Lắp pin mặt trời, điện nửa xài nửa bán?

27/06/2018 - 07:59

PNO - Hệ thống tấm pin sản xuất điện mặt trời trang bị cho các hộ đang được rất nhiều doanh nghiệp quảng bá: không chỉ đáp ứng lượng điện tiêu thụ trong gia đình mà còn dư để bán vào lưới điện quốc gia.

Bỏ trăm triệu đồng mới mong đủ điện dùng

Nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp chuyên cung cấp, lắp đặt pin năng lượng mặt trời (NLMT) trên mái nhà có trụ sở tại Q.3, TP.HCM tiếp thị với chúng tôi: chỉ cần bỏ ra khoảng 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống pin NLMT trên mái nhà, vào mùa nắng nóng, có thể thu từ 150-200kWh/tháng, đáp ứng 70-80% nhu cầu điện cho gia đình.

Đặc biệt, với cơ chế hiện nay là cho phép kết nối trực tiếp với lưới điện nhà nước bằng công tơ hai chiều, gia chủ có thể bán điện dư cho ngành điện lực với giá 2.086 đồng/kW.

Lap pin mat troi, dien nua xai nua ban?
Nhiều khách hàng sau khi lắp đặt hệ thống pin NLMT cho biết, việc lắp đặt hệ thống này có lợi nhưng không thực sự nhiều như các doanh nghiệp quảng cáo, tiếp thị ban đầu. Ảnh minh họa.

Không chỉ có hệ thống NLMT tạo điện năng, một số doanh nghiệp còn cung cấp cả những loại máy điều hòa dùng NLMT có khả năng làm giảm mức tiêu hao điện 30-50% vào ban ngày, đặc biệt càng nắng nóng, việc sử dụng thiết bị này càng có lợi.

Đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật và thương mại Năng Lượng Xanh (Q.8, TP.HCM) cho biết, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, hộ gia đình sẽ trả tiền điện hằng tháng ít hơn rất nhiều so với khi không có hệ thống này.

Dựa trên tính toán chi phí đầu tư, chỉ khoảng 4-6,5 năm, chủ đầu tư có thể thu hồi vốn. Với tuổi thọ của hệ thống NLMT (50 năm), coi như gia chủ có từ 10-40 năm sử dụng thiết bị này miễn phí. Nếu là hệ thống NLMT do Đức sản xuất, tuổi họ có thể lên đến hàng trăm năm.

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đến nay, đã có 327 hộ tại TP.HCM lắp đặt pin NLMT, có đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện với tổng công suất lắp đặt là 3,93MWp. Gần đây, nhiều người tìm đến các thiết bị NLMT là do thời tiết nắng nóng kéo dài và giá điện sinh hoạt hiện ở mức khá cao.

Quyết định số 11 của Chính phủ khuyến khích bằng cách cho phép bán lại nguồn điện năng dư thừa cũng khiến các hộ mạnh tay đầu tư lắp đặt thiết bị này. Mặt khác, trên thị trường, thiết bị NLMT ngày càng được đơn giản hóa, không cần bộ ắc quy tích điện mà cho phép kết nối trực tiếp với lưới điện, giúp giảm được khá nhiều chi phí đầu tư. 

Ông Nguyễn Tấn Hưng - Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết, TP.HCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, trung bình có 6,8 giờ nắng/ngày, thấp nhất là 5,4 giờ nắng/ngày vào tháng Tư, cao nhất đạt 8,8 giờ nắng/ngày vào tháng Ba và có nắng liên tục trong cả năm, không bị gián đoạn.

Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TP.HCM khá cao (1.581kWh/m2/năm, tương ứng 4,3kWh/m2/ngày) nên tiềm năng phát triển và sử dụng NLMT để phát điện là rất lớn và khả thi. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình tìm đến hệ thống này ngày một nhiều.

Đúng nhưng chưa đủ

Rất nhiều khách hàng sau khi lắp đặt hệ thống pin NLMT cho biết, việc lắp đặt hệ thống này có lợi nhưng không thực sự nhiều như các doanh nghiệp quảng cáo, tiếp thị ban đầu.

Theo họ, lẽ ra trước khi quyết định lắp đặt, họ cần được tư vấn kỹ hơn bởi chi phí khá đắt đỏ, không phải một vài chục triệu đồng.

Lap pin mat troi, dien nua xai nua ban?
Nhu cầu lắp đặt pin năng lượng mặt trời ngày càng tăng.

Anh Khải - nhà ở Q.Thủ Đức, TP.HCM - nhẩm tính, một gia đình sử dụng điện bình quân 250 - dưới 300kWh/tháng, tương đương khoảng hơn 3.400kWh/năm, nếu đầu tư gần 30 triệu đồng cho hệ thống điện NLMT, mỗi năm sẽ tự tạo ra khoảng 1.300-1.500kWh điện, tức là chỉ có thể đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu điện, thì không thể có dư để bán.

Anh Khải cho biết thêm, vào thời điểm nắng nóng, điện từ hệ thống pin NLMT tạo ra có dư để bán, nhưng số tiền bán được cũng chỉ bù phần nào cho những lúc sản xuất không đủ dùng. 

Theo khảo sát của chúng tôi, với những gia đình sử dụng 500-600kWh điện mỗi tháng, phải lắp đặt khoảng 5 dàn thiết bị sản xuất NLMT mới đủ để sử dụng, chi phí mỗi dàn bình quân 25-30 triệu đồng. Tính cả khấu hao hư hỏng, phải mất từ 7-10 năm mới có thể thu hồi vốn. 

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công - nhận định, xu hướng năng lượng tái tạo đang được cả thế giới khuyến khích chứ không riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý, điện NLMT chỉ thực sự hữu hiệu khi có nhiều người tham gia và các thiết bị phải được nghiên cứu dựa trên điều kiện thời tiết, khí hậu cụ thể của từng vùng miền của Việt Nam, mới có thể đem lại hiệu suất cao nhất.

Ông Nguyễn Tấn Hưng thừa nhận, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, bình quân khoảng 22-30 triệu đồng/kWp. Đồng thời các hộ gia đình cũng phải có mái nhà đủ lớn để lắp đặt hệ thống pin mặt trời mới có thể thu được năng lượng hiệu quả như mong muốn.

Ngoài ra, hiệu quả của hệ thống điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, vị trí của các tòa nhà và cây cối xung quanh nên không phải ai đầu tư cũng có hiệu quả.

Hiện ngành điện vẫn tìm mọi cách khuyến khích mở rộng mô hình lắp đặt hệ thống điện này nhưng vướng mắc lớn trong việc mua điện từ các hộ gia đình có lắp đặt thiết bị NLMT là những vướng mắc về thuế giá trị gia tăng và phát hành hóa đơn trong việc mua điện, vì đối tượng bán điện là hộ dân chứ không phải doanh nghiệp. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI