Nhiều cửa hàng thức ăn chăn nuôi trước nguy cơ 'sập tiệm'

04/05/2017 - 10:00

PNO - Không chỉ đóng cửa vì hết vốn nhập hàng, nhiều hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại “thủ phủ” heo miền Bắc nợ ngân hàng lên tới cả chục tỷ đồng và đối mặt với nguy cơ mất trắng đất đai, nhà cửa.

Hơn một tháng nay, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Hạnh (đội 3, xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam) luôn trong tình trạng đóng cửa im ỉm. Ngồi bên tập sổ sách ghi nợ dày cộp, chị Hạnh lắc đầu ngao ngán: “Chỉ vài tháng nữa đến hạn ngân hàng, nếu không thu hồi được số nợ này thì chỉ còn nước… ra đê mà ở”.

Gia đình chị Hạnh đã kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi được bảy năm, từ thời điểm xã Ngọc Lũ được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi heo của miền Bắc. Mỗi tháng, cửa hàng của chị tiêu thụ từ 70 - 120 tấn thức ăn chăn nuôi, phục vụ cho vài chục hộ dân trong làng. Điểm đặc biệt ở Ngọc Lũ là có phong trào “bao” cho các hộ chăn nuôi, tức người dân mua nợ thức ăn chăn nuôi đến khi bán heo mới trả tiền. 

Nhieu cua hang thuc an chan nuoi truoc nguy co 'sap tiem'
Giá heo xuống thấp khiến người chăn nuôi lỗ nặng, nợ nần chồng chất.

Suốt từ cuối năm 2016 đến nay, giá heo liên tiếp xuống thấp, khiến người nuôi heo thua lỗ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đó là lý do khiến số nợ đọng thức ăn chăn nuôi không được thanh toán. Sau nhiều tháng cầm cự, không còn “vét nổi một đồng” để nhập hàng, gia đình chị Hạnh đành phải đóng cửa hàng. Chị Hạnh cho hay, tới thời điểm này, toàn bộ tiền vốn của gia đình chị nằm trong dân lên tới 6 tỷ, trong đó có ngót nghét 5 tỷ là tiền đi vay ngân hàng, thậm chí là “tín dụng đen” lãi suất cao.

“Điều tôi lo lắng nhất, không chỉ là căn nhà của hai vợ chồng mang đi thế chấp mà trong đó còn có sổ đỏ của bố mẹ, anh em… Nếu không thu hồi được nợ, chúng tôi không biết phải xử lý như thế nào. Không biết còn mặt mũi nào để nhìn mặt người thân”, chị Hạnh bật khóc. 

Kinh tế gia đình trông vào cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nhưng giờ đã đóng cửa, mỗi tháng, chị còn phải trả khoản tiền lãi lên tới 40 triệu đồng. Hàng ngày, vợ chồng chị “đánh vật” với đống sổ nợ, chạy ngược chạy xuôi tới từng hộ gia đình để “lạy lục”, van nài thu hồi lại vốn. Chị Hạnh bảo, chỉ mong sao giá heo cao lên và người dân không “quay đầu” với hộ kinh doanh để trả hết số tiền nợ. Rồi chị cũng tính bỏ nghề, tìm một công việc khác để làm vì “đã sợ quá rồi”!

Tương tự tình cảnh của chị Nguyễn Thị Hạnh, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của ông Trần Đăng Chiến (đội 3, xã Ngọc Lũ) tuy mở cửa nhưng cũng chỉ còn thưa thớt một vài bao cám để phục vụ gia đình và bán cho những người trả tiền mặt.

Đại lý của ông Chiến mở tới nay đã được 10 năm với số lượng tiêu thụ 80 - 100 tấn/tháng. “Chúng tôi (hộ kinh doanh - hộ chăn nuôi) vốn dựa vào nhau mà sống, giờ không may rơi vào tình cảnh này quả thực “tiến không được, lùi không xong”, chỉ còn mong chờ vào chủ trương của Nhà nước để giãn nợ và vực giá heo lên”.

Số tiền nợ đọng trong dân của gia đình ông Chiến hiện đã lên tới 10 tỷ đồng. Hầu hết số tiền này đều vay ngân hàng bằng việc cắm cả… chục tấm sổ đỏ. “Ngôi nhà này chúng tôi đã cầm với trị giá 1 tỷ. Ngoài ra, không chỉ có sổ đỏ của bố mẹ đẻ, anh em ruột trong nhà mà tôi còn cầm cả sổ đỏ của… bố vợ”, ông Chiến chua chát.

Nguy cơ “bại sản” đang đối mặt với tất cả gần 30 hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở khu vực này. Bên cạnh nhiều cửa hàng phải đóng cửa và tuyệt vọng khi thu hồi nợ, một số khác đang cố gắng cầm cự. Đại lý của anh Phạm Văn Quỳnh - một trong những hộ kinh doanh cám lớn nhất nhì tại Ngọc Lũ cho hay, nếu giá heo vẫn tiếp tục tuột dốc sẽ thêm nhiều cửa hàng đóng cửa. Số tiền người chăn nuôi nợ đại lý này lên tới hơn 12 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) dự báo, nếu giá heo không cải thiện trong thời gian tới, người chăn nuôi bỏ nghề thì sẽ tạo ra hiệu ứng “domino” kéo người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, người bán thịt heo… đều “chết” theo. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI