Người trẻ Việt và mốc son trên bản đồ khởi nghiệp

30/04/2019 - 06:49

PNO - Những người trẻ khởi nghiệp, dù họ ở bất cứ đâu thì cũng có chung suy nghĩ, đó là nhìn về tương lai và quý trọng những giá trị được gìn giữ, trao truyền cho mình.

Hành trang của người trẻ chính là lý tưởng và nhiệt huyết. Người trẻ không nghĩ đến thất bại, họ chỉ chú tâm vào câu hỏi: “Mình có thể làm được gì?”. Chính tư duy ấy đã hội tụ nên một thế hệ người Việt trẻ đầy hoài bão và quyết tâm chinh phục.

Khát vọng về cuộc sống tươi đẹp

Câu chuyện khởi nghiệp luôn sôi động và thú vị bởi ý nghĩa hệ giá trị mà doanh nghiệp ấy chọn làm kim chỉ nam phát triển. Tháng Năm tiếp tục đánh dấu cột mốc quan trọng đối với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam khi Vulcan Augmetics trở thành công ty khởi nghiệp đầu tiên đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế The Venture (Doanh nhân cộng đồng toàn cầu) diễn ra ở châu Âu. Vulcan Augmetics chọn cho mình sứ mệnh không dễ dàng nhưng đầy ý nghĩa, ấp ủ tái sinh cho người khuyết tật một cơ thể lành lặn với các module chân, tay giả giá rẻ; mong muốn giúp hơn 30 triệu người khuyết tật có việc làm. Giải thưởng một triệu USD ở vòng chung kết không hấp dẫn bằng việc Vulcan Augmetics sẽ đi đến cùng ước mơ của mình, có thêm cơ hội giúp cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn cho người khuyết tật.  

Nguoi tre Viet va moc son  tren ban do khoi nghiep

Trịnh Khánh Hạ, nhà sáng lập Vulcan Augmetics

Nói đến người Việt trẻ khởi nghiệp, ngay tại thời điểm này, một trong những gương mặt truyền cảm hứng được nhắc đến nhiều chính là câu chuyện ứng dụng ELSA Speak và Giám đốc điều hành (CEO) Văn Đinh Hồng Vũ. Cuối tháng Hai vừa qua, ELSA Speak - ứng dụng học ngôn ngữ dựa trên công nghệ nhận dạng giọng nói và trí tuệ nhân tạo (AI) đã gọi vốn thành công vòng A tại thung lũng Silicon với số tiền 7 triệu USD. Đây là lần gọi vốn thứ ba của dự án khởi nghiệp này và số tiền đầu tư đến nay là 12 triệu USD. Có gần 13.000 lượt tải ứng dụng ELSA Speak trên toàn cầu. ELSA Speak đang thực hiện thành công sứ mệnh là cầu nối ngôn ngữ, giúp mở rộng cánh cửa cơ hội cho nhiều người trên thế giới. Với Văn Đinh Hồng Vũ, thành công càng ý nghĩa hơn nếu ELSA Speak trở thành một phần của giải pháp giúp thế hệ trẻ Việt Nam vượt qua thử thách về tiếng Anh, khai phóng tiềm năng về ngoại ngữ. Từ đó, họ có cơ hội cạnh tranh và thành công ở quy mô toàn cầu. 

Nguoi tre Viet va moc son  tren ban do khoi nghiep
Giám đốc điều hành (CEO) Văn Đinh Hồng Vũ chọn cho ứng dụng ELSA Speak sứ mệnh là cầu nối ngôn ngữ cho toàn thế giới

Đưa câu chuyện Việt ra thế giới

Hao Tran, chàng trai sống ở San Francisco từng biết đến Việt Nam chỉ qua món phở với hương vị gắn bó cả tuổi thơ của mình, nay gọi thành phố Hồ Chí Minh là nhà, bởi anh nhận ra, nơi anh quay về có quá nhiều kết nối kỳ lạ. Tuổi trẻ đầy liều lĩnh và cũng rất quyết đoán, Hao Tran từ bỏ công việc ở Mỹ quyết tâm về Việt Nam, xây dựng trang web vietcetera.com. Anh dốc hết tâm sức vun đắp nên một nơi gieo những câu chuyện người Việt, nơi hòa quyện sắc màu hiện đại với giá trị chẳng thể mai một về văn hóa, truyền thống. Những cái nhấp chuột dẫn độc giả Vietcetera đến không gian văn hóa Việt gói ghém trong những dòng tâm sự, trải lòng của người trẻ, để độc giả nhận ra những mảnh ghép trong bức tranh tổng thể về giá trị Việt. Đưa câu chuyện Việt ra thế giới, đó là những gì Hao Tran ấp ủ. Nhà báo Jessica Meyers từng có bài viết trên tờ Los Angeles Times, nhắc đến dự án của Hao Tran và nhận định xu hướng trở về Việt Nam, nỗ lực góp sức là khát khao của rất nhiều người trẻ gốc Việt lớn lên tại Mỹ. 

Những cô gái ở Ladan cũng thế. Thao Dao và Anna Phan sinh ra tại Việt Nam và tốt nghiệp Đại học Santa Clara ở California. Hành trình khởi nghiệp của họ bắt đầu từ ước mơ đưa thời trang thủ công chạm đến đỉnh cao mà ở đó, những nghệ nhân có quyền tự hào bởi họ đã chắt chiu mang đến cho cuộc đời những giá trị đậm dấu ấn Việt. Ladan không dừng lại ở việc kể câu chuyện tinh hoa của thời trang thủ công Việt mà còn muốn qua đó trao cho những phụ nữ - nghệ nhân của những sản phẩm Ladan cơ hội tiến xa hơn, được nhìn nhận đúng với công sức lao động đã bỏ ra.  

Ở đất nước hơn 97 triệu dân, Việt Nam có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp (thống kê đến cuối năm 2018), tăng gần gấp đôi so với số liệu cuối năm 2015. Năm 2017, khi quyết định quay lại Việt Nam viết tiếp ước mơ khởi nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư, kỹ sư Justin Nguyen đã có bài viết trên trang Tech in Asia, chia sẻ về một thị trường năng động, hứa hẹn là vùng đất tiềm năng cho hàng loạt công ty khởi nghiệp. Justin từng học tại Đại học California Polytechnic State, đại học bách khoa lớn thứ hai tại Mỹ. Từng nhiều năm làm việc ở thung lũng Silicon, nơi không thiếu những ý tưởng khởi nghiệp và hoài bão, khát khao chinh phục, Justin Nguyen nhận ra, anh được sống lại không khí ấy khi ở Việt Nam. 

Justin Nguyen trong bài viết của mình từng dự đoán Việt Nam có thể là “cái nôi” sinh ra những công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng và có thể vươn ra thế giới trong tương lai. Những nhà đầu tư như Justin Nguyen đều nhìn thấy ở Việt Nam một lợi thế về tài năng toán học và khoa học, bấy lâu nay vốn tạo được “hiệu ứng Việt Nam” trong các cuộc thi trí tuệ trên thế giới. Đây chính là những nhân tố thích hợp góp sức cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Hơn nữa, Việt Nam đang trong thời kỳ có được “dân số vàng”, đánh dấu thời điểm bắt đầu là năm 2007 với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động là 67,31%. Dự đoán thời kỳ này sẽ kéo dài trong 40 năm và đây được xác định là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Những người trẻ khởi nghiệp, dù họ ở bất cứ đâu thì cũng có chung suy nghĩ, đó là nhìn về tương lai và quý trọng những giá trị được gìn giữ, trao truyền cho mình. 

Như Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI