Nghỉ lễ 2/9, chợ vắng, tiểu thương ế ẩm

01/09/2019 - 15:54

PNO - Trong lúc các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí đông đúc người mua sắm thì tại chợ truyền thống những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 khá vắng vẻ.

8 giờ sáng ngày 1/9, tại chợ Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM, ngày thường thì đây là cao điểm người đến chợ mua sắm nhưng hôm nay nhiều tiểu thương khá rảnh rang, họ  có thời gian ngồi tám chuyện. Lượng rau, cá, thịt chất trên quầy trông có vẻ ít hơn thường ngày.

Chị Minh Nguyệt, tiểu thương ngành hàng rau tại chợ này cho biết, chợ ngày một vắng, nhất là các dịp lễ. Khách đến chợ thường mua ít hơn, nhanh hơn rồi về nhà nấu nướng, vì thế chợ cũng tan sớm hơn nên chị lấy số lượng rau ít hơn thường ngày.

Nghi le 2/9, cho vang, tieu thuong e am
Tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương thấy khách vào chợ là mừng rỡ, dịp lễ này chợ khá vắng

Quan sát tại chợ này thì có gần chục sạp đã đóng cửa. Theo các tiểu thương khác thì nhiều chủ hàng tranh thủ nghỉ ngơi, đi du lịch vì dịp này có bán doanh thu đôi khi thua ngày thường.

Vắng nhất là chợ Bàu Cát (quậnTân Bình, TP.HCM). Nhẩm đếm chỉ 50–60 lượt khách đang đi chợ. Chị Kim Dung – tiểu thương ngành hàng hóa mỹ phẩm cho hay, chị ngồi cả buổi sáng giờ chỉ có vài người ghé mua. "Muốn đóng cửa nhưng sợ mất mối, còn ngồi bán thì cứ ngáp ngắn ngáp dài vì không có khách", chị Dung than thở.

Nhóm hàng rau, thịt có vẻ bán tốt hơn. Chị Đỗ Thị Ty – tiểu thương ngành hàng rau quê tại chợ này cho biết, ngày lễ khách thường mua rau về ăn lẩu, ăn sống nên bán đắt hơn các ngành hàng khác. Song nếu so với thường ngày thì vắng khách hơn. Đón trước tình hình nên chị chỉ lấy 2/3 lượng rau so với mỗi ngày.

Tại các gian hàng thịt tại đây đều tham gia sự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm(LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ nên lượng khách mua khá đông hơn so với các gian hàng thịt ngoài đường. Nhưng một số sạp tại đây cũng lấy hàng ít hơn để tranh thủ về nhà nghỉ ngơi.

“Mấy ngày nay mà lấy nhiều về là ôm hàng cái chắc. Phần lớn người dân đi mua tại siêu thị vì mát mẻ, được khuyến mãi hoặc đi chơi, chợ này chỉ bán cho các mối quen quanh khu vực chợ, không hề có khách vãng lai. Nhiều khách hàng trước khi nghỉ lễ còn thông báo với tiểu thương sẽ đi chơi nữa mà” – chị Thịnh, tiểu thương ngành thịt nói.

Thấy khách đông nhất trong các chợ mà chúng tôi khảo sát là chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM).

Nghi le 2/9, cho vang, tieu thuong e am
Khách đến chợ Bà Hoa đông hơn một số chợ khác nhưng theo tiểu thương thì lượng khách vậy là vắng

Tuy nhiên theo các tiểu thương tại đây thì “khách đi chợ cũng không đi chợ, đi chơi cũng không đi chơi”. Tức, khu vực quanh chợ Bà Hoa đa phần là người dân miền Trung, do ở xa nên họ không đi về quê, song cũng không đi du lịch hoặc là ra chợ mua đồ mà ở nhà.

Nghi le 2/9, cho vang, tieu thuong e am
11h trưa nhưng quầy thịt tại chợ còn đầy ắp

Chị Mai – tiểu thương bán cá tại chợ than thở "ế lắm em ơi, bán sáng giờ mà hàng còn nguyên. Không hiểu khách đi đâu mà đến chợ ngày một ít đi. Lễ các năm trước khách đến chợ đông nghịt, chen chân không lọt, hai năm trở lại đây vắng tanh..."

Nghi le 2/9, cho vang, tieu thuong e am
Nhìn chung giá thịt bò, rau tại chợ Bà Hoa không tăng giá

Mặc dù dịp lễ nhưng một số mặt hàng không có tình trạng “té” theo giá. Chị Thảo – tiểu thương sạp thịt bò Thanh Thảo cho hay, bình thường chị bán thịt bò giá 250.000 – 270.000đ/ký, ngày lễ hay ngày Tết cũng vậy. Chỉ có thịt heo tăng giá nhẹ 3.000 – 5.000đ/ký do lượng cung ít nhưng lượng cầu nhiều.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI