La Hạ Giang Thanh: 'Tìm chân giá trị để có cuộc đời ý nghĩa'

21/10/2018 - 10:00

PNO - Mới 30 tuổi nhưng La Hạ Giang Thanh lại là người giảng dạy về ý nghĩa cuộc đời cho những người 50-60 tuổi. Chị chính là người chuyển ngữ lập trình ngôn ngữ tư duy (Neuro linguistic programming - NLP) sang tiếng Việt.

​Cách đây mười năm, khi mới du nhập vào Việt Nam, lập trình ngôn ngữ tư duy NLP là một ngành khoa học bằng tiếng Anh với các kiến thức chuyên ngành khô khan, khó ứng dụng. La Hạ Giang Thanh là một trong những người tiên phong chuyển ngữ NLP sang tiếng Việt với nền tảng ngôn ngữ, thuật ngữ được sử dụng phổ biến hiện nay.

Sau đó, chị cùng ông Vasanth Gopalan, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển tư duy con người tại châu Á, đã đưa NLP và các ngành khoa học tâm trí khác vào các chương trình đào tạo để mang lại cuộc sống hạnh phúc ý nghĩa cho nhiều người. 

La Ha Giang Thanh: 'Tim chan gia tri de co cuoc doi y nghia'
La Hạ Giang Thanh là Giám đốc điều hành Công ty Giáo dục TNHH Leading Performance (LPE) và là một giảng viên về phát triển cá nhân

* Hiện nay, các trung tâm dạy về NLP đã mọc lên "như nấm sau mưa". Làm sao để học hiệu quả, thưa chị?

- La Hạ Giang Thanh: Lập trình ngôn ngữ tư duy là phương pháp nhằm vào việc thay đổi tận gốc của hành vi bằng cách thay đổi lối tư duy. Tuy nhiên, không phải ai học NLP cũng tìm được niềm tin, sự thú vị trong cuộc sống. Riêng tôi không chỉ dùng NLP trong phương pháp huấn luyện (Coach) và trị liệu, mà còn sử dụng nó như một phong cách sống. Ngoài ra tôi còn áp dụng nhiều bộ môn khoa học tâm trí khác nhau để giúp học viên đi tìm con người bên trong của họ, đó mới là bước quan trọng.

Con người chúng ta còn buồn khổ, ham muốn, ganh tị vị trí của người khác là do chúng ta chưa nhận thấy được giá trị của chính mình trong cuộc đời. Bất bình đẳng giới cũng vì cả đàn ông lẫn phụ nữ đều không nhận ra giá trị thật sự của nhau.

Nếu ai trong mỗi chúng ta đều biết ta có những giá trị riêng biệt, không giống ai, và ai cũng là một mảnh ghép hoàn hảo trong vũ trụ này, thì chúng ta sẽ không còn phải tranh giành, đố kỵ với người khác nữa.

* Quá trình để giúp một người nhận ra chân giá trị của mình thường mất bao lâu?

- Tùy từng trường hợp. Có người tôi chỉ mất mười phút, nhưng có người mất nhiều thời gian hơn khi những định kiến, cái nhìn bi quan đã ăn sâu trong tư tưởng của họ quá lâu. Tôi sẽ đặt một loạt câu hỏi để phá bỏ từng "lớp" định kiến ấy, từ từ chân giá trị, lẽ sống của họ sẽ lộ ra. 

* Phải chăng phần lớn đối tượng học viên của chị là người trưởng thành?

- Không đâu, trẻ em cũng không ít, có cả các em nhỏ dưới 10 tuổi đến người 50-60 tuổi, từ nhân viên đến chủ doanh nghiệp về các vấn đề kinh doanh, sức khỏe, tâm sinh, vấn đề bất hòa trong mối quan hệ, vấn đề tài chính… Không chỉ có người nghèo mà người giàu cũng trầm cảm và không thấy ý nghĩa trong cuộc sống. 

La Ha Giang Thanh: 'Tim chan gia tri de co cuoc doi y nghia'
Với La Hạ Giang Thanh, mỗi người là một mảnh ghép hoàn hảo và khác biệt

Một học viên mới đây của tôi là một người đàn ông giàu có từ Cộng hòa Czech. Anh nói rằng mình cảm thấy mất phương hướng, không thấy yêu thích cái gì và cũng không biết làm gì lúc này nữa.

Sau 5 tháng huấn luyện và qua các khóa học, anh mới tìm được chân giá trị, lẽ sống của đời mình. Anh nói anh sẽ bắt đầu kinh doanh trở lại. Điều ngạc nhiên hơn là anh mua khóa học cho đại gia đình 30 người từ Czech xa xôi về Việt Nam học, và giá mỗi khóa học là không rẻ.

* Một giảng viên mới 30 tuổi như chị mà giảng dạy về ý nghĩa cuộc đời cho những người 50-60 tuổi, chị có cảm thấy áp lực?

- ​Tôi khá tự tin với kiến thức, kỹ năng của mình. Và tôi xem mình như một người đồng hành với học viên chứ không phải người thầy xa cách. Hơn nữa, tôi chỉ tập trung vào mục tiêu làm cho mọi người hạnh phúc, đó cũng là đam mê và mơ ước của tôi từ những ngày còn nhỏ. 

​Từ những ngày nhỏ tuổi, tôi đã luôn trăn trở là vì sao mọi người xung quanh mình đau khổ quá. Ngay cả gia đình tôi cũng ít khi vui. Ai cũng nói đó là số phận, vậy thì phải chấp nhận đau khổ suốt đời hay sao? Trên hành trình đi tìm con đường hạnh phúc, tôi đã may mắn đọc nhiều sách hay, gặp nhiều người thầy tuyệt vời.

Tôi thấy rằng cuộc đời đau khổ không hẳn là do số phận, chúng ta có thể lựa chọn cuộc sống hạnh phúc, an nhiên hơn. Sau đó, tôi muốn truyền đạt các kỹ năng đến các bạn nhân viên. Và rồi, mỗi học viên của tôi sau khi học xong sẽ truyền cảm hứng cho những người khác, cứ thế, cộng đồng hạnh phúc sẽ lan tỏa ngày càng rộng rãi.

* Một phụ nữ ở vị trí lãnh đạo theo chị thì thuận lợi hay khó khăn nhiều hơn?

- ​Tôi cho là thuận lợi nhiều hơn. Bà Louise L. Hay, một tác giả người Mỹ chuyên về đề tài lên tinh thần, tạo động lực và là người sáng lập nhà xuất bản Hay House, từng nói rằng phụ nữ sở hữu nguồn năng lượng ấm áp và linh hoạt. Họ thấu hiểu tâm lý nhân viên lẫn khách hàng, nên những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường được lòng nhiều người.

Còn những doanh nghiệp do đàn ông lãnh đạo thường cứng nhắc hơn, vì vậy mà những người trợ lý hoặc trưởng phòng hành chính nhân sự thường là nữ để cân bằng, hài hòa với năng lượng mạnh mẽ từ ông chủ. 

La Ha Giang Thanh: 'Tim chan gia tri de co cuoc doi y nghia'
Mới 30 tuổi nhưng La Hạ Giang Thanh lại là người giảng dạy về ý nghĩa cuộc đời cho những người 50-60 tuổi

​Trong "Ngôn ngữ lập trình tư duy" và "Liệu pháp dòng thời gian" con người phân thành hai loại tính cách cơ bản là "in-time" và "through-time". Người lãnh đạo thường là "in-time", họ là người quyết đoán nên đưa ra quyết định rất nhanh và quyết liệt, không hề ngần ngại.

Còn người "through-time" thường là người làm ở vị trí quản lý cấp trung, quản lý tài chính, kế toán... họ quyết định chậm vì họ thường cân nhắc nhiều hơn, phân tích đúng - sai rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.

* Những người lạnh đạo như chị hẳn là người "in-time", nhưng quyết định nhanh có dễ dẫn đến sai sót?

- Tôi là người "in-time", nhưng may mắn tôi lại là phụ nữ nên biết quan tâm, lắng nghe nhiều hơn trước khi quyết định. Tôi không đặt cái "tôi" của mình quá cao và tôi biết điều tiết để mình không xa cách với mọi người. 

Chúng tôi đang bán một sản phẩm khó bán, nhưng đó là những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội lúc này. Ba khóa học đông học viên theo học nhất hiện nay là: "Tìm lại lẽ sống và đam mê", "Mối quan hệ hoàn hảo – Nghệ thuật sống hạnh phúc và hòa hợp" và "Sức khỏe hoàn hảo". 

Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Thực ra, đây là con số thống kê chưa đầy đủ. Bởi trên thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, chỉ có 20% số người mắc bệnh đi khám.

Nguyên nhân nhiều người cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần, hoặc là mắc bệnh liên quan tới tâm thần song không quá quan trọng, không đáng quan tâm. Nhưng thật không may, bệnh lý tâm thần là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh về thể chất như: tim mạch, ung thư, mất trí nhớ, mất ngủ, tiểu đường, béo phì... 

Những con số trên cho thấy một bức tranh xã hội rất xám xịt. Và chúng tôi vẫn đang cố gắng tô từng vệt sáng cho bức tranh đó, bắt đầu từ từng cá nhân. Có thể hành trình trước mắt sẽ còn dài, nhưng chúng tôi vẫn luôn kiên trì trên con đường này, với một ước mơ lớn về một xã hội bình an, hạnh phúc.

* Xin cảm ơn chị rất nhiều!

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI