Nạn giả giấy tờ ngân hàng đang phổ biến, tinh vi hơn

16/10/2018 - 06:00

PNO - Thủ đoạn làm giả thư bảo lãnh, cam kết thanh toán qua ngân hàng tinh vi đến mức dù đã cẩn thận kiểm tra, đối chiếu, không ít người vẫn bị lừa.

Mất tiền, hàng vì tin vào giấy giả

Bà T.N.V. - ở Q.8, TP.HCM - cho biết, bà đã bị đối tác sử dụng chứng thư bảo lãnh giả để chiếm đoạt tiền. Cụ thể, ngày 28/5, bà Cao Bảo Ngân - ngụ tại Q.6, TP.HCM - đặt mua của bà V. 10kg yến sào thô trị giá 300 triệu đồng và bà Ngân chỉ tạm ứng tiền mặt trước 50 triệu đồng.

Để bà V. tin tưởng cho nợ 250 triệu đồng trong thời hạn 3 tháng bà Ngân đã chuyển cho bà V. chứng thư bảo lãnh của một ngân hàng thương mại cổ phần với nội dung: nếu bà Ngân không hoàn trả 250 triệu đồng thì ngân hàng sẽ có trách nhiệm chi trả hộ bà Ngân. 

Nan gia giay to ngan hang dang pho bien, tinh vi hon
Một mẫu chứng thư bảo lãnh giả được các đối tượng sử dụng để lừa đảo

Tuy nhiên, 3 tháng trôi qua, bà Ngân vẫn không thanh toán tiền cho bà V. Bước sang tháng thứ tư, quá sốt ruột và không còn tiền để nhập hàng, bà V. yêu cầu ngân hàng - nơi phát hành chứng thư bảo lãnh - thực hiện nghĩa vụ. Qua kiểm tra, phía ngân hàng trả lời, chưa từng phát hành chứng thư bảo lãnh như bà Ngân đã chuyển cho bà V. 

Ngoài chứng thư bảo lãnh giả, gần đây, còn nở rộ tình trạng làm giả cam kết thanh toán qua ngân hàng. Chị N.T.T. - ngụ tại Q.5, TP.HCM, làm nghề kinh doanh trầm hương và sản phẩm làm đẹp từ trầm hương gia truyền - kể, cuối tháng Bảy vừa qua, có một đối tác ở tỉnh Tây Ninh tìm đến mua đơn hàng trầm hương trị giá 200 triệu đồng, đặt cọc trước 150 triệu đồng, phần còn lại sẽ thanh toán qua tài khoản tiền gửi ngân hàng.

Đối tác này đưa cho chị T. bản cam kết thanh toán qua ngân hàng, trong đó thể hiện các nội dung xác nhận Công ty TNHH Ngọc Minh, địa chỉ: tổ 15, ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, mã số thuế 3901269901; Công ty Ngọc Minh sử dụng chủ yếu số tài khoản 0004106868684009 tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), ngày mở tài khoản là 31/8/2012, tại thời điểm xác nhận, số dư trên tài khoản là 1 tỷ đồng và “công ty cam kết sử dụng tài khoản trên để thanh toán hợp đồng số 003, thời gian thanh toán chậm nhất là 15 ngày; nếu Công ty Ngọc Minh không thực hiện thanh toán qua ngân hàng sau thời hạn nêu trên, ngân hàng có quyền từ chối xác nhận cho những lô hàng sau đó mà không phải chịu trách nhiệm về các chi phí hoặc tổn thất phát sinh khác”. 

Theo chị T., đại diện Công ty Ngọc Minh được người bạn giới thiệu đến mua hàng, cộng với cam kết thanh toán có chữ ký, đóng dấu của OCB nên chị tin tưởng, cho nợ tiền. Tuy nhiên, quá 15 ngày, vẫn không thấy người của Công ty Ngọc Minh thanh toán, chị gọi điện thoại thì bị khóa số, công ty cũng trong tình trạng đóng cửa. Chị T. đến OCB tìm hiểu thì đại diện ngân hàng cho biết, bản cam kết thanh toán qua ngân hàng trên là giả.

Thủ đoạn giả mạo ngày càng tinh vi

Luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, chứng thư bảo lãnh, bản cam kết thanh toán qua ngân hàng hiện được rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp sử dụng.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp có năng lực tài chính kém, không có tài sản đảm bảo để đề nghị ngân hàng bảo lãnh đã làm giả các loại giấy tờ này để có thể lấy hàng, tạm ứng được tiền từ đối tác. Văn phòng luật sư của ông từng gặp những vụ làm giả chứng thư bảo lãnh, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. 

Theo luật sư Nguyễn Hà Phong, để chắc ăn, bên thụ hưởng bảo lãnh có thể trực tiếp đến ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh để kiểm tra.

Trước khi ký hợp đồng kinh doanh, ứng tiền, giao hàng cho đối tác với giá trị lớn, cần phải tìm hiểu kỹ về đối tác để phòng ngừa rủi ro. 

Đại diện OCB cho biết, tuần nào, hội sở ngân hàng này cũng tiếp nhận 3-4 trường hợp là nạn nhân của chứng thư bảo lãnh giả, bản cam kết thanh toán qua ngân hàng giả. Trong đó, có phân nửa số trường hợp kịp thời nhờ ngân hàng kiểm tra và phát hiện ra chứng thư bảo lãnh giả nên không ứng tiền hoặc giao hàng cho khách; số còn lại đến ngân hàng nhờ kiểm tra sau khi đã thực hiện giao dịch.

“Hầu như ngân hàng nào cũng gặp tình trạng này. Thủ đoạn làm giả của bọn tội phạm ngày càng tinh vi” - đại diện OCB nói. 

Theo khuyến cáo của các ngân hàng, để kiểm tra chứng thư bảo lãnh, khách hàng có thể xác minh qua ngân hàng, nhưng thực tế, bọn tội phạm còn lập website ngân hàng giả mạo.

Công an TP.Cần Thơ từng bắt giữ 7 đối tượng trong một đường dây chuyên làm giả chứng thư bảo lãnh ngân hàng để chiếm đoạt tiền, bằng cách lên mạng lấy mẫu chứng thư bảo lãnh thật của các ngân hàng, dùng phần mềm chỉnh sửa tên doanh nghiệp, số tiền, thời gian bảo lãnh rồi in bằng phương pháp in phun màu, sau đó lập trang web giả của ngân hàng, thuê 2 số điện thoại cố định, điền thông tin website, 2 số điện thoại trên vào các chứng thư bảo lãnh giả.

“Hiện các ngân hàng đều có dịch vụ tra cứu chứng thư bảo lãnh trực tuyến. Bên thụ hưởng chứng thư bảo lãnh nên truy cập vào website ngân hàng, gọi vào số hotline trên website để đối chiếu với chứng thư bảo lãnh đã được phát hành, không nên gọi vào số điện thoại trên các chứng thư bảo lãnh. Trên chứng thư bảo lãnh đều có dãy số sê-ri, khách hàng có thể đối chiếu bằng cách gõ dãy số sê-ri trên chứng thư bảo lãnh vào website, nếu trùng khớp là chứng thư bảo lãnh thật” - đại diện OCB cho biết thêm. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI