Mua bán theo… tin đồn!

27/06/2015 - 07:04

PNO - PN - Hai ngày qua, hàng trăm người dân đổ xô đến tiệm vàng Rồng Vàng ở chợ Đông Ba (P.Phú Hòa, TP.Huế) để bán vàng, sau khi có tin đồn tiệm vàng này sẽ đóng cửa, do bán vàng kém chất lượng. Chuyện mua bán, giao dịch chạy theo những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mua ban theo… tin don!

Tiệm vàng Rồng Vàng ở TP. Huế đang vướng họa tin đồn - Ảnh: Ngọc Minh

Đổ xô đi bán vàng vì nghe tin “vàng dỏm”

Chủ tiệm vàng Rồng Vàng kể, tiệm đóng cửa một ngày để đi ăn tiệc cưới của người thân, khi về bỗng thấy mọi người ùn ùn tìm tới bán vàng.

Trong số hơn 20 người đang chen chân đến tiệm Rồng Vàng trưa 25/6, chị Trần Thị Len ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy cho biết: “Mấy ngày ni đi về chợ Tuần mua thức ăn thấy bà con đồn Rồng Vàng đổ nợ, sắp dẹp tiệm, nên tui cũng theo chân mọi người đến bán vàng”. Rất nhiều chị em phụ nữ chấp nhận bán tháo vàng thấp hơn giá niêm yết từ 100.000-200.000đ/chỉ. Điều đáng nói, họ không hề quan tâm đến việc mang vàng đi thử để kiểm chứng chất lượng, đủ tuổi hay không.

Chị Lê Thị Luyện ở xã Quảng Ngạn, H.Quảng Điền, mới mua năm chỉ vàng từ số tiền tích cóp sau mấy tháng đi biển của chồng, nói: “Có biết mô anh ơi, nghe tin tiệm Rồng Vàng sắp dẹp, rồi còn nghe mấy chị em ở chợ nói: vàng mà làm ở tiệm Rồng Vàng toàn là vàng pha đồng nên tôi vội vàng đón xe lên đây”. Cũng vì nghe theo tin đồn, nhiều phụ nữ ở ven biển cũng kéo nhau lên TP.Huế bán vàng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Bông, 75 tuổi, chủ tiệm vàng Rồng Vàng cho biết: “Người dân đổ xô đi bán vàng chính là do tin đồn tiệm của chúng tôi làm vàng dỏm, vàng kém chất lượng, sẽ bị công an đóng cửa trong ngày 24/6. Chúng tôi mong muốn công an sớm điều tra, khởi tố những đối tượng đã đưa ra tin đồn, gây nhiều thiệt hại cho Rồng Vàng”.

Thượng úy Trần Anh Tuấn, Phó trưởng công an P.Phú Hòa cho biết, công an đã giải thích rõ cho người dân về việc không có chuyện đóng cửa tiệm vàng Rồng Vàng, tiệm vàng này không buôn bán vàng giả hoặc buôn bán vàng kém chất lượng. Đây là tin đồn gây thiệt hại kinh tế, uy tín cho doanh nghiệp Rồng Vàng.

Theo ông Nguyễn Văn Cầm, Phó trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, vẫn chưa xác định được tin đồn này xuất phát từ đâu.

Những tin đồn liên quan đến các tiệm vàng xảy ra khá nhiều. Cuối năm 2014, tiệm vàng Kim Ngọc tại H.Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã phải đối mặt với thông tin: “bán vàng giả” hay “sắp bị đóng cửa do vàng pha đồng”… Chủ tiệm vàng Kim Ngọc phải mua lại toàn bộ số vàng người dân bán ra với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Bà Đoàn Thị Vững - chủ tiệm vàng khi đó chia sẻ: “Sự việc khiến chúng tôi lao đao, mất ăn mất ngủ”.

Hơn 20% người tiêu dùng được khảo sát lựa chọn sản phẩm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, chuyên gia. Hơn 79% người tiêu dùng dựa vào những thông tin đánh giá của trên mạng xã hội, diễn đàn và hơn 73% số người tin theo người thân, đồng nghiệp.

(Nguồn: Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường)

Nghe đồn là tin ngay?

Việc tung tin thất thiệt gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, người sản xuất. Cuối năm 2012, nông dân H.Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi một phen lao đao vì có kẻ ác ý viết dòng chữ: “Đừng ăn chuối lùn (miền Nam gọi là chuối già). Ăn chuối lùn có thuốc sẽ bị ung thư” trên một tấm bảng, treo tại chợ Bình Châu, H.Bình Sơn. Thế là hàng trăm gia đình nông dân trồng chuối ở Sơn Tịnh điêu đứng, chuối chín bỏ rục không ai mua. Phải một tháng sau đó, việc mua bán chuối mới hoạt động trở lại.

Nhiều người còn nhớ, cách đây sáu năm, khi con cá rô đầu vuông được ưa chuộng khắp nơi thì từ các chợ đầu mối bỗng rộ lên tin đồn ăn loại cá này có nguy cơ mắc bệnh ung thư vì hình dáng và cân nặng bất thường của nó. Khi cá rô đầu vuông được “giải cứu”, tin đồn lại lần lượt “đến” với cá kèo, cá điêu hồng khiến cả người nuôi, người bán, người ăn đều hoang mang. Sau đó, mọi người mới hay, đây là “chiêu” hạ nhau của… chính những người nuôi cá. Anh Tư Hanh, một đầu mối kinh doanh thủy hải sản tại chợ đầu mối Bình Điền kể lại, hôm đó, anh nhập gần hai tạ cá kèo về chợ như thường lệ, nhưng không hiểu vì sao tiểu thương chợ lẻ từ chối không mua cá. Hỏi ra mới biết, do người ta đồn nhau ăn loại cá này bị ung thư. Cá kèo từ hơn 100.000đ/kg, rớt xuống còn 45.000-50.000đ/kg, “Phải mất hơn hai tháng trời việc buôn bán loại cá này mới trở lại bình thường…”, anh Tư Hanh nói.

Những doanh nghiệp càng có tiếng tăm, khi dính phải tin đồn, thiệt hại càng lớn.Tháng 2/2013, tin đồn Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà bị bắt đã làm rúng động sàn giao dịch chứng khoán. Các nhà đầu tư hoảng loạn, chỉ số VN-Index mất điểm nhiều nhất trong vòng sáu tháng. Theo thống kê, phiên bán tháo cổ phiếu ngày 21/6, tổng giá trị vốn hóa thị trường ở hai sàn giao dịch đã “bốc hơi” hơn 33 ngàn tỷ đồng so với phiên trước. Vụ việc này đã được cơ quan chức năng vào cuộc, xác định đối tượng tung tin có động cơ trục lợi, phá hoại thị trường tài chính, ngân hàng. Trước đó, hàng loạt tin đồn về các “ông lớn” trong ngành ngân hàng bị bắt cũng khiến thị trường chứng khoán trồi sụt chóng mặt. Một chuyên gia trong ngành chứng khoán nhận xét, phản ứng của các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam có phần vội vã, quá phụ thuộc vào thị trường, trong khi lẽ ra nên quan tâm hơn đến danh mục đầu tư của mình.

Hậu quả nặng nề

Chị Bùi Thị Sang, ngụ ấp Mỹ Lợi, xã Nhơn Mỹ, H.Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thở dài ngao ngán: “Gia đình tôi trồng hơn 10 công ổi, nếu như từ ba năm trước, trái ổi không “dính nạn” tin đồn thì giờ cuộc sống gia đình tôi đã khác”. Năm 2013, thương lái vào tận vườn mua ổi với giá 10.000đ/kg. Với hơn 10 công ổi, một vụ chị Sang bán được vài trăm triệu đồng. Mỗi năm, ổi cho thu hoạch đến bốn-năm lần. Nhưng đùng một cái, tin đồn miếng mút xốp dùng để bao trái ổi có xuất xứ từ Trung Quốc rất độc hại. Hàng trăm tấn ổi đang mùa thu hoạch của bà con H.Kế Sách cùng lúc bị dội hàng. Ổi không thu hoạch, rụng đầy đất. Lần đó, gia đình chị Sang lỗ hơn 30 triệu đồng tiền công chăm sóc, thuê người bẻ trái. Mãi đến gần nửa năm sau, các nhà quản lý, nhà khoa học khẳng định miếng bao trái là của Việt Nam sản xuất, rất an toàn và quả ổi có nhiều công dụng tốt, lúc đó ổi mới bắt đầu được tiêu thụ trở lại. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá ổi chưa bao giờ được quay lại thời hoàng kim như trước kia.

Gần một năm kể từ khi xuất hiện tin đồn tiệm vàng Tuấn Kiệt (số 91-92, ấp 2, xã Tấc Vân, TP.Cà Mau) bán vàng non và sắp đóng cửa vào tháng 9/2014, đến nay công an TP.Cà Mau vẫn chưa tìm ra người tung tin đồn, trong khi việc kinh doanh của tiệm vàng này gần như đình trệ. Ngày 25/6, ông Lâm Thanh Nhàn, Phó bí thư Đảng ủy xã Tắc Vân, TP.Cà Mau cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định đây là “chiêu bẩn” trong kinh doanh. Tuy nhiên rất khó để xác định được người tung tin đồn”. Nhắc lại chuyện cũ, ông Huệ Thông, chủ tiệm vàng Tuấn Kiệt buồn bã: “Tôi thật sự rất sốc khi tin đồn xuất hiện, nó mang đến một hệ lụy vô cùng lớn”. Theo bà Lệ (vợ ông Thông), hoạt động kinh doanh vàng của tiệm Tuấn Kiệt trước đó rất tốt. Thế nhưng, sau khi có tin đồn, các mối làm ăn lớn đã không tiếp tục hợp tác với tiệm, lượng khách hàng lẻ đến giao dịch hàng ngày hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Hiện tại, tiệm vàng của tôi chỉ gia công và chế tác nhẫn vàng 24K, không còn chế tác các loại vàng khác vì bán không được”, bà Lệ nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, gọi nôm na việc mua bán, kinh doanh theo tin đồn là “rỉ tai nhau mua hàng”. Tâm lý này xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, từ thị trường bất động sản, chứng khoán… tới cả việc tiêu dùng, “bỉm sữa” hàng ngày của các bà nội trợ. Một cảnh sát kinh tế công an TP.Đà Nẵng cho rằng, rất khó tìm ra những kẻ tung tin đồn, nếu có nghi ngờ thì cũng khó truy chứng cứ, bởi họ chỉ cần nói “tôi nghe người ta nói vậy thì nói theo”, là… thua.

Khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) rất đáng suy ngẫm về “văn hóa tin đồn”: chỉ có hơn 20% người tiêu dùng được khảo sát lựa chọn sản phẩm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, chuyên gia. Hơn 79% người tiêu dùng dựa vào những thông tin đánh giá của trên mạng xã hội, diễn đàn và hơn 73% số người tin theo người thân, đồng nghiệp.

 Nhóm PV-CTV

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Quán tính” của quá khứ

Đây là một phần “quán tính” của quá khứ, khi người tiêu dùng sống trong môi trường thiếu thông tin và xem "tin rỉ tai" là kênh tham khảo đáng tin cậy.Tin đồn không chỉ xuất phát từ mục đích cạnh tranh không lành mạnh mà cũng có thể là chiêu nhằm thăm dò phản ứng của xã hội cho một sự kiện nào đó. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà vừa qua, trước khi giới thiệu sản phẩm điện thoại mới của một doanh nghiệp, các thông tin về hình ảnh, tính năng hay ngày ra mắt của sản phẩm này liên tục được úp mở, đồn thổi trên mạng xã hội khiến nhiều người phải quan tâm, tò mò.

Hệ quả của thói quen mua sắm này tác động lớn đến môi trường đầu tư, doanh nghiệp và bản thân người tiêu dùng.Vụ ở tiệm vàng Rồng Vàng, bản thân người dân có thể chịu thiệt thòi khi bán tháo vàng thật với mức giá rẻ. Đặc biệt, với thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, một tin đồn trong nháy mắt có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhiều nhà đầu cơ lợi dụng tin đồn để “gây sóng” trên thị trường và tranh thủ “hớt sóng”. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do không làm chủ được sóng nên nhà đầu cơ lại chịu thiệt hại do chính mình gây ra.

Các doanh nghiệp phải có thông tin chính thức, đầy đủ và lên tiếng ngay lập tức. Im lặng trước tin đồn chính là sự chấp nhận. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo uy tín cho doanh nghiệp là một biện pháp đối phó với tin đồn một cách hữu hiệu.

Luật sư Triệu Trung Dũng - Trưởng văn phòng Luật sư Triệu Dũng và cộng sự: Có luật nhưng xử lý rất khó

Pháp luật đã có quy định về việc xử lý người tung tin đồn. Với những tin đồn do cố ý, gây thiệt hại nghiêm trọng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì điều 122 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định là tội vu khống với mức phạt tù từ hai tháng đến hai năm. Nếu đối tượng tung tin đồn vi phạm các quy định từ điểm a đến điểm e, khoản 2 của điều này, sẽ bị xử lý nặng hơn với mức án từ một-bảy năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền…, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Nếu nạn nhân bị thiệt hại nghiêm trọng về danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp khác do tin đồn thì có quyền đề nghị cơ quan công an xử lý và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, danh dự. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc xác định được đối tượng vi phạm có động cơ phạm tội hay không. Ngay cả khi đã tìm được đối tượng phạm tội thì việc xác định thiệt hại cũng không đơn giản. Uy tín, danh dự hay tài sản thiệt hại đều không thể đưa ra bằng “cảm quan” hay tính “thiệt hại do suy đoán”. Ví như ở vụ việc của tiệm Rồng Vàng, chủ tiệm vàng phải thống kê được số lượng mua ra, bán vào hàng ngày và số lượng do tin đồn nên không bán ra thu lời được (trường hợp này phải loại trừ yếu tố thị trường). Sau đó, phải so sánh với báo cáo thuế của những tháng trước để xác định mức độ thiệt hại, mới có thể yêu cầu xử lý và bồi thường thiệt hại về kinh tế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI