Kinh doanh trong nhà ống: Tự đưa mình vào… rọ?

14/06/2016 - 13:03

PNO - Tình trạng biến nhà ở thành cơ sở kinh doanh không phải đến vụ cháy cửa hàng Tân Phú Gia (Q.Tân Phú) làm bốn người chết, một người bị thương rạng sáng 10/6 mới được báo động.

Thực tế, rất nhiều căn nhà ở TP. HCM được tận dụng cho thuê mặt bằng có tình trạng tương tự. Quy định đã có nhưng người dân vẫn xem nhẹ.

Bỏ quên "bà hỏa"

Trở lại cửa hàng Tân Phú Gia (423 đường Lũy Bán Bích, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú), từ bên ngoài có thể thấy, cơ sở kinh doanh một trệt, một lầu có tổng diện tích sử dụng khoảng 150m2 này như một cái hộp. Nhà không có một lối thoát nào ngoài cửa chính ở tầng trệt, bên trong không lắp đặt bất kỳ phương tiện chữa cháy nào đáng kể. Dù vụ cháy được phát hiện rất sớm, nhưng người dân xung quanh đành bất lực trước những tiếng kêu cứu tuyệt vọng từ bên trong vì không cách nào vào nhà được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây ngôi nhà xây dựng với mục đích để ở, có ban công và cửa sổ ở tầng một. Thế nhưng, cách nay khoảng một năm, anh Trần Hợp Phúc (chủ cửa hàng Tân Phú Gia) đến thuê làm cơ sở kinh doanh bếp từ đã cải tạo lại, lắp một pa-nô quảng cáo rất lớn bao bọc toàn bộ mặt tiền căn nhà từ tầng lửng lên tầng một. Đến khi cháy, mọi người trong nhà như “cá trong rọ” không cách nào thoát được.

Kinh doanh trong nha ong: Tu dua minh vao… ro?
Ảnh: Phùng Huy

Lật lại những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trước đây có thể thấy, phần lớn đều là các cơ sở kinh doanh được chuyển đổi từ nhà ở. Nhiều người vẫn chưa quên vụ cháy nghiêm trọng cách nay khoảng một năm thiêu rụi sá u căn nhà (từ nhà số 178 đến số 188 đường Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3) làm một người chết và thiệt hại hàng chục xe gắn máy. Điểm chung của những ngôi nhà này là đều thuê lại nhà ở của người dân làm cơ sở kinh doanh.

Tương tự, vụ cháy nghiêm trọng khác ở số 416 đường Nguyễn Trãi, P.8, Q.5 xảy ra cách nay hơn một năm làm bảy người chết, cũng là từ một ngôi nhà vừa làm cơ sở kinh doanh các thiết bị làm tóc vừa làm nhà ở. Khi xảy ra hỏa hoạn, các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường mới thấy cơ sở hầu như không trang bị bất kỳ phương tiện chữa cháy nào ngoài tấm bảng nội quy phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cách nay khoảng hai năm, một vụ cháy khác xảy ra tại trung tâm bảo hành bếp gas Rinnai số 335 Lê Văn Sỹ, P.1, Q.Tân Bình cũng là cơ sở thuê lại nhà ở của người dân. Sau khi biến thành cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở thiết kế bít hết toàn bộ ban công, cửa sổ, nhưng không trang bị bất kỳ hệ thống PCCC nào.

Trong bán kính khoảng 1km xung quanh vụ cháy cửa hàng Tân Phú Gia trên đường Lũy Bán Bích, nhẩm đếm có không dưới 50 cửa hàng kinh doanh đủ các ngành nghề và phần lớn đều thuê lại nhà ở của người dân, cải biến thành cơ sở kinh doanh. Để tạo sự chú ý, cơ sở nào cũng tranh thủ lắp pa-nô quảng cáo thật to, nhiều cơ sở xây hai - ba tầng nhưng ban công bị bao kín bởi các pa-nô, chỉ còn lối thoát duy nhất là cửa chính ở tầng trệt.

Trong vai khách hàng, chúng tôi vào một ngôi nhà ba tầng kinh doanh văn phòng phẩm. Từ tầng một đến tầng ba, ngôi nhà gần như bị bao bọc hoàn toàn bởi tấm bảng hiệu quảng cáo của cửa hàng. Bên trong cửa hàng được ốp vách thạch cao. Rất nhiều mặt hàng được làm từ giấy, rất dễ cháy nhưng cửa hàng không trang bị phương tiện chữa cháy nào ngoài hai bình chữa cháy mini.

Cách đó khoảng 50m là một cửa hàng kinh doanh thời trang một trệt, một lầu. Bên trong cửa hàng không có bất kỳ phương tiện PCCC nào ngoài một tấm biển tiêu lệnh chữa cháy và nội quy PCCC. Lân la hỏi chuyện, chị L. (chủ cửa hàng) cho biết, mặt bằng này chị thuê lại nhà ở của người dân giá 20 triệu đồng/ tháng, tốn khoảng 50 triệu đồng để thiết kế lại. “Kinh doanh hàng quần áo, vải vóc rất dễ cháy có bắt buộc lắp đặt hệ thống PCCC không?” - tôi hỏi. Chị L. thú thật: “Hàng năm, chính quyền địa phương đều đến kiểm tra PCCC nhưng mình cứ năn nỉ họ, nói điều kiện khó khăn, xin lắp đặt mấy cái nội quy cho có. Họ chỉ nhắc nhở rồi cho qua”.

Nhà ở không thể biến thành cơ sở kinh doanh

Theo anh Lê Quang Danh - Trưởng phòng Thiết kế Công ty TNHH xây dựng Phát Đạt, ngôi nhà xây dựng với mục đích để ở khác hoàn toàn ngôi nhà để hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, đối với nhà để ở, đường dây điện sử dụng chỉ phục vụ vừa đủ nhu cầu một gia đình, nhưng khi ngôi nhà chuyển thành cơ sở kinh doanh ngành nghề văn phòng với khoảng 50 nhân viên, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng lên gấp 10 lần nhưng vẫn sử dụng đường dây truyền tải phục vụ nhà ở chắc chắn sẽ gây quá tải, nguy cơ chập điện, cháy nổ rất cao. Đó là chưa kể sau khi hoán đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh sẽ có rất nhiều mặt hàng dễ cháy như: vải, giấy, hóa chất… lưu giữ trong nhà.

Một cán bộ của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm, theo quy định thì nhà dưới 250m2 do người dân chịu trách nhiệm thiết kế, nhiều người tiết kiệm chi phí nên không thuê kiến trúc sư, chỉ sử dụng một đơn vị vừa xây dựng vừa thiết kế theo ý của mình. Đôi khi đơn vị xây dựng chỉ là những nhóm thợ hồ không đủ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn nên bỏ qua các yếu tố kỹ thuật, câu mắc điện, lối thoát hiểm, PCCC cần thiết. Chưa kể khi tận dụng nhà ở loại này thành cơ sở kinh doanh sẽ càng mất an toàn.

Tương tự, theo anh Nguyễn Quang Thắng (kỹ sư xây dựng) nhiều ngôi nhà để ở có thiết kế ban công, giếng trời, nhưng khi chuyển đổi thành cơ sở kinh doanh thường bít các khu vực này lại để quảng cáo, tận dụng hết không gian. Chia cắt ngôi nhà ra nhiều phòng nhỏ khiến lối đi chung chật hẹp, không khí trong nhà không đối lưu được, nhưng không lắp đặt hệ thống thông hơi, thông gió. Lâu ngày, ngôi nhà lưu giữ rất nhiều khí độc, khi xảy ra cháy người trong nhà thường chết ngạt trước khi chết cháy.

Theo quy định, nhà ở không phải trang bị phương tiện PCCC, còn cơ sở kinh doanh thì phải trang bị, nhưng theo anh Thắng, hiện chỉ có các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn hoặc các điểm kinh doanh của người nước ngoài mới chủ động trang bị hệ thống PCCC. Các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thường lờ đi việc này hoặc chỉ trang bị cho có. Trong khi đó, phần lớn các cơ sở này thuê nhà ở làm cơ sở kinh doanh, “thừa hưởng” thiết kế cũ, nên nguy cơ cháy rất cao.

Kinh doanh trong nha ong: Tu dua minh vao… ro?
Tình trạng cải tạo nhà ở thành cơ sở kinh doanh nhưng không trang bị PCCC diễn ra tràn lan trên địa bàn TP.HCM

Làm sao thoát nạn trong nhà ống?

Đại úy Huỳnh Văn Tuấn - Phó trưởng phòng Cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát PCCC TP.HCM, cảnh báo, khi có cháy xảy ra, bên trong các ngôi nhà ống sẽ xuất hiện nhiều khói, khí độc từ các vật dụng sinh hoạt của gia đình. Do đó, đa số nạn nhân của các vụ cháy nhà ống thường bị chết do ngạt thở. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người khi xảy ra cháy, người dân cần trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn.

Cụ thể, khi phát hiện có mùi khét hoặc có cháy trong nhà, phải bình tĩnh hô hoán cho mọi người biết, đồng thời quan sát tình hình đám cháy nhỏ hay lớn để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu cháy nhỏ, khói độc sinh ra còn ít, có thể sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có nhanh chóng dập lửa. Nếu cháy tương đối lớn, phải nhanh chóng cùng người thân thoát ra ngoài và báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC biết (qua số điện thoại 114). Trường hợp khói độc nhiều, phải cúi thấp người, dùng khăn vải nhúng nước bịt mũi và tìm lối thoát nạn. Nếu không thể thoát nạn bằng cửa chính của căn nhà, hãy phá các cửa kính để thoát ra ban công hay thoát qua những căn nhà cạnh bên. Nếu cần thiết phải vượt qua lửa thì phải lấy chăn, mền hoặc tấm vải lớn thấm nước rồi chạy thật nhanh.

Nếu người gặp nạn đang ở trên tầng cao không thể thoát được, tuyệt đối không được nhảy lầu mà nhanh chóng đóng cửa phòng lại, dùng vải thấm ướt nước che kín các khe hở trong phòng để ngăn khói độc bay vào, mở hết các vòi nước của phòng vệ sinh, để nước tràn ra ngoài, sau đó lại gần khu vực cửa sổ, mở cửa để có dưỡng khí từ bên ngoài, tránh bị ngạt. Ngoài ra, phải ngồi thấp ở phía dưới khung cửa sổ, có thể dùng chăn, màn phủ qua người để hạn chế hơi nóng của đám cháy và báo hiệu ra bên ngoài cửa sổ để chờ ứng cứu.

Đại úy Tuấn lưu ý thêm đối với các nhà ống tận dụng để kinh doanh, buôn bán, chất đồ đạc… là khi cải tạo nhà, người dân không nên tự ý câu móc điện, phải sử dụng các thiết bị điện có nhãn mác, có chất lượng và công suất phù hợp. Không để các thiết bị điện gần đồ vật dễ cháy.

Khi ra khỏi nhà, phải tắt hết các thiết bị tiêu thụ điện, đối với các thiết bị cần phải sử dụng điện thường xuyên, nên có biện pháp bảo vệ an toàn như sử dụng các cầu dao CB tự động… Tuyệt đối không chất đồ đạc cản trở lối đi, không xếp hàng hóa gần bóng đèn, dây dẫn điện, dưới chân cầu thang… Việc để xe gắn máy trong nhà còn tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nhà, chú ý không để xe chắn hết lối đi cửa ra vào, không để xe gần nơi có ổ cắm điện ở gần mặt đất, nơi thường xuyên có nguồn nhiệt cao…

Thiết bị báo cháy kết nối cảnh sát PCCC

Các hệ thống PCCC hiện nay chỉ dao động từ khoảng chục triệu đến dưới trăm triệu. Chẳng hạn, một hệ thống báo cháy cảm biến của Hàn Quốc giá chỉ từ 9,2 triệu - 10,5 triệu đồng. Khi “ngửi” thấy mùi khói lập tức thiết bị sẽ rung chuông báo hiệu để người trong nhà dập tắt hoặc ra khỏi nhà ngay.

Các thiết bị báo cháy thông thường khác như: tủ báo cháy, đầu báo cháy chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Đối với các hệ thống chữa cháy tự động (tự phun nước hoặc khí chữa cháy khi đầu dò phát hiện khói) chỉ vài chục triệu đồng đến dưới một trăm triệu. Ngoài ra, theo đại úy Tuấn, hiện Trung tâm 4/10 của Cảnh sát PCCC đã nghiên cứu và cho lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm.

Khi xảy ra cháy ở nhà, ở công ty hay một cơ sở nào đó mà không có người bên trong thì hệ thống cảnh báo cháy sớm sẽ có các đầu cảm biến nhận biết sự cố và tự động báo về cho Trung tâm thông tin chỉ huy của Cảnh sát PCCC thành phố. Sau khi nhận biết thông tin này, Trung tâm sẽ điều động lực lượng Cảnh sát PCCC ở gần khu vực cháy đến hiện trường trong thời gian ngắn nhất. Đặc biệt là nếu có người trong cơ sở hay nhà bị cháy nhưng mất bình tĩnh, không gọi điện báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC, thì thông qua hệ thống cảnh báo này, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng sẽ đến hiện trường ứng cứu.

Phan Trí – Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI