Mua bảo hiểm trực tuyến nhưng vẫn… ký tay

17/04/2019 - 11:30

PNO - Hiện việc mua bảo hiểm trực tuyến qua các trang thương mại điện tử vẫn phải sử dụng hợp đồng giấy ở khâu cuối cùng vì phải chờ đến tháng 7/2019, chữ ký điện tử mới được chấp nhận.

Trong khoảng một năm trở lại đây, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh số hóa, sử dụng kênh thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn. Manulife bán bảo hiểm qua trang thương mại điện tử Shopee, FWD bán bảo hiểm ung thư qua Tiki… Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, việc giao dịch theo kênh truyền thống (nhân viên các đại lý tư vấn, thuyết phục khách hàng, làm các thủ tục thẩm định, ký kết hợp đồng) thường tốn khá nhiều thời gian. Quá trình này có thể mất từ 10-30 ngày, trong khi giao dịch trực tuyến chỉ mất khoảng 10-20 phút. 

Mua bao hiem truc tuyen nhung van…  ky tay
Các doanh nghiệp bảo hiểm đang tận dụng những tiện ích từ thương mại điện tử để nâng cao doanh số

Ông Kim Fleming - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam - cho rằng, trước đây, tư vấn viên phải mang theo cả túi tài liệu, hợp đồng khi gặp khách hàng; sau mỗi buổi làm việc, túi tài liệu lại tiếp tục dày thêm vì có những hợp đồng mới được ký kết. Do vậy, việc mua bán các sản phẩm bảo hiểm được đơn giản hóa giúp người mua thấy thuận tiện hơn. Đại diện Manulife dẫn chứng, trong tháng 3/2019, sau một tháng triển khai bán sản phẩm “Khởi đầu bảo vệ”  trên trang thương mại điện tử Shopee, công ty đã bán được khoảng 2.200 hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn áp dụng quy trình xử lý bồi thường bảo hiểm hoàn toàn tự động (eClaims). Ứng dụng này cho phép khách hàng có thể nộp yêu cầu bồi thường trực tuyến, không cần chứng từ gốc và nhận được phản hồi về kết quả bồi thường gần như ngay lập tức.

Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) - cho rằng, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các tổ chức tín dụng đều đã áp dụng thương mại điện tử nên việc số hóa lĩnh vực bảo hiểm chỉ là chuyện sớm muộn. Tại Việt Nam, hiện số người sử dụng điện thoại, máy tính có kết nối internet rất đông, là nền tảng cần thiết để các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, khung pháp lý về giao dịch điện tử trong hoạt động bảo hiểm hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hầu hết các công ty triển khai bán các gói bảo hiểm qua các trang thương mại điện tử vẫn phải sử dụng hợp đồng giấy ở khâu cuối cùng chứ chưa phải là hợp đồng điện tử với chữ ký số.

Thừa nhận trở ngại này, đại diện Manulife Việt Nam cho rằng, hiện các sản phẩm chưa thể số hóa hoàn toàn vì đến tháng Bảy tới đây, chữ ký điện tử theo thông tư 165 (hướng dẫn thực hiện Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính) mới có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay cả khi có chữ ký điện tử, Manulife Việt Nam vẫn sẽ tiến hành song song hai hình thức là hợp đồng giấy và hợp đồng điện tử, bởi theo ông Kim Fleming, xu hướng giao dịch điện tử được những khách hàng thuộc thế hệ 9X, 8X lựa chọn nhiều hơn do có nền tảng hiểu biết về công nghệ, trong khi các khách hàng lớn tuổi vẫn quen với việc ký hợp đồng giấy. Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp bảo hiểm duy trì cả hai hình thức, đồng thời vẫn duy trì các đại lý bảo hiểm ngay cả khi bán các gói bảo hiểm qua các kênh thương mại điện tử. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI