Lỏng lẻo hậu kiểm, hàng kém chất lượng tràn lan

29/11/2018 - 06:00

PNO - Đại diện nhiều DN làm ăn chân chính cho rằng, quy định hậu kiểm (kiểm tra sau khi DN đã vận hành) trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý ATTP khiến họ phải chật vật đối phó với các DN làm ăn chụp giật.

Hàng chứa chất cấm, vẫn khoe giấy công bố hợp quy

Nghị định 15/2018/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 2/2/2018, cho phép doanh nghiệp (DN) tự công bố sản phẩm, cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà.

Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, các DN được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm mà không cần chờ ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước. Việc tự công bố có thể thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của DN, đồng thời gửi một bản cho cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương lưu trữ. 

Việc DN tự công bố chất lượng sản phẩm gây khó cho DN trong giao dịch thương mại, giảm tính cạnh tranh. Ông Diệp Châu Minh Trí - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Beaumax - cho rằng, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm đạt chất lượng và sản phẩm không đạt chất lượng trên thị trường.

Long leo hau kiem, hang kem chat luong tran lan
Đừng hậu kiểm nhỏ giọt các điểm kinh doanh lớn, bỏ qua các điểm kinh doanh nhỏ lẻ

Một sản phẩm chưa được kiểm tra thì liệu có đạt chất lượng theo quy định hay không? Không ít DN làm ăn chụp giật cũng có quyền tự công bố chất lượng sản phẩm, đăng tải những giấy công bố này khắp các mạng xã hội để đánh lừa người tiêu dùng, để rồi kiểm tra đến đâu, lòi sai phạm đến đó. Điều này khiến DN làm ăn chân chính chịu sự cạnh tranh không lành mạnh. 

Chẳng hạn, sản phẩm tăng, giảm cân Cường Anh được quảng bá và bán rầm rộ trong hơn 3 tháng trời, cơ quan chức năng mới kiểm tra theo đơn tố cáo và phát hiện sản phẩm chứa chất cấm sibutramine. Như vậy, trong thời gian chưa được hậu kiểm, hàng ngàn sản phẩm Cường Anh chui tọt vào bụng của người dân, ai chịu trách nhiệm? 

Cơ quan chức năng chỉ kiểm tra khi có “chỉ điểm” hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, điều này khiến lãnh đạo các DN làm ăn chân chính bất an. Ông Võ Duy - Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Thiên Ân - cho biết, theo quy định hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm phải được báo trước, nên rất khó có kết quả thực chất. 

Trước đây, khi chưa có Nghị định 15, DN sản xuất theo giấy công bố hợp quy của cơ quan chức năng, việc kiểm tra ít (1 lần/năm) là hợp lý nhằm tránh gây phiền hà cho DN. Nay ban hành Nghị định 15, để DN tự do công bố nhưng lại không thường xuyên kiểm tra là quá bất cập, làm lợi cho DN chụp giật và thiệt thòi cho DN làm ăn chân chính. 

Chật vật cạnh tranh hàng kém chất lượng

Theo ông Võ Duy, không ít khách hàng đòi xem giấy chứng nhận để biết công ty sản xuất theo tiêu chuẩn gì. Khi xem giấy tự công bố, khách hàng phản ứng vì “không có xác nhận của cơ quan nào”. Vậy là coi như mất đơn hàng. Trong khi hàng ngoại nhập lậu nhan nhản, người tiêu dùng lại không đòi xem giấy tờ vì họ nghĩ sản phẩm đã qua cửa khẩu, hải quan các kiểu, chắc chắn đã được kiểm tra đàng hoàng. 

Long leo hau kiem, hang kem chat luong tran lan
Nghị định 15/2018/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 2/2/2018, cho phép doanh nghiệp (DN) tự công bố sản phẩm, cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà. Ảnh minh họa

Theo ông Diệp Châu Minh Trí, hàng Việt xuất đi các nước bị siết chặt, trong khi sản phẩm nhập về lại được bỏ qua khâu kiểm tra. Đây là cơ hội cho hàng kém chất lượng vào thị trường.

“Tôi nghe một số DN sản xuất bánh kẹo bàn với nhau rằng, thay vì tìm mua nguyên liệu sản xuất trong nước có giá đắt, tết này, họ sẽ nhập nguồn nguyên liệu Trung Quốc giá rẻ để tăng lợi nhuận. Cơ quan chức năng đang “mở cửa” để hàng kém chất lượng nhập về thì họ mặc sức gian lận để tăng lợi nhuận” - ông Trí bày tỏ.

Tiến sĩ Phan Thế Đồng - khoa Khoa học công nghệ, Trường đại học Hoa Sen - cho rằng, nếu buông lỏng quản lý thì tiền kiểm hay hậu kiểm cũng như nhau. Chẳng hạn, DN bị tiền kiểm sẽ đem sản phẩm đạt chất lượng đi kiểm tra, sau đó lại sản xuất hàng kém chất lượng để bán; nếu chỉ tiền kiểm một lần thì hàng kém chất lượng vẫn chui vào bụng người tiêu dùng. Việc hậu kiểm sẽ giúp doanh nghiệp đỡ qua thủ tục rườm rà nhưng nếu không kiểm tra đàng hoàng thì cũng như không.

“Với những quy định này, đòi hỏi công tác hậu kiểm phải được tăng cường hơn, thường xuyên và đột xuất hơn; đừng kiểm tra theo kiểu phong trào, nhỏ giọt, chỉ kiểm DN lớn, bỏ qua DN nhỏ hoặc đổ thừa do không đủ tiền bạc, máy móc và nhân lực để làm” - tiến sĩ Đồng nói. 

“Trong 9 tháng đầu năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai 20 đoàn thanh tra, kiểm tra và ra quyết định xử phạt 71 cơ sở vi phạm với 105 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng. Chúng tôi đề nghị các địa phương phải dồn nguồn lực vào công tác hậu kiểm.

Để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả hơn, cần sự chung tay của chính quyền địa phương. Khi đi hậu kiểm, cần lấy mẫu và kiểm nghiệm ngay, không đạt thì xử lý nghiêm khắc, tránh trường hợp đi kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nhưng mấy tháng sau mới có kết quả.

Cùng với đó, chúng tôi cũng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thay thế cho Nghị định 178/2013/NĐ-CP, với mức chế tài mạnh hơn. Nghị định 15 tạo điều kiện thông thoáng cho DN thì cũng cần có mức xử phạt nghiêm hơn nếu DN vi phạm”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI