Nhận được tiền chuyển khoản nhầm, nhất thiết phải trả

04/05/2019 - 11:30

PNO - Mới đây, Cù Chi Nguyên (19 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đã bị Công an Q.1 mời lên làm việc do đã rút và tiêu xài hơn 1 tỷ đồng do ngân hàng (NH) chuyển nhầm.

Việc chuyển nhầm tiền vào một tài khoản không mong muốn vẫn thường xảy ra do có sự nhầm lẫn trong thao tác gửi tiền qua máy ATM, máy tính hay điện thoại thông minh... Bên chuyển tiền thường phải mất rất nhiều thời gian, công sức để đòi lại khoản tiền đã chuyển sai “địa chỉ”; có trường hợp không thể đòi được do phía NH không liên lạc với chủ tài khoản vừa được “rót” nhầm khoản tiền trên.

Nhan duoc tien chuyen khoan nham, nhat thiet phai tra
 

Theo một cán bộ ngành NH, trước đây, với những trường hợp chuyển khoản nhầm, NH dễ dàng thu hồi trả lại cho người chuyển, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, theo quy định của NH Nhà nước, để thực hiện các thao tác thu hồi - chuyển trả, phải có sự đồng ý của chủ tài khoản vừa được chuyển tiền. Điều này nhằm ngăn chặn trường hợp người chuyển và người nhận có giao dịch mua bán, thỏa thuận chuyển tiền qua tài khoản nhưng sau đó, bên mua (bên chuyển tiền) thông báo chuyển nhầm để hủy lệnh thanh toán, nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Tùy vào việc tài khoản bên nhận và bên chuyển cùng hay khác hệ thống NH mà quy trình xử lý đơn giản hay phức tạp hơn. Nếu tài khoản bên nhận khác NH, NH bên chuyển sẽ phải báo cho NH bên nhận về giao dịch nhầm, khách phải chờ phía NH bên nhận đưa ra phương hướng xử lý. Trường hợp cùng hệ thống, NH chỉ cần tra soát, xin ý kiến của bên nhận nhầm để trả vào tài khoản bên chuyển. 

Bỗng dưng nhận được khoản tiền “từ đâu rơi xuống”, một số chủ tài khoản được chuyển nhầm tiền đã âm thầm chiếm giữ số tiền trên để tiêu xài. Theo luật sư Bùi Minh Nghĩa - Phó giám đốc Công ty TNHH Đại Luật Hằng Sinh - khi nhận được tiền do người khác chuyển nhầm, chủ tài khoản bên nhận cần tìm cách trả lại cho bên chuyển. Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu cố tình sử dụng trái phép tài sản của người khác, sẽ bị phạt hành chính với mức từ 1 - 2 triệu đồng; nếu cố tình chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng. 

Người không trả lại tiền chuyển nhầm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chiếm giữ trái phép tài sản”, bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù với mức cao nhất là 5 năm, theo điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015; còn nếu sử dụng số tiền đó, có thể bị truy cứu về tội “sử dụng trái phép tài sản” theo điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, hoặc bị phạt tù với mức cao nhất là 7 năm.

Cách đây không lâu, Tòa án nhân dân Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng đã xét xử, tuyên phạt ông H.N.L. 9 tháng tù về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Nguyên nhân là một NH chuyển nhầm vào tài khoản của ông L. hơn 115 triệu đồng, ông L. biết không phải tiền của mình nhưng vẫn rút gần 40 triệu đồng tiêu xài; khi NH phát hiện, yêu cầu trả lại tiền thì L. không trả. 

 Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI