Mua đồ chơi cân ký: Ham rẻ, rước bệnh

30/11/2014 - 07:45

PNO - PN - Đã mở dịch vụ giữ trẻ, dù lớn hay nhỏ, nhất thiết phải sắm cho được đồ chơi. Nhưng không phải nơi nào cũng có điều kiện để mua đồ chơi mới, chất lượng. Vì thế, nhiều nơi xin đồ chơi cũ, tận dụng đồ chơi ở hàng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Không có hàng “rẻ mà tốt”?

Đồ chơi dành cho trẻ lứa tuổi mầm non (MN) được sử dụng nhiều nhất là đồ chơi nhựa. Đồ chơi nhựa rất đa dạng, bắt mắt về màu sắc, phong phú về chủng loại từ hình trái cây, con vật đến chén dĩa, ly tách... nên dễ dàng thu hút các bé. Do có nhu cầu gửi con vừa được hai tuổi, chị Nguyễn Thị Phương (32 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đến một số nhóm trẻ gia đình, trường MN tư thục để khảo sát.

Vừa bước vào trường MN tư thục T. (Q.Tân Phú, TP.HCM), chị Phương giật mình khi thấy trẻ nhóm lớp 12 - 24 tháng đang chuyền tay nhau “nhấm nháp” đồ chơi nhựa. Theo chị Phương, những món đồ chơi nhựa này mới nhìn sơ qua là biết làm từ nhựa tái chế, được đổ đống và bán với giá rất rẻ tại nhiều điểm ở TP.HCM. Không yên tâm, chị Phương tìm trường khác. Nhưng hỡi ôi, hàng chục trường tư thục, nhóm trẻ gia đình chị đến đều dùng đồ chơi nhựa phế thải cho trẻ. Chị than thở: “Tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe của con. Khi chúng tôi có nhu cầu gửi con nhỏ thì đều muốn tìm các trường có cô giáo biết yêu thương học trò, chứ đâu ai có thời gian tìm hiểu đồ chơi ở trường như thế nào, có nguồn gốc từ đâu...”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, tại sao không mua đồ nhựa có thương hiệu để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cô H. - chủ một nhóm trẻ gia đình ở Q.Bình Tân, TP.HCM giãi bày: “Trẻ của lớp mình chủ yếu là con công nhân, phí gửi trẻ chỉ từ 800.000đ - 1,2 triệu đồng/trẻ/tháng. Với mức phí đó, chúng tôi không thể mua đồ chơi cao cấp cho trẻ. Tuy biết đây là nhựa tái chế, không tốt cho sức khỏe của trẻ, nhưng chúng tôi đều vệ sinh chúng kỹ càng bằng nước ấm, dung dịch rửa đồ chơi trước khi đưa cho trẻ. Chúng tôi cũng rất cẩn thận khi rửa tay chân sạch sẽ cho trẻ khi đã chơi xong. Nói thật, chúng tôi đã tìm nhiều nguồn khác nhau, nhưng hàng đồ chơi nhựa trong nước gần như chưa có hàng tốt, phù hợp với các nhóm lớp MN có mức học phí thấp...”.

Mua do choi can ky: Ham re, ruoc benh

Đồ chơi giá rẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe cho trẻ

35.000đ/ký, tha hồ mua

Trong vai người cần mua đồ chơi cho nhóm trẻ gia đình, chúng tôi đến khu chuyên bán đồ chơi trên đường Ngô Nhân Tịnh (P.2, Q.6, TP.HCM) sát bến xe Chợ Lớn. Chỉ một đoạn đường ngắn khoảng 500m mà đã có hơn một chục điểm bán hàng. Chọn một cửa hàng khá đông khách, chúng tôi như lọt thỏm giữa “ma trận” đồ chơi chất ngổn ngang chắn hết lối đi. Vừa cất tiếng hỏi đồ chơi nhựa, nhân viên bán hàng tên Hương nhanh nhảu: “Chị mua cho bé ở nhà chơi thì nên chọn đồ chơi đã được đóng thành bịch sẵn, màu sắc đẹp mà nhựa lại tốt”. Nhưng khi biết chúng tôi mua đồ chơi cho trường MN, Hương chỉ tay vào đống đồ chơi xỉn màu, chất trong các giỏ nhựa: “Mua cho trường MN thì nên chọn đồ chơi bán theo ký này nè, rẻ lắm, chỉ 50.000đ/ký thôi. Nhiều trường MN đến đây mua loại này”. Thấy chúng tôi băn khoăn, Hương trấn an: “Tuy là đồ nhựa tái chế nhưng vẫn là do mình sản xuất, vừa rẻ lại yên tâm hơn so với các loại hàng không rõ nguồn gốc khác”.

Ghé vào một cửa hàng đồ chơi khác, chúng tôi đặt vấn đề muốn mua đồ chơi nhựa giá rẻ. Người đàn ông bán hàng nhanh nhảu: “Vậy là cô đến đúng địa chỉ rồi đó. Ở đây chúng tôi có đồ chơi bán theo ký, giá chỉ 35.000đ/ký thôi”. Vừa nói, ông vừa chỉ vào các bao nhựa đựng đồ chơi bày giữa lối đi. Vừa đưa tay lựa vài món đồ, tay tôi đã dính đầy bụi màu trắng, các món đồ chơi đều sần sùi, sờ tay thấy thô ráp chứ không mượt như nhiều đồ chơi nhựa khác; mùi ngai ngái của nhựa xộc thẳng vào mũi.

BS Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, đồ chơi được tái chế từ nhựa phế phẩm có nhiều chất bẩn, nguyên liệu khi sản xuất bị oxy hóa. Nhựa phế phẩm khi muốn tái chế phải dùng đến chất phụ gia công nghiệp. Nguyên liệu từ tái chế đã không an toàn, nay còn thêm phụ gia khiến đồ chơi nhựa tái chế rất độc hại. Bên cạnh đó, các sản phẩm càng nhiều màu sắc thì tiềm ẩn nguy cơ độc hại càng cao. Vì dung dịch tạo màu này là màu công nghiệp tạo từ các loại hóa chất độc hại như crom, chì, thủy ngân… Đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, chất này dễ dàng rời bỏ chất gốc và dễ phân tán vào cơ thể nếu nó tiếp xúc với nhiệt độ nóng, khi trẻ ngậm đồ chơi hoặc qua đường hô hấp. Ngoài ra, phthalate có thể gây nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng, nhất là đối với trẻ em.

Theo BS Trần Văn Ký, phụ huynh không nên ham rẻ mà mua đồ chơi không rõ nguồn gốc cho trẻ. Nên xem đồ chơi cho trẻ cũng như thực phẩm, nghĩa là phải an toàn. Có thể ngay hiện tại, trẻ chưa có biểu hiện của bệnh, nhưng về lâu dài, những chất độc hại của đồ chơi không an toàn sẽ gây ảnh hưởng đến phế quản, khí quản, hệ tiêu hóa... Cần phải bỏ ngay những đồ chơi này, bởi không thể tẩy rửa bằng các dung dịch thì đồ chơi nguy hại thành an toàn được.

 VY TRẦN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI