Nguy cơ dịch tả heo châu Phi từ nước ngoài vào Việt Nam rất cao

29/11/2018 - 15:04

PNO - Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện bất kỳ trường hợp nào dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF). Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với ASF phải chủ động sẵn sàng.

Tại “Hội nghị phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi” diễn ra ngày 29/11, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), từ năm 2017 đến ngày 31/10/2018, có 19 quốc gia báo cáo phát hiện các ổ ASF trên 371.000 con heo bệnh, trong đó chết trên 122.000 con, tiêu hủy 835 nghìn con heo. 

Riêng Trung Quốc, từ ngày 3/8 – 25/11/2018, phát hiện trên 81 ổ dịch tại 20 tỉnh, trong đó có ổ dịch cách biên giới các tỉnh biên giới Việt Nam khoảng 150km và tiếp tục phát sinh ổ dịch mới tại tỉnh Vân Nam với tổng số hơn 570.000 con heo.

Nguy co dich ta heo chau Phi tu nuoc ngoai vao Viet Nam rat cao
Các cơ quan ban ngành đồng loạt triển khai các phương án phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả heo châu Phi để bảo vệ ngành chăn nuôi heo và để người dân yên tâm sử dụng thịt heo.

“Nguy cơ ASF từ nước ngoài xâm nhập vào VN rất cao, nhất là thông qua hoạt động thương mại, du lịch của người dân các nước đã và đang xảy ra ASF, cư dân biên giới vận chuyển, tiêu thụ thịt heo, kể cả sản phẩm thịt heo chưa qua nấu chín. Chính phủ đã chỉ đạo chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đồng loạt triển khai các biện pháp phòng ASF”, ông Tiến nhấn mạnh.

Cục Thú ý cảnh báo, ASF là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, không tự lây lan, phát tán nhanh mà lây lan chủ yếu do yếu tố của con người tác động, như việc vận chuyển heo và các sản phẩm nghi mắc bệnh từ nơi này đến nơi khác. Đáng nói, vi rút gây ra ASF có thể gây chết heo với tỷ lệ rất cao so với những bệnh khác như lở mồm long móng và dịch tả heo cổ điển. ASF không lây nhiễm và gây bệnh ở người.

Lưu ý đối với các trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt khi phát hiện lợn mắc bệnh cần tiêu hủy toàn bộ heo trong chuồng, dãy chuồng có heo bệnh.

Các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nhưng nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn bộ trang trại. 

Hiện chưa có vắc xin, thuốc điều trị được ASF nên giải pháp phòng bệnh là hiệu quả nhất. Quan trọng nhất là thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi và vệ sinh các cá nhân tham gia chăn nuôi; thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, trong trường hợp phát hiện heo mắc bệnh, cần phải tiêu hủy heo trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với ASF, xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan.

Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng dịch tễ thú y, Cục Thú Y, nhấn mạnh: mục tiêu chính là giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm ASF vào Việt Nam, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, sản phẩm heo nhập khẩu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Nguy co dich ta heo chau Phi tu nuoc ngoai vao Viet Nam rat cao
Khi phát hiện lợn mắc ASF, cần tiêu hủy toàn bộ heo trong chuồng

Cần lưu ý, khách du lịch, phương tiện đi lại và phương tiện vận chuyển đến từ các nước; vùng đã, đang có dịch bệnh và có nguy cơ lớn xảy ra dịch; hoạt động của cư dân biên giới của VN và các nước.

Đồng thời, chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp heo mắc ASF tại VN để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh này gây ra.

“Chính phủ đã chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán heo sống, sản phẩm heo nhập lậu qua biên giới; các đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Tăng cường kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển theo đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Hàng không có thiết bị soi hành lý, nếu phát hiện hành khách mang theo thịt heo; kể cả thịt heo, sản phẩm chín từ các vùng có ASF vào VN sẽ tiêu hủy tang vật”, ông Long nhấn mạnh.

Trường hợp khi dịch ASF lây lan trên diện rộng, ông Long đề nghị khi tổ chức triển khai, các đơn vị phải căn cứ vào các văn bản đã ban hành, đã có hướng dẫn cụ thể; song từng địa phương phải có kế hoạch riêng và phương án xử lý phù hợp.

"ASF không lây lan mạnh nên xử lý chuồng nào dứt điểm chuồng đó, không lạm dụng giết hết heo các trang trại lân cận”, ông Long nói.

Theo chỉ đạo và kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với ASF, tất cả các cơ quan, ban ngành phải chủ động sẵn sàng các phương án dự phòng, ứng phó hai tình huống: phòng ngừa khi ASF chưa xâm nhập vào VN và xử lý ASF khi phát hiện tại VN.

Quan điểm của lãnh đạo Bộ NN & PTNTT và lãnh đạo Cục Thú Y là không giấu giếm, nhận thông tin và cảnh báo kịp thời để tất cả cơ quan ban ngành và toàn dân vào cuộc ứng phó kịp thời, hiệu quả. Hiện có những địa phương chờ trung ương hỗ trợ kinh phí, song ngân sách đã được cấp trước đó và các ban, ngành phải chủ động phòng ngừa ASF. Để phòng ngừa, ngăn chặn ASF kịp thời, hiệu quả, cần sự vào cuộc của toàn cấp ban ngành, doanh nghiệp, người dân...

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI