Mua đặc sản ăn tết, dễ bị 'dính' hàng giả

21/01/2019 - 06:41

PNO - Nhãn sản phẩm đang được quảng cáo là lườn ngỗng hun khói thực chất là thịt gà tây hun khói, còn nhãn được cho cua hoàng đế hun khói dịch ra là mực hun khói.

Các loại đặc sản núi rừng, vùng miền đang được người tiêu dùng ưa chuộng, đua nhau mua nhưng chúng đang bị làm nhái, làm giả rất nhiều. Trong khi đó, các loại thịt “độc, lạ” ngoại nhập đang bị đánh lận tên gọi, thịt gà tây bị biến thành thịt ngỗng, mực bị biến thành cua hoàng đế...

Đua nhau hét giá

Cá kho Vũ Đại được xem là đặc sản của tỉnh Hà Nam. Gần đây, người bán hàng qua mạng tung tin nguồn cá khan hiếm, sắp tới sẽ tăng giá khiến không ít khách vội vã đặt mua. Theo những người bán hàng, do ảnh hưởng thời tiết nên cả làng Vũ Đại đều không nuôi được cá, nếu đặt sớm, giá vẫn giữ 400.000 đồng/niêu 1kg, được tặng thêm dưa cải, kim chi ăn kèm; còn từ ngày 15-20 tháng Chạp, giá sẽ tăng thêm 100.000-200.000 đồng/niêu mà chưa chắc có hàng. 

Mua dac san an tet, de bi 'dinh' hang gia
“Thịt cua hoàng đế xông khói” thực chất là thịt mực xông khói

Ông Trần Xuân Thực - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh cá kho Nhân Hậu, chủ cơ sở cá kho Phong Thực (xóm 9, xã Hòa Hậu, H.Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) - cho biết, năm nay, cơ sở chuẩn bị khoảng 5.000 niêu cá kho, bằng sản lượng mọi năm. Khách thường đặt nhiều từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, đến ngày 28  thì ngưng nhận đặt hàng.

Theo ông Thực, thông tin cá tăng giá, khan hàng là chiêu giành khách của một số cửa hàng. Thực tế, nhà nào có cơ sở kho cá đều nuôi cá hoặc chuẩn bị nguồn cá bằng cách thu mua từ một số vùng lân cận về thả dưới ao nhà, khi có đơn đặt hàng mới bắt cá, làm cá, kho cá nên nguồn cá luôn đảm bảo. Từ đây đến cận tết, cá kho Vũ Đại vẫn giữ nguyên mức giá. 

Ông Thực thông tin: “Hiện cá kho Vũ Đại bị làm giả rất nhiều, thường là dùng cá trắm cỏ thay cá trắm đen - loại cá tạo nên thương hiệu đặc sản cá kho Vũ Đại. Trắm đen ngon, thịt chắc, có mùi thơm, giá cao; trắm cỏ thịt bở, không thơm, giá rẻ. Những hộ sống bằng nghề kho cá sẽ đầu tư ao hồ, nguồn nuôi và nuôi quanh năm. Các hộ chỉ làm thời vụ dịp tết lấy nguồn cá khắp nơi và chỉ thu mua được cá trắm cỏ. Việc tung tin nguồn cá khan hiếm là nhằm dễ dàng thay nguyên liệu cá đen thành cá trắm cỏ mà không bị khách phàn nàn nếu phát hiện. Một nồi cá trắm cỏ kho chỉ có giá 100.000 đồng/niêu nhưng nếu quảng cáo trắm đen, họ sẽ bán với giá 400.000 đồng/niêu”. 

Hiện cũng có rất nhiều người tìm mua các loại hạt từ rừng Tây Bắc như dổi, móc mật, mắc khén, bí, óc chó, dẻ, thông… để ăn, làm quà tết. Lượng cửa hàng online rao bán các loại đặc sản này cũng mọc lên như nấm. Ông Nguyễn Minh Điền - Giám đốc Công ty cổ phần Đặc Sản 3 Miền (đường Phan Văn Trị, P.2, Q.5, TP.HCM) - cho biết, vài năm trở lại đây, người tiêu dùng có xu hướng tìm mua các loại đặc sản rừng, trong đó có các loại hạt. Giá các loại hạt rừng khá cao do khan hiếm, chẳng hạn giá hạt dổi rừng là 3-4 triệu đồng/kg.

Mua dac san an tet, de bi 'dinh' hang gia

“Sản vật rừng rất khan hiếm, giá rất cao. Công ty chúng tôi là nơi trực tiếp thu mua từ người dân bản địa nhưng số lượng rất ít, lúc có lúc không. Tôi không hiểu các cửa hàng online lấy được nguồn hàng ở đâu mà nhiều như vậy” - ông Điền nói. 

Ăn lườn ngỗng với giá gà tây

Ngoài sản vật trong nước, thực phẩm xách tay từ nước ngoài về hiện đang là trào lưu của không ít người tiêu dùng Việt Nam. Dù giá đắt đỏ, không rõ nguồn gốc, chất lượng nhưng vì “độc, lạ”, nhiều người không tiếc tiền mua về thưởng thức và đãi khách ngày tết. Mới nổi gần đây là lườn ngỗng hun khói và thịt cua hoàng đế hun khói, được cho là hàng xách tay từ Nga. 

Theo quảng cáo trên mạng, món cua hoàng đế hun khói được sản xuất tại Moscow (Nga) được đánh bắt ở độ sâu 300m dưới mực nước biển của vùng biển Siberi nên thịt thơm, nhiều đạm, tốt cho sức khỏe. So với thịt cua hoàng đế tươi đông lạnh thì thịt hun khói được chọn nhiều hơn vì thịt dai chứ không bở, phần cua được dùng để hun khói chủ yếu là phần thịt rút từ càng và chân nên rất chắc, thớ thịt dài, dễ xé nhỏ để chế biến thành nhiều món.

Còn lườn ngỗng hun khói cũng được cho là thịt chắc, thơm, da giòn chứ không bở như gà, vịt trong nước. Hiện giá hai loại thực phẩm này đang “loạn cào cào”, chẳng hạn lườn ngỗng hun khói có nơi bán 130.000 đồng/kg, có nơi bán 450.000 đồng/kg; thịt cua hoàng đế có nơi bán 750.000 đồng/kg, có nơi bán 1 triệu đồng/kg. 

Các sản phẩm này tạo được niềm tin với người tiêu dùng vì được dán nhãn bằng tiếng Nga. Tuy nhiên, anh Nguyễn Anh Vũ - một người thạo tiếng Nga - khẳng định, người tiêu dùng do không rành tiếng Nga nên đang bị lừa. Nhãn sản phẩm đang được quảng cáo là lườn ngỗng hun khói thực chất là thịt gà tây hun khói, còn nhãn được cho cua hoàng đế hun khói dịch ra là mực hun khói. Tức người tiêu dùng đang ăn gà tây với giá ngỗng hoặc thịt mực với giá cua hoàng đế.

“Giá lườn gà tây và thịt mực hiện chỉ bằng phân nửa giá lườn ngỗng hoặc thịt cua hoàng đế. Chính vì quá tin vào quảng cáo và sính hàng ngoại xách tay nên nhiều người đang bị lừa” - anh Nguyễn Anh Vũ nói. 

Theo quan sát của chúng tôi, “cua hoàng đế” từ Nga có thớ thịt giống như cua Việt Nam, cũng bị bể ra từng thớ nhỏ khi tác động vào. Còn hình ảnh thớ thịt “cua hoàng đế” trên bao bì dài, chắc, có nhiều xơ như thịt mực đã xé nhỏ. Theo các công ty cung cấp thịt gia cầm ở TP.HCM, giá thịt ngỗng trong nước hiện dao động từ 800.000-1,3 triệu đồng/kg; nếu đúng lườn ngỗng nhập từ Nga về thì không thể nào có giá chỉ 130.000 đồng/kg. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI