Bún ngâm chất tẩy trắng, hàn the: Rất dễ để phân biệt bằng mắt thường

08/05/2016 - 13:13

PNO - Không có cách chế biến nào có thể làm giảm những chất độc hại có trong bún vì vậy người tiêu dùng cần có mẹo để phân biệt nhận biết.

Bún là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của người Việt tuy nhiên đây cũng là thực phẩm dễ bị tẩm hàn the và chất tẩy trắng. Vì vậy người tiêu dùng cần "phòng thủ" cho mình một vài cách phân biệt, nhận biết để tránh mua phải loại bún độc hại này.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Phan Thị Đào, chủ một hàng bán bún phở trên phố Hàng Than (Hà Nội) chia sẻ: "Thông thường, nhiều người làm bún sẽ tẩm thêm hàn the để sợi bún được dai giòn không bị nát, còn chất tẩy trắng để sợi bún được trắng đẹp, bắt mắt. Loại bún này ăn vào là rất độc hại, người mua nào không tinh mắt là sẽ mua phải liền.

Theo kinh nghiệm của tôi, bún sạch không dùng hàn the hay hóa chất thường sẽ hơi nát, có màu trắng đục hoặc tối màu và dễ đứt gãy. Khi chạm tay vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn. Hơn thế, mùi của bún sạch mang vị chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm, không quá nặng mùi và khi ăn sẽ nồng lên hương thơm của bột gạo. Bún sạch để ở nhiệt độ thường, qua ngày sẽ dễ bị chua và ôi thiu.

Trong khi đó, bún chứa hàn the, hóa chất độc hại có màu trắng trong, sáng và sợi bún bóng mẩy, dai, khó đứt gãy. Chạm vào không có cảm giác nhuyễn, dính của bột gạo. Khi đưa ra ánh sáng mặt trời, sợi bún thường trắng óng ánh.

Loại bún này sẽ không có mùi thơm tự nhiên của bột gạo thậm chí vẫn có thể ngửi được mùi hóa chất tẩy trắng còn xót lại. Đặc biệt, bún để cả ngày với nhiệt độ cao vẫn không hề có mùi chua, thiu. Những sợi bún đó, sẽ chuyển sang màu xanh và khô cứng".

Bun ngam chat tay trang, han the: Rat de de phan biet bang mat thuong

Cùng chia sẻ về vấn đề này, chị Hoàng Thu Lan, chủ một cửa hàng bún bò Huế tại đường Láng, Hà Nội cũng cho biết: "Tôi mở cửa hàng bún ở đây đã được 5 năm nên tôi rất rõ thế nào là bún sạch, thế nào là bún ngâm hàn the, bún tẩy trắng. Bằng việc quan sát bên ngoài, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng nhận biết, phân biệt được.

Cách đơn giản đầu tiên là nhìn vào màu của sợi bún. Bún được làm từ gạo, chính vì vậy, màu của bún khi thành phẩm sẽ không thể trắng hơn gạo. Chị em cứ nghĩ đơn giản như gạo khi mang nấu thành cơm vậy, màu của bún nếu không dùng hóa chất sẽ có màu trắng ngà tương tự như màu cơm.

Nếu thấy sợi bún có màu trắng trong, rất dai và giòn thì người mua nên dè chừng vì đó có khả năng cao là bún ngâm tẩm hóa chất tẩy trắng hoặc hàn the

Hơn thế, do bún làm từ gạo cho nên dễ bị chua, chính vì thế người bán muốn bảo quản thì phải bảo quản ở nhiệt độ thấp hoặc thoáng mát. Nên nếu bún để ngoài chợ với nhiệt độ cao, để đến cuối ngày mà ngửi vẫn không chua hỏng thì có khả năng đã được xử lý hóa chất.

Bún ít hóa chất khi ăn sẽ có cảm giác của tinh bột hoặc người ăn cảm thấy rõ mùi vị của bột gạo. Cho nên những loại bún nhai trong miệng mà không có mùi vị thì nguy cơ bị dùng hóa chất là cao hơn".

Theo chị Lan thì không có cách chế biến nào có thể làm giảm những chất độc hại có trong bún. Vì vậy chị em nên tìm hiểu cho mình cách nhận biết để tránh mua phải bún độc hại.

Minh Dương
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI