Người dân thờ ơ với bảo hiểm cháy nổ

09/05/2018 - 06:43

PNO - Theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 23/2/2018), không chỉ chủ đầu tư phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần sở hữu chung mà người dân ở chung cư từ 5 tầng trở lên cũng phải mua cho phần sở hữu riêng.

Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm cháy nổ (BHCN) bắt buộc có hiệu lực từ ngày 15/4/2018. 

Thờ ơ vì “không nghe ai nói gì”

Thật ra, quy định phải mua BHCN bắt buộc đã có từ lâu. Cụ thể, Nghị định 130/2006/NĐ-CP ban hành năm 2006 có nêu, chủ sở hữu căn hộ chung cư có trách nhiệm mua BHCN bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình và có trách nhiệm đóng góp chi phí mua BHCN bắt buộc đối với phần sở hữu chung. 

Nghị định 23/2018/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định 130/2006/NĐ-CP. Như vậy, có thể nói, BHCN bắt buộc đã có hiệu lực gần 12 năm qua.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIC) - cho biết, vẫn còn không ít chủ đầu tư chưa triển khai tuyên truyền đến người dân, dẫn đến việc người dân không biết về trách nhiệm mua BHCN bắt buộc, gói bảo hiểm mình phải mua thuộc loại nào, giá bao nhiêu. 

Nguoi dan tho o voi bao hiem chay no
Chung cư Tôn Thất Thiệp (Q.1, TP.HCM), người dân bày biện nấu ăn chiếm hết lối chung cư dễ gây cháy nổ.

Chị Thùy Dương - ngụ tại chung cư Lê Thành, Q.Bình Tân, TP.HCM - cho biết, chị sống ở chung cư này gần mười năm nhưng chưa hề nghe chủ đầu tư nhắc nhở hay tổ chức hội thảo tuyên truyền về BHCN bắt buộc cho phần diện tích căn hộ.  

Tại chung cư Thế Kỷ 21 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cư dân tại đây thuộc hạng sang nhưng đều không biết về BHCN bắt buộc. Chị Lan - một cư dân sống tại đây 10 năm - cho biết, chưa từng nghe tuyên truyền về việc mua BHCN bắt buộc cho phần diện tích căn hộ. 

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cư dân chưa mua BHCN vì họ chưa hiểu. Nếu chủ đầu tư hoặc ban quản trị chung cư thường xuyên tuyên truyền để họ hiểu rõ tầm quan trọng và quyền lợi của BHCN thì họ sẽ tham gia. Sở dĩ các chủ đầu tư vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định này bởi từ trước đến nay, chưa có chủ đầu tư và người dân nào bị phạt vì không mua BHCN. 

Lùng bùng với các loại bảo hiểm

Việc cư dân không mặn mà tham gia bảo hiểm còn do thị trường BHCN hiện đang “loạn cào cào” về mức phí, tên gọi. 

Mức phí BHCN bắt buộc tại Nghị định 23 được áp dụng là 0,05%/năm đối với chung cư có hệ thống chữa cháy tự động và 0,1%/năm đối với chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động. Tuy nhiên, một số công ty bảo hiểm tự ý nâng mức phí lên hoặc đẻ thêm một số loại BHCN khác.

Nhân viên Công ty bảo hiểm Pjico cho biết, hiện công ty có hai loại bảo hiểm: BHCN bắt buộc có mức phí là 0,1%/năm,  BHCN tự nguyện là 0,1%/năm nếu chung cư không có hệ thống chữa cháy và 0,05%/năm nếu có hệ thống chữa cháy. Cũng theo nhân viên này, nếu mua BHCN bắt buộc thì chỉ được đền bù cho trường hợp cháy nổ; muốn được đền bù cho các rủi ro khác thì phải mua BHCN tự nguyện.

Theo Nghị định 23, việc bán bảo hiểm sai sẽ bị phạt, công ty bảo hiểm có quyền từ chối khi cơ sở chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, không có biên bản kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy.

Nhưng thực tế, các công ty bảo hiểm chỉ kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chung cư thông qua lời khai của khách hàng. 

Thật ra, mức phí BHCN tự nguyện tại công ty này cũng giống BHCN bắt buộc trong Nghị định 23, nhưng công ty thay đổi tên gọi, lập lờ nói “khuyến mãi giảm mức phí 50%” (0,1% giảm còn 0,05%/năm) để thu hút khách hàng, thực chất không hề có khuyến mãi. 

Tương tự, nhân viên Công ty bảo hiểm PVI không hề hỏi người mua có hệ thống chữa cháy tự động hay không, đã đưa ngay ra mức phí BHCN bắt buộc là 0,1%, trong khi lẽ ra, với chung cư có hệ thống chữa cháy tự động, mức phí chỉ là 0,05%.

Chung cư có hệ thống chữa cháy tự động mà mua BHCN bắt buộc với mức phí 0,1% đồng nghĩa việc người dân phải tốn thêm 500.000 đồng/căn nhà trị giá 1 tỷ đồng.

Một số công ty bảo hiểm khác thì “đẻ” thêm nhiều mức khác để thu thêm tiền của khách. Như nhân viên Công ty bảo hiểm Hùng Vương - chi nhánh TP.HCM tư vấn, muốn được bồi thường các rủi ro khác ngoài cháy, nổ thì phải cộng thêm mức phí là 0,02% bên cạnh mức phí theo Nghị định 23 và phí bảo hiểm công cộng 800.000 đồng/năm.  

Theo Nghị định 23, việc bán bảo hiểm sai sẽ bị phạt, công ty bảo hiểm có quyền từ chối khi cơ sở chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, không có biên bản kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy. Nhưng thực tế, các công ty bảo hiểm chỉ kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chung cư thông qua lời khai của khách hàng. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA) - tư vấn: khi đóng tiền về BHCN bắt buộc cho phần diện tích chung, người dân nên xem có kèm theo điều khoản bổ sung về trách nhiệm trông giữ xe tại tầng hầm hay không. 

Nếu chủ đầu tư có mua bảo hiểm mà không có điều khoản bổ sung kèm theo thì người dân sẽ gặp thiệt thòi vì không được bảo hiểm đền bù nếu xe bị cháy nổ. 

Riêng phần BHCN bắt buộc thuộc diện tích căn hộ, người dân có thể mua thông qua ban quản lý tòa nhà hoặc tự mua trực tiếp từ các công ty bảo hiểm. Nên hỏi kỹ ban quản lý chung cư về tình trạng phòng cháy chữa cháy tại chung cư trước khi mua. Sản phẩm này có hai phần mua bảo hiểm: mua theo giá trị khung nhà hoặc mua kèm theo giá trị tài sản bên trong căn nhà. 

Khi mua, nên hỏi rõ về mức phí, gói bảo hiểm tên gì vì các công ty thường đưa ra gói BHCN chung chung, trong đó đã cộng thêm nhiều loại phí khác. Với nhà chung cư, mức phí BHCN bắt buộc chỉ từ 0,05 - 0,1%.

Thực tế, các rủi ro cháy nổ tại chung cư mới nguy hiểm, còn các rủi ro khác như mưa, lụt, bão, sấm sét hiếm khi xảy ra tại chung cư. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI