Mã code không phải giấy chứng nhận an toàn

17/08/2016 - 15:13

PNO - Là khẳng định của ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội) liên quan đến việc triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc gần 500 mặt hàng thực phẩm bằng điện thoại di động.

Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn. Theo đó, chỉ cần chiếc smartphone sử dụng hệ điều hành ISO hoặc Android có kết nối internet, người tiêu dùng (NTD) có thể quét mã QR code dán trên các sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết của sản phẩm, từ nguồn gốc sản xuất đến hệ thống phân phối.

Theo ông Chí, dự kiến NTD sẽ được tiếp cận ứng dụng này vào cuối tháng Tám, đầu tháng Chín tới. Trung tâm sẽ thí điểm dán mã code cho khoảng 500 mặt hàng nông sản (chủ yếu là rau an toàn, rau hữu cơ, miến, mì, hoa quả...) của năm doanh nghiệp sản xuất và các cơ sở chế biến, đóng gói các sản phẩm từ các tỉnh đưa vào Hà Nội.

Khi NTD quét mã code bằng smartphone, thông tin hiển thị sẽ bao gồm: tên sản phẩm; mô tả sản phẩm; các loại giấy tờ chứng nhận với đầy đủ thông tin về đơn vị cấp phép, ngày cấp phép, ngày hết hạn; địa chỉ của đơn vị sản xuất hay đóng gói trực tiếp... “Đặc biệt là NTD có thể phản hồi trực tiếp về sản phẩm thông qua phần mềm này. Thông tin sẽ được chuyển đến đơn vị sản xuất và cơ quan quản lý. Nếu NTD phản ánh sản phẩm mình mua có vấn đề, chúng tôi sẽ lập tức phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra”, ông Chí nói.

Ma code khong phai giay chung nhan an toan
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Trái với lo ngại về việc in tem sẽ gây tốn kém, nhiều doanh nghiệp tỏ ra hào hứng với chương trình này. Ông Nguyễn Tiến Hưng - chủ một hệ thống phân phối hàng nông sản tại Hà Nội cho biết, toàn bộ chi phí về phần mềm, kiểm duyệt thông tin đều do Trung tâm hỗ trợ nên doanh nghiệp không lo đội chi phí sản phẩm. “Hiện các sản phẩm của chúng tôi đều đang phải dán rất nhiều thông tin khiến chi phí cho một con tem lên tới 700đ. Việc dán mã code rất đơn giản, chỉ mất khoảng 100-200đ nên chúng tôi là người hưởng lợi. Ước tính, mỗi ngày, chi phí dán tem của hệ thống cửa hàng có thể tiết kiệm được vài triệu đồng”, ông Hưng chia sẻ.

Dù việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã code được đánh giá là một điểm sáng giữa cơn khát thực phẩm sạch của NTD, nhưng vẫn có người lo lắng về việc sẽ kiểm soát con tem - mã code này như thế nào. Liệu có xảy ra tình trạng dán nhãn nhập nhèm, “lập lờ đánh lận con đen”? Theo ông Chí, trước khi sản phẩm đóng gói, ngành nông nghiệp sẽ kiểm tra các loại giấy chứng nhận như giấy kiểm dịch động vật với sản phẩm chăn nuôi, chứng nhận VietGAP với rau quả, tiêu chuẩn hợp quy của ngành y tế với cơ sở chế biến, đóng gói... Sản phẩm có đầy đủ giấy tờ sẽ cấp mã code và cập nhật vào hệ thống để NTD truy xuất. Khâu in và dán tem có mã code sẽ do chính cơ sở sản xuất thực hiện. Đối với các sản phẩm từ các tỉnh, thường phải qua công ty sơ chế, đóng gói thì Trung tâm sẽ cấp mã code và quyền in dán cho các công ty này.

Nói về tính minh bạch của sản phẩm có mã code, chủ một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cho rằng, khó có thể xảy ra chuyện “nhập nhèm” tại các cửa hàng, vì khách hàng lấy thông tin từ mã sản phẩm sẽ điện thẳng về cơ sở sản xuất xem đơn vị phân phối có lấy hàng của họ hay không. Vấn đề ở đây là không biết các đơn vị sản xuất, chế biến có trà trộn thực phẩm bẩn trong quá trình tự in và dán tem hay không. Ông Chí khẳng định, đây là vấn đề cần sự kiểm tra thường xuyên của các lực lượng chức năng, tuy nhiên, chính người sản xuất và đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Tất cả những điểm cấp mã code đều phải ký biên bản chịu trách nhiệm trước cộng đồng.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI