷ dân. Chỉ cần đáp ứng nhu cầu khổng lồ trong nước, các hãng Trung Quốc đã có thể tích lỹ kinh nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, và đặc biệt là có lợi nhuận để phủ rộng ra nước ngoài – thậm chí ngon lành vào những thị trường có tiêu chuẩn cực cao như Mỹ, châu Âu,…

Hisense là một thương hiệu hiện nay còn lạ ở Việt Nam, nhưng đã quen thuộc cùng trời cuối đất, vào năm 2016 vẫn là nhà sản xuất TV lớn số 4 thế giới (sau Samsung, LG và đồng hương TCL, theo thống kê của Statista). Hãng điện tử quốc doanh có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông (Shandong) này ra đời từ tháng 9-1969 và vào năm 2013 có doanh thu tới 15 tỷ USD. 

Cách đây ít năm, Hisense có ý định mua mảng sản xuất TV của hãng Sony "anh cả đỏ" Nhật Bản. Đó là chuyện đường dài. Nên trước mắt, Hisense lật Binh pháp Tôn Tử ra dùng chiêu hạ dần các thành quách chung quanh trước khi tấn công kinh thành. 

Từ năm 2015, Hisense đã giành được giấy phép sử dụng thương hiệu TV Sharp ở Mỹ trong 5 năm và có thể gia hạn. Hãng Trung Quốc này đã mua lại một nhà máy của Sharp tại Mexico và thương quyền của Sharp ở Mỹ với giá bèo nhèo chỉ 27,8 triệu USD.

Sharp bắt đầu bán TV ở Mỹ từ thập niên 1970. Vào tháng 3/2016, hãng Nhật Bản này bán 2 phần 3 cổ phần cho Tập đoàn điện tử Đài Loan Foxconn với giá 3,5 tỷ USD.

Hồi tháng 8/2017, Sharp khởi kiện Hisense ra tòa án ở bang California (Mỹ) với lý do hãng Trung Quốc làm mất uy tín thương hiệu TV Sharp khi hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng và xuất sang Mỹ những dòng TV có chất lượng dưới chuẩn nhưng mang thương hiệu Sharp. Ông chủ mới của Sharp là Foxconn mạnh về năng lực sản xuất và vốn liếng đang tìm cách thu hồi lại thương hiệu Sharp từ Hisense.

Tình trạng những thương hiệu TV nổi tiếng một thời của Nhật Bản giờ nếu không ngưng hoạt động thì chuyển sang tay các ông chủ Trung Quốc cũng tương tự như một số ngành hàng khác của Nhật Bản do trở bộ chậm chạp đã không thể sống sót nổi trong thời đại mới.

Tiếp bước đồng hương Sharp, hãng Toshiba (Nhật Bản) hôm 14/11/2017 loan báo việc bán mảng sản xuất TV của mình cho Hisense với giá khoảng 113 triệu USD. Như là hậu quả của vụ bê bối kế toán năm 2015, Toshiba trước đó cũng đã bán mảng sản xuất cảm biến cho đồng hương Sony với giá 155 triệu USD và mảng sản xuất chip nhớ NAND flash cho Bain Capital (trụ sở tại Mỹ) với giá 18 tỷ USD.

Chưa biết khi nào Hisense thâu tóm được mảng TV của Panasonic. Một số nhà phân tích cho rằng: "ngày ấy rồi cũng không xa".

Tình trạng những thương hiệu TV nổi tiếng một thời của Nhật Bản giờ nếu không ngưng hoạt động thì chuyển sang tay các ông chủ Trung Quốc cũng tương tự như một số ngành hàng khác của Nhật Bản do trở bộ chậm chạp đã không thể sống sót nổi trong thời đại mới.

Và cũng giống như với nhiều sản phẩm khác, giờ đây các thương hiệu Trung Quốc chủ yếu đấu với các thương hiệu Hàn Quốc và đấu với chính các đồng hương mới nổi lên của mình. 

Trong Top 5 nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới năm 2016 mà Statista thống kê, Hàn Quốc có 2 anh đầu bảng là Samsung (21,6% thị phần) và LG (11,9%); Trung Quốc chiếm 2 vị trí kế đó là TCL (9%) và Hisense (6,1%); Nhật Bản chỉ còn đơn độc Sony (5,6%). Và trong 5 thứ hạng kế tiếp, Trung Quốc chiếm tới 4, chỉ còn chừa 1 cho Vizio của Mỹ (mà cũng do người gốc Hoa đầu tư thôi).

Người tiêu dùng mê TV Nhật Bản giờ đây phải suy nghĩ lại cách tiêu dùng của mình. Liệu có đáng phải bỏ thêm tiền cho những sản phẩm bây giờ chỉ còn mang thương hiệu Nhật Bản (cái xác) trong khi thực chất là hàng của Trung Quốc do chính Trung Quốc sản xuất (cái hồn). 

Dĩ nhiên có ai đó đang rung đùi với cái thế ngư ông đắc lợi. Và người tiêu dùng thông minh chắc chắn sẽ biết chọn hàng Trung Quốc chính hiệu chất lượng cao hay là hàng thương hiệu Nhật Bản chất lượng Trung Quốc. 

Có hai thực tế đang giá: Một là, hàng chính hiệu Trung Quốc "Made in China" bán ra quốc tế có chất lượng chẳng hề tệ mà giá lại quá đẹp. Hai là, hàng thương hiệu nước khác nhưng cũng "Made in China" với giá ảo tung chảo cao ngất trời xanh. 

Mà với TV là sản phẩm điện tử gia dụng, phục vụ cho cuộc sống thường ngày của hầu hết gia đình, cái cần là chất lượng thực tế và giá kinh tế, hà cớ gì phải tốn tiền phụ trội cho những cái thương hiệu kia chứ.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI