Nhập “rác” về làm thực phẩm

21/07/2016 - 11:20

PNO - Với tình trạng nhập khẩu thực phẩm và sử dụng hóa chất bừa bãi, Việt Nam đang dần biến thành “bãi rác thực phẩm”.

Đó là nhận xét của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tại Hội nghị Bàn về thực trạng sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi và thực phẩm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tổ chức ngày 15/7.

Bãi rác thực phẩm

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc công ty TNHH Ba Huân nói: “Muốn biết sức khỏe của người lao động những năm tới như thế nào, xin đến các chợ, bếp ăn công nhân… tại các khu công nghiệp. Một ký thịt gà tại nước ngoài có giá quy đổi sang tiền Việt ít nhất 60.000-70.000đ/kg, nhưng nhập khẩu về Việt Nam giá rẻ như bèo, tại những khu chợ gắn với các khu công nghiệp như Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc… giá thịt gà chỉ 20.000-25.000đ/ kg. Đây là những miếng thịt luôn trong tình trạng nhớt nước, ruồi nhặng bu kín.

Nếu những món hàng này vào tay các đơn vị đấu thầu suất cơm cho công nhân, giá của chúng còn rẻ hơn nhiều, vì giá mỗi suất cơm như hiện nay 12.000-15.000đ”. Bà Huân cho rằng, chỉ có thịt hết hạn sử dụng, hàng nhập lậu… mới có giá bèo như vậy. Những loại thịt này ở nhiều nước đem bán làm thức ăn cho vật nuôi còn khó, nhưng lại thành nguồn thực phẩm để nuôi sống lực lượng lao động của chúng ta.

Nhap “rac” ve lam thuc pham
Thịt gà nhập khẩu giá rẻ được "hô biến" thành chà bông heo

Ông Phạm Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM công bố con số nhập thịt đông lạnh sáu tháng đầu năm về TP.HCM là hơn 75.000 tấn, hơn 51% trong số đó là sản phẩm gia cầm, trên 26% là thịt trâu đông lạnh. Về mục đích sử dụng số hàng này, chẳng hạn như thịt gia cầm có phải được thay thịt heo để làm giò chả, cá viên; thịt trâu giả làm thịt bò hay không, ông Thảo cho rằng, rất khó để giám sát vì việc này vượt khỏi quyền quản lý của ngành thú y, nhất là khi quy định về kiểm dịch nội tỉnh bị bãi bỏ, việc kinh doanh buôn bán các sản phẩm này phải trông chờ vào ý thức tự giác của người buôn bán. Sai phạm ở mức độ nào phải chờ cơ quan công an điều tra.

Để nguồn thực phẩm bẩn qua mắt được người tiêu dùng (NTD), theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, luôn cần một lượng hóa chất, phụ gia lớn để xử lý, làm sạch. Điều này… khỏi lo, vì việc mua bán những chất độc hết sức dễ dàng. “Tại chợ Kim Biên muốn chất gì cũng có, muốn hủ tíu, phở, bún bò... ăn liền, xương ninh siêu tốc… có hết”, bà Chi nói và cảnh báo, ngay cả mặt hàng gạo chúng ta ăn hàng ngày hiện cũng bị lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như thuốc diệt cỏ.

Đại diện một doanh nghiệp cũng chia sẻ, bà từng chứng kiến người dân trồng dưa hấu tại một địa phương dùng khăn tẩm thuốc diệt cỏ lau lên những trái dưa non, dưa lớn nhanh trông thấy lại không bị sâu bệnh. Tuy nhiên bà không rõ người trồng có biết chất dioxin trong thuốc diệt cỏ có thể làm đột biến gen cả một thế hệ.

Tại... cơ chế

Đại diện NTD tại hội nghị, LS Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP.HCM chia sẻ: theo luật, NTD Việt Nam đã được công nhận tám quyền, trong đó có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm; quyền chọn lựa sản phẩm an toàn; được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu sử dụng thực phẩm làm sức khỏe bị ảnh hưởng... Nhưng trong bối cảnh cả rừng hóa chất đang được sử dụng vô tội vạ từ khâu nuôi trồng đến chế biến, bảo quản, NTD không có cơ hội sử dụng những quyền của mình. Đây cũng là lý do khiến các hội bảo vệ NTD rất ít khi nhận khiếu nại về thực phẩm.

Theo LS Thu, nếu NTD sử dụng thực phẩm đã bị ô nhiễm dẫn đến ngộ độc cấp tính với các triệu chứng ồ ạt, dễ nhận thấy, thì được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện và ngay sau đó các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguyên nhân, truy tìm đối tượng liên quan. Nhưng với những món ăn mà sự tích lũy chất độc sau một thời gian mới gây bệnh hoặc có thể gây dị tật, dị dạng cho các thế hệ sau... làm sao NTD có cơ sở để khiếu nại? Trong khi đó, các bộ công cụ kiểm tra hóa chất của chúng ta có khả năng nhận diện chất độc rất khiêm tốn.

Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết, các công cụ kiểm nghiệm hiện có trong nước chủ yếu để kiểm tra các chất “quen” trong danh mục nghi vấn, chứ chưa thể tìm chất lạ. Trong khi đó, càng ngày thực phẩm càng bị nhiễm các loại hóa chất mới lạ với số lượng lớn và phức tạp hơn. Theo GS Sơn, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ hiệu quả khi không còn chồng chéo giữa các bộ (Y tế, Nông nghiệp, Công thương) và dễ dàng quy trách nhiệm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM cung cấp thông tin, hiện Thủ tướng chính phủ đã đồng ý thành lập một cơ quan chuyên ngành để làm công việc giám sát. Theo đó, sẽ có một bộ máy chỉ huy thống nhất để xử lý rốt ráo vấn đề an toàn thực phẩm.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI