Người thổi hồn vào những chiếc bánh quê

13/10/2017 - 11:00

PNO - Bánh bò, bánh tằm, bánh ít khoai mì, bánh đúc, bánh ít… chỉ là món quà quê nhưng là tất cả tâm huyết mà cô Võ Huyền Nga dành khoảng thời gian dài nghiên cứu công thức gốc, tìm lại hương vị thơm ngon của loại bánh Việt.

Trước khi bước vào nghề làm bánh, cô Võ Huyền Nga công tác ở ngành dược hơn 23 năm. Sau biến cố của gia đình, cô muốn làm những loại bánh mà ngày xưa mẹ cô yêu thích nên bắt đầu nghiên cứu những loại bánh bột. Kể từ đó, niềm đam mê với những chiếc bánh quê khởi đầu công việc mới mà cô không ngờ tới.

Nguoi thoi hon vao nhung chiec banh que
Cô Võ Huyền Nga dành tất cả đam mê vào những loại bánh cổ truyền.

Quà quê mà sang cả

Mãi đến thời gian gần đây, cùng với trào lưu chuộng thực phẩm homemade, người tiêu dùng quay lại với thực phẩm truyền thống, những loại bánh Việt của cô Võ Huyền Nga được nhiều người chú ý hơn.

Trong suốt 8 năm theo đuổi công việc trộn, gói, làm những món quà quê, tỉ mỉ và chăm chút, dù không nói ra nhưng đầy khó khăn vất vả; đến nay, có thể phần nào tạm gọi là có thành tựu. Cũng giống như những đồng nghiệp làm những chiếc bánh Tây, bánh Việt do cô Nga làm bao giờ cũng từ các đơn hàng đặt trước, bánh làm tới đâu hết tới đó.

Nhiều người nhận xét, bánh của cô Nga nhìn là muốn ăn, vì vẻ ngoài hấp dẫn. Loại bánh làm nên danh tiếng cho cô là bánh dẻo mô phỏng các loại trái cây như quả na, vải, măng cụt, thanh long, đu đủ… nhìn như thật.

Nguoi thoi hon vao nhung chiec banh que
Mâm bánh dẻo mô phỏng các loại trái cây nhìn y như thật.

Thành phần chính của vỏ bánh là bột nếp rang nhồi chung với  nước cốt dừa và dầu ăn, bên trong là nhân bánh có 2 loại nhân sữa dừa và nhân đậu xanh với chút hương hoa bưởi hay dầu chuối. Sau khi nhồi nhân vào bột, thì khâu tạo hình làm sao để cho từ cục bột nếp thành hình trái cây mới khó.

“Cũng mất khoảng thời gian dài, nghiên cứu, tìm tòi tôi mới có thể định lượng được công thức chuẩn cũng như tạo được hình như “vườn” trái cây bây giờ. Đây là loại bánh luyện tập khả năng tập trung cao, cũng như luyện sự kiên nhẫn và quan sát của người làm. Cứ kiên trì làm nhiều lần là bánh sẽ đẹp”. 

Ngày xưa, bánh dẻo thường dùng trong đám cưới, đám giỗ và nhất là ngày tết để mời người thân, bạn bè thưởng thức. Một loại bánh đặc trưng của miền Tây sông nước. bánh này là đặc biệt của miền tây sông nước. Nếu đặt mâm bánh trên bàn, ít ai có thể phân biệt đâu là bánh và đâu là trái cây.

Nguoi thoi hon vao nhung chiec banh que

Một loại bánh cũng hiếm thấy trên thị trường nữa là bánh ít khoai mì. “Củ khoai mì lạ lắm, làm đủ thứ các món ăn ngon như bánh tằm ngọt, chè khoai, bánh khoai mì nướng…, còn bánh ít khoai mì thì ở Sài Gòn chỉ có 2 chỗ làm. Ngoài một cửa hàng đặc sản thì chỉ có tôi lâu lâu nhận đơn hàng mới gói. Kiểu làm bánh này cực hơn gói bánh ít từ bột nếp. Bột từ khoai mì mài lên cũng mất thời gian nhiều hơn. Thậm chí khâu chọn loại khoai để gói thành bánh cũng là cả quá trình làm hỏng nhiều lần mới phân biệt được củ nào làm lên bánh dẻo, củ nào dễ bị sượng…", cô Nga tâm sự.

Một cái bánh ít nhỏ, cắn cỡ hai hay ba miếng là hết nhưng gói cả tâm tư, cả thời gian của những nghệ nhân làm bánh.

Nguoi thoi hon vao nhung chiec banh que
Loại bánh ít khoai mì độc đáo

“Ghét” làm bánh vì mẹ khó tính

Được nhiều đồng nghiệp trong giới mê đường bột nhận xét là người tâm huyết với nghề nhưng ít người biết, cô Võ Huyền Nga từng là người ghét và sợ làm bánh.

“Hồi nhỏ mỗi lần thấy mẹ làm bánh là không ưng, sợ học nữa vì mẹ khó quá, làm không đúng sẽ bị la nên thấy là sẽ né. Lâu lâu có len lén mẹ làm cái bánh bông lan đem khoe với đồng nghiệp trong cơ quan, chứ chưa bao giờ học cách làm bài bản từ mẹ”, cô Nga kể.

Thế rồi, cơ duyên đưa cô Nga đến với nghề bánh khi ở tuổi 52, cô nghỉ việc ở công ty dược và chuyển sang nghiệp cân bột đường, hấp từng cái bánh bò, gói từng cái bánh ít. “Chỉ đơn giản cái duyên đến thì mình nhận và sống hết mình với đam mê”, cô chia sẻ.

Nguoi thoi hon vao nhung chiec banh que

Bánh bò do cô Huyền Nga làm cũng là bánh làm theo đúng công thức truyền thống. Để làm một mẻ bánh cô phải tốn thời gian hơn 8 tiếng, từ ngâm gạo, xay bột, ủ bột… sao cho lúc đổ bánh vào khuôn, nở đều, bánh có tạo thành rễ tre, ăn giòn, vị ngọt nhẹ và nhất là không bị chai bánh.  

Không chỉ chú ý đến công thức, thời gian để làm được những chiếc bánh ngon, cô Huyền Nga còn luôn chú ý đến “ngoại hình” của bánh bột. “Thường người ta ăn bằng mắt trước, nhìn hấp dẫn rồi mới muốn ăn thử, vì nhiều loại bánh mình làm bây giờ thị trường đâu có mấy người bán, đâu phải ai cũng biết để mua ăn. Bánh của mình vị ngon, hương thơm mà vẻ ngoài xấu thì cũng khó mà thu hút được người mới”, cô cười vui vẻ cho biết.

Nguoi thoi hon vao nhung chiec banh que
Màu của bánh cũng là từ các loại lá, trái vườn nhà như lá dứa mà xanh, gấc tạo màu cam, tím than của lá cẩm… 

Để đảm bảo công thức truyền thống như ông bà làm từ ngày xưa, các nguyên liệu để làm bánh do cô tự làm. Màu của bánh cũng là từ các loại lá, trái vườn nhà như lá dứa mà xanh, gấc tạo màu cam, tím than của lá cẩm… 

Cô tâm sự: “Ông bà mình hồi xưa khéo tay, từ lá, từ nếp, gạo hay củ khoai mì cũng làm nhiều loại bánh đẹp và hấp dẫn. Mình chỉ là người đi cóp nhặt lại và lưu giữ để chia sẻ cho mọi người mà thôi”.

Nguoi thoi hon vao nhung chiec banh que
Những chiếc bánh quê được làm rất công phu, tỉ mỉ.

Luôn mong muốn nghề làm bánh phát triển hơn, cô Huyền Nga không giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ công thức, hướng dẫn tận tình cách làm cho những người muốn học cách làm. Bởi với cô, càng đông người tới nhờ cô chỉ dạy, thì tương lai của làng bánh Việt càng phát triển.

Bài: Hoài An
Ảnh: Hoàng Thuy -  Ngô Hoàng Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI