Làm gì để người dân dùng thẻ thay tiền mặt?

20/01/2019 - 06:00

PNO - Nhiều giải pháp khuyến khích người dân thay đổi thói quen dùng tiền mặt, chuyển sang dùng thẻ để thanh toán. Liệu có thể hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt khi còn quá nhiều rào cản?

Chị Kim Cương (37 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết thấy mọi người ngày càng có xu hướng dùng thẻ thanh toán, để tiện lợi chị cũng “tập tành” chuyển sang thanh toán bằng thẻ, thay vì mang theo nhiều tiền mặt. Thế nhưng, nhiều lần đi taxi, khi thanh toán cước, chị cà thẻ 5 lần vẫn không xong, cuối cùng chị vẫn phải trả tiền mặt.

Lam gi de nguoi dan dung the thay tien mat?
 

“Muốn thanh toán bằng thẻ cho tiện nhưng thực tế lại không tiện, tài xế taxi nói do wifi yếu không kết nối được, có khi lại do máy cà thẻ cũ, hay bị chập chờn. Bởi vậy, ra đường vẫn không thể không đem theo tiền mặt, trừ khi công nghệ thanh toán được vận hành tốt”, chị Cương nói.

Nhiều người cũng gặp rắc rối khi xài thẻ như bị tính phí, mất tiền do chưa có kinh nghiệm. Anh Hiếu (35 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) kể có lần dẫn bạn đi ăn, lúc tình tiền do mải nói chuyện, anh đưa thẻ cho nhân viên cà thẻ mà không giám sát, lúc về lại quên lấy hóa đơn. Đến kỳ trả tiền, anh mới phát hiện phải trả thêm khoản tiền mà mình không xài nhưng không lưu đủ hóa đơn để đối chiếu. Chưa kể, theo anh Hiếu, có lần cà thẻ trả tiền vé máy bay mua online, anh phải trả thêm 55.000 đồng phí.

Nhiều ý kiến cho rằng không phải người dân ngại quẹt thẻ mà khi sử dụng thẻ thanh toán, tại một số điểm kinh doanh, nhân viên cũng muốn nhanh gọn, nói khách thông cảm trả tiền mặt vì “máy quẹt thẻ có vấn đề, không nhận diện được thẻ”. Ngoài máy POS hay gặp trục trặc kỹ thuật, người xài thẻ tốn phí giao dịch thì tính bảo mật thông tin thẻ là một trong những lý do quan trọng khiến nhiều người dè dặt ngại dùng thẻ thanh toán. 

Theo số liệu của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, hiện 90% người mua hàng qua mạng trả bằng tiền mặt. Một trong những lý do khiến ít người thanh toán bằng thẻ khi mua hàng qua mạng là yếu tố niềm tin.

Lam gi de nguoi dan dung the thay tien mat?
Để khuyến khích ngưởi dân dùng thẻ thì các phương thức thanh toán phải thuận tiện, dễ sử dụng, ít tốn phí và đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận, dù số lượng tài khoản cá nhân ngày càng tăng cùng với số lượng máy ATM, POS, nhưng việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế còn gặp nhiều trở ngại. Phần lớn người dân có thói quen, tâm lý thích dùng tiền mặt và còn e ngại, hoài nghi tính bảo mật thông tin khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới. Cơ sở hạ tầng thanh toán tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, chưa vươn tới được khu vực nông thôn.

Phía doanh nghiệp thì ngại phí chiết khấu, chưa kể khi thanh toán qua ngân hàng, các doanh nghiệp sợ minh bạch thuế nên còn chần chừ. Chính vì vậy, thanh toán tiền mặt vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng các phương tiện thanh toán điện tử, bao gồm cả thanh toán di động.

Theo một nghiên cứu của MasterCard, có tới 85% giao dịch mua bán nhỏ lẻ trên thế giới trong năm 2013 vẫn được tiến hành bằng tiền mặt. Một khảo sát của hãng tư vấn G4S cũng cho thấy ở khu vực châu Âu, vẫn còn tới 60% giao dịch bán lẻ trong năm 2016 được thực hiện với sự hỗ trợ của tiền mặt.  

Có 75% trong số 24 nước tham gia khảo sát trên báo cáo rằng tiền mặt được sử dụng nhiều hơn 50% cho các giao dịch thanh toán bán lẻ ở đất nước mình. Chỉ có hai nước cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong thanh toán tiền mặt là Hàn Quốc và Thụy Điển.

Lam gi de nguoi dan dung the thay tien mat?
90% người mua hàng qua mạng trả bằng tiền mặt thay vì dùng thẻ vì chưa tin vào tính bảo mật thông tin.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, tại Thụy Điển, Hàn Quốc, người dân vẫn còn lo ngại về việc đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu khách hàng, rủi ro an ninh mạng, rủi ro vận hành như mất điện/thiên tai, tình trạng phân cách số (digital divide) giữa những người am hiểu, có điều kiện sử dụng công nghệ với những người thuộc nhóm yếu thế như người già, người thu nhập thấp, trẻ em…. Đây là điều cần lưu tâm trong quá trình phát triển thanh toán điện tử, hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt ở mỗi quốc gia.

Để khuyến khích người dân dùng thẻ thanh toán thay tiền mặt thì phải tháo gỡ được các rào cản trên. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phải thuận tiện, dễ sử dụng, ít tốn phí và đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, các ngân hàng phải trang bị hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận, từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận.

Đồng thời, phải xây dựng các tiêu chí và phần mềm để xác định các giao dịch bất thường dựa vào thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần đăng nhập sai quá quy định hoặc các dấu hiệu bất thường khác; xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập, tấn công mạng…

Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường ứng dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền với công nghệ hiện đại, tính bảo mật cao phục vụ thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội, như: thanh toán qua QR Code, điện thoại di động, Internet, thẻ phi tiếp xúc... Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng cũng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật; xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số trên mobile; thanh toán sử dụng QR code,..

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI