Mỗi người cần góp sức để thực phẩm an toàn hơn

03/05/2017 - 10:30

PNO - Từ 20/5, hành vi cố tình đưa nước hoặc các chất cấm khác vào động vật trước và sau khi giết mổ sẽ bị xử phạt với mức từ 20 đến 30 triệu đồng - theo Nghị định 41/2017

Từ 20/5, hành vi cố tình đưa nước hoặc các chất cấm khác vào động vật trước và sau khi giết mổ sẽ bị xử phạt với mức từ 20 đến 30 triệu đồng - theo Nghị định 41/2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi...). Mức phạt này tăng gấp 4-5 lần so với trước. 

Là dân chăn nuôi heo “chính hiệu”, bác tôi là bà N.T.H. sống tại huyện Củ Chi, TP.HCM kể, mỗi lần thương lái thu mua heo, trước khi cho heo lên xe, họ yêu cầu chủ nhà cho mượn máy bơm rồi tự bơm nước cho đầy bụng heo, con nào con nấy no nóc đi không nổi, mới cho lên xe; mỗi con uống ít nhất cũng hơn 5 lít nước. Thấy chúng tôi trợn tròn mắt, bác H. nói tiếp: “Xứ này người ta nuôi heo nhiều nên quá rành mánh khóe của thương lái. Bởi vậy, mấy tháng nay heo ế, nhà nhà mổ heo bán, nhưng nhờ thịt sạch, khô queo nên bà con vẫn mua nhiều lắm”.  

Moi nguoi can gop suc de thuc pham an toan hon
Sau khi mua heo của người chăn nuôi, thương lái thường bơm hơn 5 lít nước cho đầy bụng heo.

Cách đây bốn tháng, nhà chú tôi cũng giết một con bò để bán thịt cho hàng xóm ăn tết. Dù không rao hàng nhưng không hiểu sao người ta kéo đến mua như hội, có nhà mạnh tay chi hơn một triệu đồng mua thịt bò về trữ ăn dần, bởi theo họ “thịt bò này khô, không bơm nước nên ăn an toàn. Bò ngoài chợ hên xui lắm”.  

Gia cầm hay súc vật nếu bị bơm nước hay tiêm bất kỳ chất gì trước hoặc sau khi giết mổ, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Như với hành vi bơm nước, các chuyên gia thực phẩm khẳng định, nếu nguồn nước không đảm bảo, nước nhiễm vi sinh vật, chứa mầm bệnh thì chắc chắn khi bơm vào vật nuôi sẽ thâm nhập vào thịt, các cơ quan của vật nuôi. Thêm nữa, quá trình giết mổ không bài bản, không vệ sinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nếu dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc an thần... tiêm cho động vật trước khi giết mổ, nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng càng cao gấp bội. 

Nghị định lần này tỏ ra rất mạnh tay, quyết liệt với những hành vi gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Trước đó không lâu, cũng đã có quy định xử lý hình sự đối với hành vi đưa chất cấm vào gia súc, nhờ vậy mà hơn một năm qua, các cơ quan chức năng chưa phát hiện hành vi nào tương tự. 

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không chỉ là vì sức khỏe cộng đồng mà còn vì chất lượng giống nòi, do đó nó cần phải được các cơ quan chức năng quan tâm thấu đáo. Vẫn còn đâu đó hành vi cho thuốc tăng trưởng vào giá đỗ, xịt các loại thuốc độc hại hoặc không rõ nguồn gốc vào rau xanh hay hành vi dùng cồn chế biến rượu, tẩm hóa chất vào trái cây...

Ngoài sự bất chấp của thương lái, của người trực tiếp nuôi trồng, còn có sự yếu kém của khâu kiểm tra, phát hiện các hành vi này, mà nguyên nhân được cho là lực lượng mỏng, chưa đủ năng lực, trình độ chuyên môn, thiếu công cụ, trang thiết bị test mẫu...

Quy định nghiêm khắc đã có, vấn đề là thực thi như thế nào để tạo ra một thị trường lành mạnh với những nhà sản xuất và thương lái có lương tâm. Trao đổi với báo chí bên lề lễ phát động ra quân Tháng ATVSTP mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban ATVSTP TP.HCM - đau đáu: “Chúng tôi sẽ cố hết sức và làm hết khả năng của mình. Lực lượng kiểm tra, giám sát vấn đề ATVSTP rất quan trọng, nhưng cái khó là biên chế chỉ gói ghém chừng ấy, không tăng mà chỉ luân chuyển từ chỗ này sang chỗ kia nên chúng tôi sẽ sắp xếp lại, tăng cường lực lượng phối hợp để tăng sức mạnh và hiệu quả của việc kiểm tra. Trước mắt, sẽ tăng cường lực lượng thanh, kiểm tra tại các chợ đầu mối để kiểm soát dần”.

Ngoài trông chờ vào lực lượng thực thi pháp luật, mỗi người dân nên là tai mắt, mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi gian lận, bỏ chất cấm vào thực phẩm gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Xin đừng làm ngơ, vì nếu làm ngơ, biết đâu hôm nay, ngày mai, ngày kia, con cháu ta, họ hàng ta là những người đang ăn, sẽ ăn những loại thực phẩm nguy hiểm đó. 

 Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI