Mỹ phẩm 'thuần chay', xu hướng làm đẹp mới

11/08/2019 - 14:05

PNO - Sử dụng mỹ phẩm thuần chay hiện đã trở thành xu hướng, tuy nhiên loiaj mỹ phẩm này là gì, sử dụng có tốt không; chúng khác gì so với các loại mỹ phẩm hữu cơ (organic), tự nhiên (natural), sạch... vẫn chưa rõ ràng

Nói không với động vật

Khi bào chế mỹ phẩm, thông thường các hãng thường sử dụng các nguyên liệu từ động vật như trứng, sữa, phô mai, mật ong, sáp ong, mỡ lông cừu (chiết xuất từ da, lông cừu), gelatin (một loại collagen trong xương, da động vật), cholesterol (chất béo trong màng tế bào động vật), albumin (một loại protein trong huyết thanh động vật), long diên hương (chất sáp màu được tạo ra trong hệ tiêu hóa của cá nhà táng), ngọc trai, gel ốc sên… Mỹ phẩm “thuần chay” không chứa những nguyên liệu kể trên mà có thành phần chiết xuất hoàn toàn từ thực vật. 

Các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật thường phải có thêm các thành phần tổng hợp như paraben (chất bảo quản kháng khuẩn và kháng nấm), rượu, chất tẩy rửa, tạo mùi và nhiều chất khác… nên dễ gây kích ứng cho làn da nhạy cảm. Dùng mỹ phẩm “thuần chay” cũng giống như việc ta ăn các loại rau sống, trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống ô-xy hóa nên sẽ giảm thiểu tối đa hiện tượng gây kích ứng cho làn da nhạy cảm, đồng thời giúp da mềm mại hơn. 

Ngoài ra, còn nhiều lý do để chị em lựa chọn mỹ phẩm “thuần chay” như: không làm tổn hại đến bất kỳ loài động vật vô tội nào, sống xanh và góp phần bảo vệ trái đất. 
Làm cách nào để nhận biết mỹ phẩm “thuần chay”?

My pham 'thuan chay', xu huong lam dep moi
Mỹ phẩm "thuần chay" đang thành xu hướng làm đẹp được nhiều người chọn lựa

Nhiều người cho rằng, mua mỹ phẩm “thuần chay” chỉ cần đọc thành phần, nếu thấy không chứa nguồn gốc động vật là được. Tuy nhiên, sẽ rất khó xác định bởi các nhãn mỹ phẩm không buộc phải ghi rõ nguồn gốc thành phần lên bao bì. Bác sĩ Trần Thế Viện - Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - lấy ví dụ, bao bì chỉ ghi chung chung là squalene, axit stearic. Nhưng squalene có thể lấy từ dầu gan cá mập hay dầu ô-liu, a-xít stearic có thể lấy từ dừa hoặc động vật… Ngoài ra, một số thành phần như oleic, palmitic, palmitoleic, linoleic, myristic… cũng có thể là có nguồn gốc mỡ động vật thay vì thực vật. 

Mỹ phẩm “thuần chay” được xác nhận bởi các tổ chức chứng nhận “vegan” như Vegan Action hoặc The Vegan Society, trên bao bì sản phẩm thường có logo “vegan”.
“Thuần chay” khác với hữu cơ, tự nhiên, “sạch”?

Hiện nay, có quá nhiều dòng mỹ phẩm (tự nhiên, hữu cơ, mỹ phẩm không tàn nhẫn (Cruelty Free)…). Nhiều người vẫn nghĩ “thuần chay” cũng có nghĩa là hữu cơ, là “sạch” hoặc tự nhiên. Nhưng thực chất chúng rất khác nhau về thành phần. 
Mỹ phẩm “thuần chay” là mỹ phẩm không chứa các chiết xuất từ động vật nhưng vẫn có thể được tiến hành thử nghiệm trên động vật. 

Mỹ phẩm không tàn nhẫn: không chứa các chiết xuất từ động vật và không tiến hành thử nghiệm trên động vật. Nhiều nhà sản xuất cũng gọi mỹ phẩm không tàn nhẫn là “thuần chay”. 

Mỹ phẩm tự nhiên: chúng ta thường thấy cụm từ “natural” trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, cụm từ này đang được lạm dụng, bởi một sản phẩm dù chỉ có 1% thành phần tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật hay khoáng chất cũng được để dòng chữ sản phẩm tự nhiên. Sản phẩm 100% thành phần tự nhiên thường có hạn sử dụng rất ngắn nên các nhà sản xuất thường thêm các thành phần tổng hợp. Để chắc chắn sản phẩm chứa bao nhiêu thành phần tự nhiên, có thể kiểm tra trong thành phần. Các chiết xuất tự nhiên thường được đặt theo tên khoa học hoặc tiếng Latin, nếu không rõ có thể tra từ điển mỹ phẩm (cosmetic dictionary).

Mỹ phẩm hữu cơ: cụm từ này cũng đang được nhiều nhà sản xuất lạm dụng. Đa phần sản phẩm trên thị trường chỉ có một ít thành phần hữu cơ nhưng vẫn được gắn nhãn mác hữu cơ. Nếu là sản phẩm hữu cơ thật sự, để được chứng nhận, toàn bộ nguyên liệu sản xuất sản phẩm phải được trồng hữu cơ, không qua thử nghiệm trên động vật, không chứa paraben, hạt nano, thuốc nhuộm tổng hợp, hương nhân tạo… Hiện có thể tìm mua sản phẩm hữu cơ bằng cách nhận diện logo của các tổ chức uy tín như Soil Association Organic, COSMOS (Cosmetic Organic Standard), BDIH (Đức), Cosmebio và Ecocert (Pháp), ICEA (Ý).

Mỹ phẩm “sạch”: là mỹ phẩm không chứa các thành phần như sunfat, silicones, phthalates, paraben, thuốc trừ sâu, dẫn xuất dầu mỏ, màu nhân tạo, hương liệu tổng hợp… 

Mỹ phẩm “thuần chay” liệu có tốt và an toàn?

Nguyên liệu làm nên mỹ phẩm “thuần chay” đều từ thiên nhiên, chiết xuất từ hoa, quả, thực vật và khoáng chất như: trà xanh, trái bơ, hoa hồng, trái gấc, chiết xuất nước cây phỉ, nước phong lữ, tinh chất hoa sen, tinh chất lavender… hoặc từ lá, rễ, thân cây thảo dược… Những nguyên liệu này thường chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tự nhiên, vừa có tác dụng trị liệu, vừa nuôi dưỡng da. 

Theo bác sĩ Trần Thế Viện, mỹ phẩm “thuần chay” an toàn hay không phụ thuộc vào việc da người sử dụng có hợp với sản phẩm đó không. Ví dụ, nếu da người sử dụng dị ứng với thành phần từ quế, khi dùng các sản phẩm “thuần chay” có chứa thành phần từ quế, da có thể bị kích ứng ngay. Nếu xét an toàn ở góc độ tác động sâu vào sức khỏe, mỹ phẩm “thuần chay” an toàn hơn vì trải qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đề cao yếu tố thân thiện với người dùng và môi trường. 

Khái niệm tốt được hiểu là hiệu quả sau khi sử dụng. Riêng về mỹ phẩm “thuần chay”, hiệu quả sẽ chậm hơn nhưng bền vững hơn mỹ phẩm thông thường. Mỹ phẩm thông thường chứa hóa chất có thể đem lại hiệu quả nhanh trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài da sẽ bị ảnh hưởng xấu do thường xuyên tiếp xúc với hóa chất. Ngược lại, mỹ phẩm “thuần chay” cung cấp dưỡng chất, giúp da phục hồi. Việc thường xuyên sử dụng mỹ phẩm “thuần chay” trong thời gian dài không làm da bị xuống cấp như mỹ phẩm thông thường. 

Hạn sử dụng của mỹ phẩm “thuần chay” phụ thuộc vào thành phần của sản phẩm đó. Nếu là sản phẩm nguyên chất từ dầu thực vật, bột thực vật thì hạn sử dụng lâu hơn, bởi bản chất của các nguyên liệu này chính là chất bảo quản. Những sản phẩm được pha trộn như toner, serum, kem dưỡng… có hạn sử dụng ngắn hơn. 

Khi sử dụng mỹ phẩm “thuần chay” cần lưu ý cách bảo quản vì nếu không bảo quản đúng cách, sản phẩm rất nhanh hư. Cần đậy kín sau khi sử dụng. Để sản phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nước. Không sử dụng khi sản phẩm có biểu hiện trở mùi, tan chảy, lên mốc…

Giá thành của mỹ phẩm “thuần chay” tùy thuộc vào nguyên liệu, thương hiệu, bao bì... Đa số mỹ phẩm “thuần chay” đắt hơn mỹ phẩm thông thường. 

Inika: là thương hiệu mỹ phẩm thuần chay với đa dạng sản phẩm, từ kem nền dạng lỏng, phấn highlight, cho đến những thỏi son đầy màu sắc.Một số nhãn hiệu mỹ phẩm “thuần chay”

Axiology: là thương hiệu son đình đám với nhiều dòng son kem có chất lượng cao. 
Spectrum: Không chỉ sở hữu những bộ cọ đẹp, những sản phẩm này còn 100% “thuần chay”. 

B.Beauty: Một thương hiệu “thuần chay” bình dân phù hợp với hầu bao của học sinh, sinh viên. 

PHB: Sản phẩm của thương hiệu này không hề thử nghiệm trên động vật, “thuần chay” 100%.

RE:P: Viết tắt của “Real Elemental Practice” (sử dụng nguồn gốc từ thực vật) và được phát triển bởi NEOGEN - thương hiệu quen thuộc trong chu trình chăm sóc da mỗi ngày. 

ELF Cosmetics: Bên cạnh những dòng sản phẩm thông thường, ELF vẫn cho ra mắt những dòng mỹ phẩm “thuần chay” thật sự. 

Pacifica: 100% các dòng mỹ phẩm của thương hiệu này đều “thuần chay”. Tất cả vỏ hộp, chai, lọ của hãng đều làm từ vật liệu tái chế và có thể phân hủy tự nhiên.

Klairs: Thương hiệu này chưa bao giờ thử nghiệm trên động vật kể từ khi ra đời. Sản phẩm phù hợp với làn da nhạy cảm. 

Benton: Không thử nghiệm trên động vật và sử dụng công nghệ đặc biệt để bảo quản thay vì chất bảo quản.

E Nature: Sản phẩm hoàn toàn “thuần chay” và không thử nghiệm trên động vật. Bao bì sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI