Làm sao để không còn phải giải cứu nông sản?

14/06/2017 - 00:30

PNO - Chuyện giải cứu ngành sản xuất nông sản – thực phẩm là một kế sách lâu dài, có bài bản. Cái này thì chúng ta đang có nhiều bất cập.

Chương trình “Hỗ trợ hộ chăn nuôi - Trợ giá người tiêu dùng” sẽ diễn ra tại Thành phố Cần Thơ từ ngày 19 - 21/6, dự kiến tiêu thụ khoảng 1.000 con heo thịt. Đây là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức.

Thực chất, nó chỉ là một trong các hoạt động nhằm "giải cứu" thịt heo bắt đầu từ cuối tháng 4/2017 sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát văn bản kêu gọi chính quyền các địa phương vào cuộc giải cứu thịt heo đang tồn đọng và bình ổn giá.

Lam sao de khong con phai giai cuu nong san?
Giải cứu thịt heo đang tồn đọng.

Như vậy, cho tới nay, hoạt động chăn nuôi heo trong cộng đồng vẫn đang còn phải được "giải cứu" do cung đã vượt cầu.

Có nhiều lý do để giải thích tình trạng này. Nhưng nói một cách lý thuyết, tựu chung vẫn là một hậu quả do nạn chăn nuôi tự phát trong người dân và sự quản lý quá yếu kém của các ngành hữu quan.

Tất nhiên không thể loại trừ gốc rễ là do người nông dân quen thấy cái lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái hại sau đó. Nó còn phản ánh tâm lý ăn theo, chạy theo phong trào để cuối cùng rơi vào những cái bẫy kinh tế.

Mọi người đã quá quen với chuyện hễ mùa này, mặt hàng nào bán đắt thì mùa sau khắp thiên hạ đổ vào cùng chăn nuôi, sản xuất mặt hàng đó dẫn tới thừa mứa.

Cũng không ít trường hợp do người sản xuất một số mặt hàng quá phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu, khi thị trường nước ngoài có vấn đề hay các nhà nhập khẩu tìm được nguồn hàng khác tốt hơn là họ đành ôm sô.

Lam sao de khong con phai giai cuu nong san?
Giải cứu chuối cho nông dân Đồng Nai.

Trong những năm qua, chúng ta cũng từng không ít lần phải chứng kiến chuyện thương lái xứ người đặt mua nông sản của ta rồi sau đó biệt vô âm tín, dẫn tới những suy đoán là có bàn tay phá hoại chủ đích của những thế lực thù ghét Việt Nam.

Chuyện giải cứu ngành sản xuất nông sản – thực phẩm là một kế sách lâu dài, có bài bản. Cái này thì chúng ta đang có nhiều bất cập. Có nhiều chuyện để nói, nhưng thấy rõ là chúng ta đã chuyển từ cực này sang cực khác, từ kế hoạch hóa mọi chuyện theo kiểu quản thật chặt cứng nhắc khiến năng lực sản xuất bị kềm hãm, tới buông thả cho ai muốn làm gì thì làm. Ở đây không thể dùng từ thị trường hóa, vì nếu thật sự để cho thị trường quyết định thì cung và cầu đã khó xảy ra chênh nhau.

Giải cứu với tinh thần chữa cháy chỉ có hai biện pháp: tăng cường thu mua và khuyến khích người dân mua nông sản bị tồn đọng. Có một nghịch lý xảy ra: muốn giải cứu người sản xuất thì phải thu mua nông sản với giá cao hơn, trong khi muốn bán được nông sản đó thì phải giảm giá bán. Ai sẽ chịu khoản chênh lệch giá đó? Nếu gọi là "trợ giá người tiêu dùng" thì ai phải bỏ ra khoản tiền đó? Các doanh nghiệp thương mại đâu phải là các nhà từ thiện. Mà nếu có làm "hiệp sĩ giải cứu" thì chỉ một hai lần chứ đâu phải như "chuyện thường ngày ở huyện".

Lam sao de khong con phai giai cuu nong san?
Giá giảm còn 2000 đồng/ký, nông dân Bình Định bỏ ớt chín rục ngoài đồng.

Có một điều cần nói là trong thời gian gần đây, có những trường hợp người dân tự "giải cứu". Khai thác thế mạnh của các mạng truyền thông xã hội, một số "hiệp sĩ" đã đăng thông tin, thậm chí lập cả những fanpage để giúp "giải cứu" những nông sản đang bị tồn đọng, từ chuối, dưa hấu đến bí đao, bí đỏ, rồi mới đây lại đến xoài...

Đó là một điều tốt đẹp trong xã hội, nhưng cũng chỉ mang tính chữa cháy và trong quy mô nhỏ. Chẳng ai thích chuyện khi làm ăn bình thường thì thu lợi nhuận cho mình, tới lúc xảy ra khó khăn do chủ quan lại kêu gọi người ta giải cứu mình.  

Khó thể nói rằng chuyện giải cứu nông sản như ta đang phải làm sẽ giúp bình ổn thị trường, ổn định giá cả. Cái lợi trước mắt mà nó đem lại là giải cứu người sản xuất khỏi tình trạng bị tồn đọng sản phẩm. Nhưng dù sao, họ cũng chỉ vớt vát lại chút nào đó chứ không thể hòa vốn, đừng nói chi là có lợi. Rồi việc người thu mua giảm giá bán ra (thường là dưới mức giá thật sự) để có thể thu hút người mua sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả chung của sản phẩm đó.

Hãy hỏi những tiểu thương bán thịt heo tại các chợ nhỏ xem họ khốn đốn ra sao trong đợt giải cứu thịt heo vừa qua. Tất nhiên, trong một số trường hợp, nếu khéo quản lý, cơ quan chức năng có thể nhân cơ hội này để kéo giá thị trường ảo của sản phẩm xuống đúng giá hợp lý của nó. Làm được điều này mới chính là bình ổn thị trường.

Lam sao de khong con phai giai cuu nong san?
Nông dân Đắk Lắk lao đao vì bí đỏ mất giá.

Bất luận thế nào hễ đã để xảy ra tình trạng phải "giải cứu" là sẽ để lại nhiều hậu quả lâu dài và nhiều mặt cho cả xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Bởi vậy, chuyện cốt tử là Nhà nước phải rà soát ngay lại thực tế sản xuất nông sản và thực phẩm ở nước ta để tránh xảy ra những sự việc giống như mới nhất là giải cứu thịt heo. Và về căn cơ cho bền vững, không phải là chuyện giải cứu nông sản mà phải là giải cứu người nông dân khỏi những cái bẫy kinh tế và tập quán sản xuất phó mặc cho trời và cho người khác.

Người nông dân có thể sản xuất cá thể nhưng vẫn cần có đầu ra chung do Nhà nước điều phối và bảo đảm. Một khi đã là sản xuất để làm kinh tế, người nông dân không thể muốn trồng cây gì, nuôi con gì tùy ý mình.

Vai trò của các tổ chức khuyến nông ở đây trở nên quan trọng. Và càng có lợi cho tất cả nếu như có được mạng lưới hỗ trợ nông dân từ sản xuất tới tiêu thụ. 

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI