Loay hoay tháo 'nút thắt' trữ đông thịt heo

31/05/2019 - 06:51

PNO - Ngày 30/5, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) họp bàn giải pháp triển khai chủ trương trữ đông thịt heo sạch để bình ổn thị trường, tránh thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra.

Chủ trương trữ đông thịt heo sạch để bình ổn thị trường, tránh thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra là chính sách đã được Chính phủ đồng ý, giao cho hai bộ này thực hiện.

Mặc dù được xem là chìa khóa mở lối cho nông dân như đánh giá của nhiều lãnh đạo, chuyên gia ngành nông nghiệp, nhưng tại cuộc họp, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Duy vẫn chưa đưa ra nổi một chính sách cụ thể nào để hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp tham gia. Thay vào đó, ông Duy chỉ trình bày, trích dẫn một cách chung chung vài nghị định của Chính phủ liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp… 

Loay hoay thao 'nut that' tru dong thit heo
 

Đáng nói hơn, đây không phải là lần đầu tiên Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương tính đến phương án thu mua tạm trữ, cấp đông thịt heo. Trong đợt “giải cứu” thịt heo năm 2017, chính sách này cũng đã triển khai, nhưng chỉ có một vài doanh nghiệp vào cuộc, số lượng thu mua tạm trữ cũng hạn chế. Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng thừa nhận, hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. Thất bại trong lần đầu triển khai, các lãnh đạo của Bộ NN-PTNT cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia. Cụ thể như, doanh nghiệp mua tạm trữ chịu nhiều thiệt thòi về chi phí do giá mua vào cao, cộng chi phí điện cấp đông, hao hụt trong quá trình cấp đông (khoảng 5%) khiến giá bán đội lên... Hay như chính ông Phạm Văn Duy thông tin, do hầu hết doanh nghiệp không có kho lạnh nên phải thuê kho cấp đông với chi phí 20.000 - 22.000 đồng/tấn/ngày.

Nắm được nguyên nhân nhưng vẫn loay hoay không tìm ra “lối thoát”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã phát biểu khá gay gắt sau phần trình bày của Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: “Cái chúng ta cần là chính sách cụ thể để sớm triển khai chủ trương giết mổ, cấp đông thịt heo”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang lây lan trên diện rộng và diễn biến phức tạp, nếu không cấp bách triển khai việc trữ đông, có thể để lại hậu quả nặng nề. Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến ngày 30/5, đã có 44 tỉnh có dịch với 2 triệu con heo bị chết, phải tiêu hủy. Theo dự báo, dịch sẽ lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành, ngay cả những trang trại, cơ sở lớn, quy mô hiện đại cũng khó tránh khỏi nếu không có giải pháp phòng ngừa tốt. Do đó, nếu không tổ chức trữ thịt sớm, có thể dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng trong những tháng cuối năm. Đồng thời, heo chết càng nhiều, càng ảnh hưởng tới kinh tế của người trực tiếp chăn nuôi, càng tốn thêm nhiều tiền tiêu hủy, quỹ đất chôn lấp, ảnh hưởng tới môi trường… 

Cùng băn khoăn như ông Tiến, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, cần phải triển khai nhanh và sớm, nếu không sẽ không kịp: “Hiện nay, thịt heo có giá bán thấp, lại khó bán nhưng mấy tháng tới thì không có mà bán chứ đừng nói giá bao nhiêu”. 

Tại hội nghị, sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cho biết, sẽ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính trình cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt heo,  như chi phí lưu kho, lãi suất vay ngân hàng, tiền điện phục vụ cấp đông, chi phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông… Tuy nhiên, những hỗ trợ này cụ thể thế nào, bao giờ mới áp dụng, có lẽ vẫn là điều phải chờ đợi. 

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI