Loạn cơm vua ở Huế

25/10/2014 - 06:25

PNO - PN - Ở Huế, cơm vua là một đặc sản để quảng bá du khách. Thế nhưng thời gian gần đây, tại thành phố này có quá nhiều khách sạn, nhà hàng tổ chức những bữa tiệc theo kiểu “lai vua”, “lai cung đình” khiến du khách bối rối.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiều đoàn khách đến Huế đi ăn cơm vua tại các nhà hàng cung đình ở P.Vỹ Dạ đã “tá hỏa” lẫn bức xúc: “Đây là cơm Tây chứ cơm vua gì. Ngày xưa, chén bát nho nhỏ, gọn gàng và làm thủ công, chứ đâu như thế này: dao, nĩa, muỗng bằng inox sáng bóng, chén đĩa vừa to vừa dày. Cơm vua mà còn uống bia nữa, lạ quá!”…

Loan com vua o Hue

Chuẩn bị cho buổi Ngự yến hoàng cung tại Festival Huế 2014

Dạo quanh các quán cơm cung đình tại TP. Huế, từ cách chọn lựa món ăn đến cung cách phục vụ, mỗi nơi một khác. Các thức ăn phục vụ cho bữa “ngự thiện” khiến khách khó lòng cảm nhận đâu là “ẩm thực cung đình”, hay chỉ "na ná cung đình". Thực đơn cơm vua gồm 12 món với những cái tên rất “kêu” (Long quân khai vị, tôm ngự thuyền rồng, gà nướng cung đình, kình ngư thưởng nguyệt, bách ngọc gói lá…) có giá cao nhất là 2,6 triệu đồng/hai người, thấp nhất là năm triệu đồng cho đoàn 10 người. Nếu khách không có nhu cầu làm vương làm hậu (không mặc trang phục cung đình) và không cần nhạc phục vụ thì giá trên chỉ còn 50%. Và khi giá rớt đến mức 250.000đ/khách thì tuyệt nhiên không còn dấu vết hoàng gia trong các món nữa.

Tình trạng này khiến ông Nguyễn Hữu Đông, nguyên Tổng giám đốc Công ty du lịch Hương Giang và ông Tôn Thất Bửu Hiền, cháu nội của vua Thành Thái, là những người đầu tiên có công phục dựng loại hình cơm cung đình lắc đầu ngao ngán. “Do cạnh tranh nên ai cũng hạ giá thành quá thấp, trong khi đó lại nâng hoa hồng cho đội ngũ môi giới nên sản phẩm không còn giá trị”, ông Bửu Hiền nói.

Là người có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa ẩm thực Huế, TS Trần Đình Hằng - Giám đốc Phân viện Văn hóa nghệ thuật miền Trung, cho biết với cơm vua, cần phải tái hiện được không gian mà khi bước chân vào đó, người ta khám phá được cái thần tinh túy nhất của một triều đại phong kiến. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang nghiên cứu và vận dụng các tư liệu ghi chép của triều Nguyễn, tư liệu hình ảnh và nhân chứng để bổ sung, hoàn thiện cho sản phẩm cơm vua mà đơn vị này xây dựng. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm, bày tỏ quan điểm: Cần chấn chỉnh tình trạng “cơm vua” bát nháo. Nếu không, thương hiệu cơm vua của ẩm thực cung đình Huế sẽ bị mất.

Từ thành công bước đầu của chương trình Ngự yến hoàng cung tại Festival Huế 2014, Trung tâm đã tiếp tục mời nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh làm cố vấn và phối hợp với khách sạn Duy Tân thực hiện thực đơn cơm vua có sáu món theo đúng nguyên bản của triều Nguyễn, gồm: Gắp tư dùng với đồ chua, hải sâm nấu với tôm ba oản, bánh khoai tía và bánh kê, gỏi gà Huế, vịt lọng xôi hong và bánh màu pháp lam. TS Phan Thanh Hải bộc bạch, điều ông quan tâm nhất là việc đăng ký bản quyền cho sản phẩm cơm vua sáu món nói trên. Chỉ khi có bản quyền bảo hộ thì sản phẩm cơm vua với thực đơn này mới không bị lợi dụng để làm sai lệch chất lượng, làm mất đi giá trị và thương hiệu cơm vua đúng nghĩa.

 Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI